Thứ Bảy, 23/11/2024
Thế giới
Thứ Ba, 8/3/2022 11:51'(GMT+7)

Vì sao NATO không thiết lập vùng cấm bay ở Ukraine?

NATO khẳng định không tham gia trực tiếp vào xung đột ở Ukraine, bao gồm cả việc thiết lập một vùng cấm bay. (Ảnh: NATO).

NATO khẳng định không tham gia trực tiếp vào xung đột ở Ukraine, bao gồm cả việc thiết lập một vùng cấm bay. (Ảnh: NATO).

Khối hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) gồm 30 nước châu Âu và Bắc Mỹ, được thành lập nhằm “đảm bảo tự do và an ninh của các thành viên thông qua các biện pháp chính trị và quân sự”.

NATO được thành lập vào năm 1949 nhằm đối phó với các vấn đề chính trị, quân sự nổi lên trong thời kỳ Chiến tranh lạnh. Mục đích ban đầu của khối là bảo vệ phương Tây, ngăn chặn sự phát triển và ảnh hưởng của chủ nghĩa cộng sản mà trực tiếp là những vấn đề an ninh nảy sinh từ phía Liên Xô. Sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, nhiều quốc gia Liên Xô cũ đã gia nhập NATO và điều này khiến Nga cảm thấy bị đe dọa.

VÌ SAO NHIỀU NƯỚC MUỐN TRỞ THÀNH THÀNH VIÊN NATO?

Khi một nước trở thành thành viên của NATO, nước đó sẽ được tham gia với vai trò tích cực vào việc thảo luận cân nhắc các vấn đề an ninh và quốc phòng liên quan đến cả liên minh, bao gồm từ các biện pháp chiến lược chống lại chiến tranh mạng đến các hoạt động chuyển quân trong biên giới các nước NATO để bảo vệ các thành viên của khối.

Theo quy định, các thành viên cũng phải chi 2% tổng sản phẩm quốc nội cho quốc phòng mỗi năm, mặc dù trên thực tế trong những năm gần đây rất ít thành viên làm được như vậy.

Điều khoản được nhắc đến nhiều nhất của khối hiệp ước là Điều 5, quy định: “Khi một nước đồng minh trong khối bị tấn công, mọi thành viên của cả khối NATO sẽ cho hành động vũ lực đó là tấn công tất cả mọi thành viên trong khối và sẽ có hành động cần thiết để bảo vệ quốc gia thành viên bị tấn công”.

Trong lịch sử NATO, Điều 5 mới chỉ được viện dẫn một lần duy nhất vào năm 2001 khi xảy ra sự kiện 11-9 tại Mỹ. Tuy nhiên, khối hiệp ước này có thể thực hiện các biện pháp phòng vệ tập thể mà không cần viện dẫn Điều 5 và đây chính là trường hợp họ đang làm trong nội khối khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

MỘT SỐ LÝ DO NATO KHÔNG THIẾT LẬP VÙNG CẤM BAY Ở UKRAINE

Khu vực cấm bay là một khu vực không phận thuộc một quốc gia mà vì lý do nào đó máy bay của một (số) nước không được phép bay qua. Trong bối cảnh xung đột như ở Ukraine, khu vực cấm bay, nếu được thiết lập, có nghĩa là một khu vực máy bay Nga không được phép bay nhằm ngăn chặn Nga thực hiện các cuộc không kích nhằm vào Ukraine.

NATO đã từng thiết lập vùng cấm bay ở các nước không phải là thành viên trước đây, bao gồm Bosnia và Libya. Tuy nhiên, đây luôn là một động thái gây tranh cãi vì khi thiết lập một vùng cấm bay thì cách duy nhất để áp đặt lệnh cấm bay là đưa máy bay chiến đấu của NATO vào không phận bị cấm và bắn hạ máy bay vi phạm. Điều đó cũng có nghĩa là tham gia một phần vào cuộc xung đột mà không sử dụng đến lực lượng trên bộ.

Tổng thống Ukraine Zelensky đã kêu gọi NATO thiết lập một vùng cấm bay ở Ukraine. (Ảnh: India Today)

Tại Ukraine, sau khi các nỗ lực ngoại giao thất bại, 30 quốc gia thành viên của NATO đã thảo luận các bước của liên minh ở Ukraine. Trong tình hình Nga bao vây nhiều thành phố lớn và kiểm soát toàn bộ không phận Ukraine, Tổng thống Ukraine Zelensky đã kêu gọi NATO thiết lập một vùng cấm bay ở Ukraine.

Tuy nhiên, trong cuộc họp đại diện 30 quốc gia thuộc khối hiệp ước vào ngày 4/3 vừa qua, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã khẳng định một khu vực cấm bay trên lãnh thổ Ukraine không phải là một lựa chọn được khối này xem xét. Ông nói: “Chúng tôi đã nhất trí rằng không nên để máy bay NATO hoạt động trên không phận Ukraine hoặc đưa quân đội NATO vào lãnh thổ Ukraine”. Câu hỏi đặt ra là vì sao NATO không thiết lập vùng cấm bay ở Ukraine?

Thứ nhất, đó là bởi việc áp đặt một vùng cấm bay phải được thực hiện bằng sức mạnh quân sự. Nếu máy bay Nga bay vào vùng cấm bay của NATO, khi đó các lực lượng của NATO sẽ phải có hành động ngăn chặn. Các hành động đó có thể bao gồm cả việc bắn hạ máy bay đang vận hành. Đối với Moscow đó sẽ là một hành động tuyên chiến của NATO.

Thứ hai, cả Nga và Ukraine đều không phải là thành viên của NATO. Do đó NATO không có nghĩa vụ ràng buộc phải bảo vệ không phận hoặc lãnh thổ Ukraine.

Bản đồ các nước thuộc khối NATO. (Ảnh: CNN)

Thứ ba, Nga nhìn nhận NATO là một mối đe dọa với nước này và gần đây Moscow thường xuyên chỉ trích việc NATO mở rộng về phía Đông. Đây cũng là một trong những lý do được Nga sử dụng để biện minh cho việc tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Việc NATO kết nạp thêm các nước thuộc Liên Xô cũ khiến Nga hiện nay trở thành nước có chung đường biên giới trên bộ với liên minh quân sự lớn nhất thế giới. Điều này làm giảm sức mạnh địa chính trị của Nga ở những khu vực từng chịu ảnh hưởng của Moscow. Vì vậy, Tổng thống Putin thường xuyên chỉ trích việc NATO mở rộng về phía Đông. Gần đây nhất, tháng 2 vừa qua, Putin đã yêu cầu NATO thu hẹp biên giới trở lại với thời kỳ trước 1997 khi chưa kết nạp các nước Baltic gồm Latvia, Litva và Estonia.

Thứ tư, NATO sẽ không tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột ở Ukraine, nhất là đối với một cường quốc hạt nhân như Nga, mặc dù khối này ủng hộ Ukraine. NATO sẽ không sẵn sàng thực hiện bất cứ điều gì có thể được coi là tham chiến trực tiếp chống lại Nga do những động thái này có thể khiến xung đột leo thang thành chiến tranh toàn diện và có thể dẫn đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân.

Rõ ràng nếu NATO, bao gồm cả Mỹ, thiết lập vùng cấm bay ở Ukraine thì điều đó có thể dẫn đến hành động mạnh tay hơn của Nga, từ đó có thể lôi kéo cả khối NATO vào cuộc chiến. Đây sẽ là cuộc chiến đa quốc gia và có thể châm ngòi cho một cuộc chiến tranh thế giới lần thứ ba với hậu quả không thể lường trước. Thêm vào đó, các quốc gia NATO cũng sẽ phải cân bằng lợi ích quốc gia trước khi đưa ra bất cứ một hành động quân sự nào. Trước mắt, NATO và các quốc gia thành viên sẽ chỉ dừng lại ở việc cung cấp vũ khí và tài chính cho Ukraine và lên kế hoạch xa hơn cho một chính phủ Ukraine lưu vong nếu điều đó xảy ra./.

Hữu Dương (qdnd.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất