Thành phố Hồ Chí Minh từ 18 đơn vị hành chính, đến nay đã phát triển thành 24 đơn vị hành chính, trong đó có 7 quận mới được thành lập gồm: quận 2, 7,9,12,Thủ Đức (được thành lập theo Nghị định 03/CP, ngày
6 tháng 1 năm
1997 của Chính phủ) và quận Tân Phú, Bình Tân (được thành lập theo Nghị định số 130/2003/NĐ-CP ngày 05/11/2003 của Chính Phủ).
Bảy quận mới của Thành phố Hồ Chí Minh được thành lập chủ yếu từ các huyện ngoại thành và vùng ven của thành phố. Một đặc điểm chung của các quận mới thành lập tại Thành phố Hồ Chí Minh là diện tích đất nông nghiệp thu hẹp rất nhanh do sự hình thành các khu công nghiệp, khu chế xuất và các cụm dân cư mới.
Tổng diện tích tự nhiên của 7 quận mới thành lập là 397,23km2, chiếm 88,4% diện tích của các quận nội thành. Đây là vùng đất mới nên có sự đầu tư quy hoạch và phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật của thành phố; là nơi tiếp nhận dân cư từ các quận trung tâm thành phố giãn dân ra do công tác chỉnh trang đô thị và việc quy hoạch xây dựng các công trình giao thông, công trình công ích.
Đặc điểm và vị trí đó cho thấy các quận mới có vai trò quan trọng đến sự phát triển chung của thành phố cả về kinh tế (với nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp tập trung) lẫn văn hoá xã hội.
Qua khảo sát ở các quận 2, 7, 9, 12 và Thủ Đức, trong hơn 10 năm xây dựng, chất lượng của đội ngũ cán bộ chủ chốt ở các phường mới thành lập của Thành phố Hồ Chí Minh có những chuyển biến tích cực như sau:
Về phẩm chất chính trị: Đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở các phường mới thành lập của của Thành phố Hồ Chí Minh nhìn chung đều được rèn luyện và trưởng thành từ phong trào cách mạng của quần chúng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành với lý tưởng cách mạng và đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Am hiểu lý luận Mác – Lênin – Tư tưởng Hồ Chí Minh, luôn tin tưởng vào đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; kiên định với mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đa số có ý thức phấn đấu vươn lên, tích cực tu dưỡng, rèn luyện; có tinh thần trách nhiệm, luôn suy nghĩ, tìm tòi, khắc phục khó khăn, vận dụng đúng đắn và sáng tạo đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn ở phường để phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chăm lo từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Về phẩm chất đạo đức, tác phong công tác: Dù trong điều kiện cuộc sống và công tác ở cơ sở còn nhiều khó khăn nhưng đại bộ phận cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở các phường mới thành lập của của Thành phố Hồ Chí Minh vẫn giữ vững phẩm chất đạo đức cách mạng, lối sống lành mạnh, giản dị; gương mẫu trong công tác và sinh hoạt; có ý thức tổ chức kỷ luật tốt; gần gũi với quần chúng nhân dân, được nhân dân tín nhiệm. Có ý thức cao trong việc xây dựng, giữ gìn và là cầu nối, chất xúc tác cho vấn đề đoàn kết nội bộ. Biết phát huy dân chủ, trí tuệ của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương. Kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện sai trái, tiêu cực.
Về kiến thức, năng lực lãnh đạo và tổ chức thực hiện: Những năm gần đây, có thể thấy trình độ của đội ngũ cán bộ các phường của Thành phố Hồ Chí Minh đã được nâng lên một bước đáng kể cả về mặt bằng học vấn, trình độ lý luận chính trị và chuyên môn nghiệp vụ. Các Trung tâm Bồi dưỡng chính trị quận, Trường Cán bộ thành phố luôn quan tâm, hỗ trợ và hướng về cơ sở. Hơn 10 năm qua, đã đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị và chuyên môn nghiệp vụ cho hàng nghìn lượt người học với nhiều loại hình đào tạo khác nhau như tập trung, tại chức, hiệp quản, bồi dưỡng, tập huấn v.v...đặc biệt là các “lớp nguồn” dành riêng cho cán bộ trẻ quy hoạch dài hạn của Thành uỷ, nội dung đào tạo, bồi dưỡng tập trung đi sâu về yêu cầu nâng cao kỹ năng chuyên môn, thực hành và giải quyết tình huống thực tiễn tại địa phương, đơn vị. Từ năm 2005 đến 2010, có 722 lượt cán bộ chủ chốt ở các phường mới thành lập ở các quận mới thành lập được đào tạo, bồi dưỡng.
Về trình độ chính trị: Nhìn chung trình độ lý luận chính trị của đội ngũ cán bộ chủ chốt ở các phường mới thành lập của thành phố Hồ Chí Minh so với tiêu chuẩn cụ thể của cán bộ chủ chốt quy định trong Quyết định 04/2004 QĐ-BNV là đảm bảo. Số cán bộ có trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên chiếm tỉ lệ 90,73%; số cán bộ có trình độ sơ cấp chính trị 9,25%.
Về trình độ học vấn, qua khảo sát thực trạng đội ngũ cán bộ Chủ chốt ở các phường mới thành lập, căn cứ vào Quyết định 04/2004/QĐ-BNV ngày 16/1/2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ “Về việc ban hành quy định tiêu chuẩn cụ thể đối với cán bộ, công chức cấp xã, phường, thị trấn”, có thể khẳng định rằng 100% cán bộ chủ chốt ở các phường mới thành lập của Thành phố Hồ Chí Minh đáp ứng được tiêu chuẩn học vấn do Trung ương quy định.
Về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, thực tế trên cho thấy số cán bộ chủ chốt ở các phường mới thành lập của Thành phố Hồ Chí Minh có trình độ chuyên môn nghiệp vụ khá cao: 100% đã qua đào tạo. Trong đó, số cán bộ có trình độ cao đẳng, đại học chiếm tỉ lệ rất cao là 81,23%. Điều đó thể hiện được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo trong việc đào tạo, bồi dưỡng và bố trí cán bộ đáp ứng được cơ bản nhiệm vụ, yêu cầu ngày càng cao của địa phương trong giai đoạn hiện nay.
Về trình độ quản lý nhà nước, theo số liệu thống kê, hiện nay đội ngũ cán bộ chủ chốt ở các phường mới thành lập của Thành phố Hồ Chí Minh được đào tạo bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước từ ngạch chuyên viên trở lên chiếm tỉ lệ 69,66%.
Về trình độ ngoại ngữ, tin học, người có chứng chỉ từ A trở lên chiếm 59,12%; số người có trình độ tin học từ chứng chỉ A trở lên chiếm 67,60%.
Về năng lực lãnh đạo và tổ chức thực tiễn: Đội ngũ cán bộ các chủ chốt ở các phường mới thành lập ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay là những người có trình độ văn hóa, trình độ chuyên môn, là người lao động giỏi. Họ là những người có trí tuệ, có năng lực tổ chức hoạt động thực tiễn, tự tin trong công việc và khi cần họ dám quyết đoán, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Đó là một phẩm chất quan trọng, đáng quý của người lãnh đạo.
Có thể khẳng định rằng, qua thực tiễn hơn 10 năm xây dựng và phát triển của các quận mới (từ 01/4/1997) đã giúp cho đội ngũ chủ chốt ở các phường mới thành lập ở Thành phố Hồ Chí Minh nâng cao được kiến thức, kinh nghiệm về công tác quản lý kinh tế - xã hội, quản lý đô thị, giải phóng mặt bằng, về công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và về công tác vận động quần chúng. Nhiều đồng chí đã năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; tích cực đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, quản lý, điều hành; biết vận dụng tri thức khoa học vào công tác, thích ứng nhanh với nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. Đội ngũ cán bộ chủ chốt ở các phường mới thành lập đã đóng góp quan trọng vào những kết quả trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng của các quận nói chung và từng phường của mỗi quận nói riêng ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên vẫn còn một số đồng chí do chủ quan, tự mãn không thiết tha trong học tập nâng cao trình độ lý luận. Vẫn còn một số đồng chí có tác phong làm việc chưa khoa học. Một số cán bộ trẻ giữ chức vụ lãnh đạo không vượt qua được những khó khăn đời thường, sự cám dỗ của đồng tiền, tự cao, tự đại, không thật lòng lắng nghe ý kiến góp ý của quần chúng, của đồng nghiệp dẫn đến vi phạm tư cách đạo đức, vi phạm tư cách đảng viên và kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước. Một số cán bộ tín nhiệm thấp nên khi được giới thiệu vào Ban chấp hành khóa mới nhưng không trúng cử. Trong nhiệm kỳ 2005 – 2010, có 46 cán bộ phường ở 5 quận bị xử lý kỷ luật từ khiển trách trở lên, trong đó do thiếu tinh thần trách nhiệm chiếm 50%, vi phạm liên quan lĩnh vực quản lý và sử dụng đất đai chiếm 28,26%. Số còn lại do vi phạm về các vấn đề như: nguyên tắc tập trung dân chủ, chấp hành Nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phẩm chất, lối sống và các vi phạm khác).
