Chủ Nhật, 24/11/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Ba, 2/8/2016 16:13'(GMT+7)

Một số khó khăn trong đào tạo sơ cấp lý luận chính trị ở Quảng Nam

Mở lớp sơ cấp lý luận chính trị ở huyện của Quảng Nam

Mở lớp sơ cấp lý luận chính trị ở huyện của Quảng Nam

Quy định số 54-QĐ/TW của Ban Bí thư nêu“đảng viên ở cơ sở phải học xong chương trình lý luận chính trị Sơ cấp”; đào tạo SCLLCT là cơ sở và là điều kiện để cán bộ, đảng viên tiếp tục học các chương trình chính trị cao hơn. 

Trong 15 năm qua (2002 – 2016), việc đào tạo chương trình SCLLCT có nhiều thay đổi. Thứ nhất là thay đổi về nội dung, chương trình, từ năm 2002 đến 2010, chương trình SCLLCT với 5 học phần (Triết học Mác – Lênin; Kinh tế chính trị Mác – Lênin; Chủ nghĩa xã hội khoa học; Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam; Tư tưởng Hồ Chí Minh); từ năm 2010 đến 2012, với 3 môn (Những nội dung cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin; Tư tưởng Hồ Chí Minh; Lịch sử và đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam); từ 2012 – đến nay, chương trình SCLLCT thực hiện theo Hướng dẫn 65-HD/BTGTW, ngày 11/12/2012 của Ban Tuyên giáo Trung ương (Hướng dẫn 65-HD/BTGTW) gồm 18 bài. Cùng với đó là thay đổi về quá trình tổ chức đào tạo. Trước đây, việc ra đề thi, chấm thi, công nhận tốt nghiệp SCLLCT do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trực tiếp triển khai; từ 2012 đến nay việc tổ chức học, thi, kiểm tra, đánh giá và cấp Bằng SCLLCT do Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện (Trung tâm BDCT) thực hiện. 

Thực hiện chương trình SCLLCT theo Hướng dẫn 65-HD/BTGTW, từ 2012 – đến nay, toàn tỉnh Quảng Nam đã mở 27 lớp, với 1.458 cán bộ, đảng viên tham gia. Đối tượng tham gia là cán bộ, đảng viên ở cơ sở; bí thư chi bộ, trưởng thôn, công an viên,... Kết quả, 100% học viên dự học được cấp Bằng SCLLCT, tỷ lệ khá giỏi đạt 25 - 35%. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện chương trình SCLLCT theo Hướng dẫn 65-HD/BTGTW trên địa bàn tỉnh có những tồn tại, hạn chế, khó khăn nhất định. 

Trước hết là nội dung chương trình SCLLCT bất cập, chưa phù hợp, một số bài có nội dung trùng, gần giống với lớp bồi dưỡng đảng viên mới; nặng về cung cấp những kiến thức lý luận kinh điển, hàn lâm, ít tính thực tiễn; nhiều khái niệm, thuật ngữ trừu tượng chưa phù hợp với đối tượng; việc chuyển tải, cập nhật, bổ sung các chủ trương, quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước; những vấn đề lý luận mới chưa kịp thời…Đa số Giám đốc Trung tâm BDCT các huyện cho rằng việc tích hợp kiến thức nội dung 18 bài học trong tài liệu chưa  tốt, cắt xén một số nội dung quan trọng; một số bài còn nặng về lý thuyết.

Một vài cấp ủy, chính quyền nhận thức chưa đúng mức về vị trí, vai trò của việc đào tạo chương trình SCLLCT. Một số Trung tâm BDCT huyện chưa làm tốt công tác rà soát; công tác phối hợp tham mưu, đề xuất cấp ủy, chính quyền trong công tác mở lớp SCLLCT. Mặc khác, theo Quy định 185/TW, Trung tâm BDCT huyện là đơn vị sự nghiệp trực thuộc cấp ủy và UBND cấp huyện; chịu sự lãnh đạo của cấp uỷ trong việc thực hiện nội dung, chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng; chịu sự chỉ đạo của UBND huyện về quản lý, đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động, do đó hàng năm một số Trung tâm BDCT huyện dù được cấp uỷ phê duyệt kế hoạch mở lớp SCLLCT nhưng UBND huyện không phân bổ kinh phí…nên nhiều năm liền có đơn vị không mở được lớp SCLLCT, như Trung tâm BDCT huyện Tây Giang, Tiên Phước, Phước Sơn… 

Đa số cán bộ, đảng viên cơ sở không hào hứng, phấn khởi tham gia học lớp Sơ cấp chính trị mà muốn được đi học chương trình Trung cấp chính trị và thực tế đã có một số cán bộ, đảng viên chưa có Bằng sơ cấp chính trị trở lên hoặc chưa có chứng chỉ công nhận có trình độ tương đương hoặc trên sơ cấp lý luận chính trị nhưng vẫn được tham gia học lớp Trung cấp chính trị. Trong khi đó, Hướng dẫn 65-HD/BTGTW quy định: “cấp ủy không cử và các trường chính trị tỉnh, thành phố không tiếp nhận người chưa có Bằng SCLLCT hoặc giấy chứng nhận có trình độ tương đương SCLLCT vào học chương trình Trung cấp lý luận chính trị”. Theo lãnh đạo một số Trung tâm BDCT huyện, đây là một trong những nguyên nhân của việc mở các lớp Sơ cấp chính trị gặp nhiều khó khăn. 

Mặc khác, nguồn học viên ngày càng thu hẹp do trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ, đảng viên ngày càng nâng cao, đa số đã có bằng đại học, cao đẳng, gần như có trình đô chính trị tương đương hoặc trên chương trình SCLLCT; điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên chuyên trách của một vài Trung tâm BDCT còn chưa đảm bảo cho công tác mở lớp…nên số lượng lớp và số lượng cán bộ, đảng viên dự học lớp SCLL:CT hàng năm giảm.
 
Để tiếp tục triển khai thực hiện chương trình SCLLCT hiệu quả, thiết nghĩ cấp ủy, chính quyền và Trung tâm BDCT cấp huyện của tỉnh cần phát huy những kết quả đạt được; khắc phục những khó khăn, bất cập, tồn tại trên; nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm trang bị những kiến thức cơ bản về LLCT, quan điểm, chủ trương của Đảng cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở, góp phần xây dựng đảng ở cơ sở ngày càng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng đã đề ra./.

Phan Sơn
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam

 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất