(TG) - Các hãng sản xuất, phân phối thuốc lá tìm cách để quảng cáo sản phẩm tới người tiêu dùng, cửa hàng, chợ, siêu thị… vẫn tự do bán thuốc lá. Sau gần 7 năm thực thi luật Phòng, chống tác hại thuốc lá đi vào thực tế, tỷ lệ người hút thuốc lá chỉ giảm 2%. Người dân có nhận thức về tác hại nhưng vẫn hút thuốc tại các cơ sở vui chơi giải trí, bệnh viện, nơi đông người.
Về thuế thuốc lá:
Thuế thuốc lá của Việt Nam còn rất thấp. Việt Nam là nước có mức thuế TTĐB đối với thuốc lá thấp gần nhất trong khu vực ASEAN (chỉ cao hơn Cam-pu-chia, Lào và Myanmar) và rất thấp so với các nước phát triển(1). Theo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, hiện nay, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá của Việt Nam là 75% giá xuất xưởng. Nếu tính trên giá bán lẻ mức thuế này chỉ chiếm 36,1%.
Thuế thuốc lá thấp làm giá thuốc lá rẻ. Theo tính toán của WHO thì giá trung bình của một bao thuốc lá hai mươi điếu có xu hướng giảm (12.101 đồng Việt Nam/bao năm 2015 và 11.848 đồng Việt Nam/bao năm 2020 sau khi đã hiệu chỉnh lạm phát). Giá thuốc lá rẻ làm tăng khả năng tiếp cận và mua thuốc lá của thanh thiếu niên và người nghèo, giảm hiệu quả của công tác PCTH của thuốc lá(2).
Cảnh báo sức khỏe in trên bao bì các sản phẩm thuốc lá:
Các bằng chứng trên thế giới cho thấy tác động của diện tích hình ảnh cảnh báo lớn trên bao bì các sản phẩm thuốc lá lên nhận thức và hành vi sử dụng thuốc lá. Các hình ảnh này cùng với các thông điệp có thể làm tăng mong muốn bỏ thuốc và giảm tỉ lệ bắt đầu hút thuốc. Diện tích cảnh báo bằng hình ảnh trên vỏ bao thuốc hiện nay chỉ là 50% của Việt Nam còn nhỏ so với các nước khác trong khu vực Lào, Brunei và Myanmar là 75%. Một số quốc gia khác trong khu vực như Thái Lan và Singapore… đã bắt đầu thực hiện bao trơn cho sản phẩm thuốc lá.
Khả năng tiếp cận với các sản phẩm thuốc lá còn rất dễ dàng, thuốc lá được bày bán khắp nơi. Hiện nay, chúng ta chưa có quy định về việc cấp phép để quản lý các điểm bán thuốc lá lẻ. Việc giảm số lượng các điểm bán lẻ thuốc lá thông qua việc quản lý, cấp phép cho các điểm bán đáp ứng đủ điều kiện theo quy định sẽ là biện pháp hữu hiệu để giảm tiếp cận của người tiêu dùng đối với các sản phẩm thuốc lá.
Việc vi phạm quy định cấm quảng cáo thuốc lá tại các điểm bán thuốc lá đang khá phổ biến cũng đang gây những khó khăn cho công tác PCTH của thuốc lá(3).
Các sản phẩm thuốc lá là sản phẩm gây nghiện do có chứa nicotine là chất gây nghiện. Theo bảng phân loại bệnh tật quốc tế thì lệ thuộc nicotine được phân loại mã bệnh 6C4A.2 là một bệnh thuộc loại rối loạn do sử dụng chất kích thích hoặc các hành vi gây nghiện. Vì vậy, người hút thuốc lá rất khó bỏ ngay cả khi biết rất rõ về tác hại của việc hút thuốc(4).
Việc bỏ thuốc lá giúp bảo vệ sức khỏe bản thân, cộng đồng.
Xuất hiện các sản phẩm thuốc lá mới (Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, Shisha). Thuốc lá điện tử được quảng cáo và bán nhiều nhất là trên mạng xã hội. Để mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm mới này tại các nước trong đó có Việt Nam, các tập đoàn thuốc lá đa quốc gia đã đưa ra các quảng cáo các sản phẩm thuốc lá này ít hại hơn thuốc lá điếu thông thường, giúp cai nghiện thuốc lá điếu,… điều này gây hiểu nhầm cho người sử dụng. Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử gia tăng nhanh chóng trong nhóm tuổi trên 15 tuổi(5)./
-----------
(1) - Tỷ lệ thuế (TTĐB và VAT) trên giá bán lẻ của Việt Nam là 36,1%, trong khi đó ở Malaysia là 58,60%, Singapore là 67,50% và Thái Lan là 78,60%. Tỷ lệ này ở các nước phát triển là 67,9%. Trong khi đó, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, để giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá, thuế Thiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm thuốc lá cần phải ở mức 60% đến 80% giá bán lẻ thuốc lá.
(2) - Theo thống kê hiện nay, giá bán lẻ thấp nhất một bao thuốc tại Việt Nam chỉ là 6.700 đồng, tương đương 0,3 USD, nằm trong nhóm các nước có giá bán lẻ thấp nhất thế giới.
(3) - Theo nghiên cứu tình hình sử dụng thuốc lá tại 34 tỉnh năm 2020, 18,9% người dân nhìn thấy bất kỳ loại quảng cáo, tài trợ hoặc khuyến mại thuốc lá, quảng cáo ở cửa hàng thuốc lá là cao nhất (10,7%), tiếp đến là ở nhà hàng/quán cà phê hoặc trà (5,4%), trên internet (5,1%).
(4) - Thái Lan chỉ giảm được khoảng 9,7% tỷ lệ hút thuốc trong vòng 22 năm (từ 28.8% năm 1996, xuống còn 19.1% năm 2017). Singapore cũng là điển hình về kiểm soát thuốc lá và đặc biệt đã áp dụng biện pháp tăng thuế thuốc lá mạnh, tuy nhiên cũng chỉ đạt mức giảm tỷ lệ hút thuốc chung từ 18% năm 2002 xuống còn 12% năm 2017 (6% trong 15 năm).
(5) - Theo Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá năm 2020, tỉ lệ chung hút thuốc lá điện tử là 3,6% năm 2020 (tăng so với năm 2015 là 0,2%); trong đó nhóm tuổi 15-24 tuổi là 7,3%, 25-44 là 3,2%;.
TG