Từ thực trạng chất lượng đội ngũ cán bộ chủ chốt ở các phường mới thành lập của thành phố Hồ Chí Minh thời gian qua có thể rút ra một số kinh nghiệm bước đầu như sau:
Một là, làm tốt các khâu các bước trong công tác cán bộ. Cấp có thẩm quyền phải xây dựng tiêu chuẩn chức danh cán bộ phường diện Ban thường vụ Quận ủy quản lý phù hợp với điều kiện địa phương. Tiêu chuẩn cụ thể phải trên cơ sở tiêu chuẩn chung của Trung ương, Thành phố và có tính đến hoàn cảnh thực tế của địa phương, cơ sở. Phải chuẩn bị tốt nguồn cán bộ kế cận. Nghiêm chỉnh thực hiện đầy đủ đúng và kịp thời các khâu bắt buộc của công tác cán bộ: Quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng, luân chuyển; công khai tiêu chuẩn cán bộ, tiêu chuẩn các chức danh, để cán bộ Đảng viên phấn đấu; công tác nhân sự phải làm thật chu đáo khoa học đúng quy trình; cần đặc biệt chú ý nắm bắt tâm tư cán bộ đảng viên và nhân dân trong công tác nhân sự.
Tăng cường công tác quản lý cán bộ. Thường xuyên kiểm tra, đánh giá phát huy tác dụng của nguyên tắc tự phê bình và phê bình, giúp nhau sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm. Định kỳ phải có lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ theo chức danh.
Xây dựng tiêu chuẩn cán bộ phường diện Ban Thường vụ Quận ủy Quận ủy quản lý phải căn cứ vào tiêu chuẩn cán bộ trong thời kỳ mới của Đảng, căn cứ vào tình hình địa phương và nhiệm vụ chính trị của cơ sở. Cấp ủy căn cứ tiêu chuẩn để bồi dưỡng cán bộ nguồn.
Công tác nhân sự phải được tiến hành một cách khoa học. Ngoài tiêu chuẩn, cũng phải tính đến các yếu tố hợp lý trong một số hoàn cảnh cụ thể. Ví dụ một số đồng chí tuy có đủ các loại bằng cấp nhưng năng lực thực sự lại yếu, những đồng chí đó không qua được “tai mắt” của nhân dân, do đó không bố trí đối với những trường hợp này.
Ngoài việc cử cán bộ trong quy hoạch đi đào tạo bồi dưỡng ở trường, cần coi trọng giáo dục qua thực tiễn địa phương, phải giao việc để cán bộ trưởng thành.
Hai là, phát huy vai trò quần chúng tham gia xây dựng đội ngũ cán bộ phường diện Ban Thường vụ Quận ủy quản lý. Tăng cường thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, xem đây là một trong những biện pháp quan trọng nâng cao chất lượng đội ngũ lãnh đạo ở cơ sở.
Ba là, xây dựng môi trường sống, làm việc lành mạnh trong toàn xã hội, đề cao lối sống tuân theo pháp luật. Bởi vì khi có môi trường tốt sẽ không còn chỗ cho những tiêu cưch tồn tại. Và khi đó, nhân dân sẽ phản ứng nhanh với những biểu hiện sai trái của cán bộ, dần dần hình thành thói quen, dư luận xã hội lành mạnh.
Bốn là, chăm lo công tác xây dựng nội bộ Đảng. Đặc biệt chú ý những nơi kinh tế xã hội kém phát triển, nội bộ mất đoàn kết, địa bàn phức tạp về an ninh quốc phòng. Quan tâm giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên, đặc biệt là đội ngũ cán bộ lãnh đạo ở cơ sở. Họ phải là những người thực sự gương mẫu trong việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong giai đoạn hiện nay./.
Phạm Ngọc Lợi,
Trường Cán bộ TP Hồ Chí Minh