Thứ Bảy, 23/11/2024
Lý Luận
Chủ Nhật, 4/11/2018 18:37'(GMT+7)

Một số quan điểm của các tác giả ngoài mác-xít về quá độ lên chủ nghĩa xã hội hiện nay

Quá độ lên chủ nghĩa xã hội theo mô hình chủ nghĩa xã hội - dân chủ

Từ quan điểm của những học giả đồng thời là những nhà lãnh đạo xã hội - dân chủ nổi bật như, E. Bec-xtanh (Đức), W. Bran (Đức), B. Krai-xky (Áo), Ô. Pan-mơ (Thụy Điển), hay quan điểm của những học giả chịu ảnh hưởng nhiều của chủ nghĩa tự do ở Mỹ (Joseph E. Siglitz, Donald Sassoon) hoặc một số học giả Nga vốn chịu ảnh hưởng của quan điểm mác-xít nay đã có sự dịch chuyển sang quan điểm xã hội - dân chủ (S.P. Peregudov, V.B. Rưbacốp,...) (1), có thể khái quát tư tưởng chính trị của trong trào lưu chủ nghĩa xã hội dân chủ (CNXHDC) phương Tây ở các phương diện sau:

Thứ nhất, về những giá trị cơ bản của CNXH. Sau khi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở Đông Âu sụp đổ, những người CNXHDC phương Tây đã có sự nhận thức lại về CNXH. Họ nhấn mạnh bình đẳng và hiệu quả là hai giá trị cơ bản của CNXH. Nhưng ngày càng có nhiều người CNXHDC phương Tây đặt trọng điểm vào bình đẳng. Đối với họ, CNXH mọc rễ trên chủ nghĩa bình đẳng; CNXH luôn liên hệ với bình đẳng, dân chủ, tự do, công bằng, v.v....

Thứ hai, thể chế kinh tế. Chế độ sở hữu công cộng của CNXH bao gồm: a) chế độ quốc hữu và tập thể về tư liệu sản xuất; b) xã hội hóa và công hữu hóa về tiền vốn và lợi nhuận. Hai kiểu "chế độ sở hữu xã hội " đó có tính tiêu biểu của xã hội XHCN. Những người CNXHDC sử dụng khái niệm "chế độ sở hữu xã hội" để chỉ “sở hữu công cộng” không chỉ về tư liệu sản xuất, mà cả về tiền vốn và lợi nhuận. 

Thứ ba, thể chế chính trị. Những người CNXHDC phương Tây, tuy không đưa ra được những nội dung chính về thể chế chính trị của CNXH, nhưng trong ý tưởng của họ, có thể thấy một nguyên tắc cơ bản của thể chế chính trị XHCN là nhằm thực hiện giá trị bình đẳng, hiệu quả. Đó là CNXH không thể tách rời dân chủ. CNXH về bản chất là dân chủ. Không có dân chủ sẽ không có CNXH. Chính dân chủ là nền móng của thể chế chính trị XHCN.

Quá độ lên chủ nghĩa xã hội theo mô hình "chủ nghĩa dân chủ - xã hội"

Sau khi mô hình CNXH hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu tan rã, trong trào lưu XHCN dân chủ đã xuất hiện tư tưởng "chủ nghĩa dân chủ - xã hội ” hay còn gọi là “con đường thứ ba”. Tuy vậy, nó vẫn gắn với trào lưu CNXHDC. Thuật ngữ "chủ nghĩa dân chủ - xã hội” (CNDCXH), để chỉ tư tưởng hay trào lưu dân chủ - xã hội. Thuật ngữ này hiện nay được các đảng dân chủ - xã hội Tây Âu sử dụng khá phổ biến. Tư tưởng chủ nghĩa dân chủ-xã hội gắn liền với Tuyên ngôn Cương lĩnh của “Quốc tế XHCN” năm 1951. Theo đó: "Chủ nghĩa xã hội là một phong trào quốc tế, không đòi hỏi sự thuần nhất nghiêm ngặt của các quan điểm. Bất kể cơ sở niềm tin của những người xã hội là phương pháp mácxít hay một phương pháp nào khác để phân tích xã hội, bất kể những người xã hội được khích lệ bởi những nguyên lý tôn giáo hay những nguyên lý nhân đạo chủ nghĩa, mọi người XHCN đều cố sức đạt một mục đích duy nhất: tiến tới một xã hội công bằng, một đời sống tốt hơn, tự do và hòa bình trên toàn thế giới "(2). 

Mô hình “con đường thứ ba” trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế đang thu hút sự quan tâm, chú ý của các nhà lý luận và hoạt động chính trị ở phương Tây. Có thể thấy nó có một số đặc điểm cơ bản sau: 

- Lấy cân bằng giữa tác dụng của thị trường và sự điều tiết của nhà nước làm nguyên tắc để tạo ra nền kinh tế mới; - Lấy cân bằng giữa trách nhiệm và quyền lợi làm nguyên tắc để xây dựng hệ thống phúc lợi mới; - Lấy cân bằng giữa hiệu quả kinh tế và công bằng xã hội làm nguyên tắc để đề xuất chính sách mới; - Lấy cân bằng giữa chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa quốc tế làm nguyên tắc trong thực thi chính sách đối ngoại.

Có thể khẳng định, mô hình “con đường thứ ba” là một sự thỏa hiệp chính trị giữa chủ nghĩa tư bản (CNTB) tự do và CNXHDC. Thực chất đây là một phong trào tư tưởng - chính trị ở các nước CNTB vượt ra ngoài cả “tả” và “hữu” trong điều kiện toàn cầu hóa nhằm khắc phục những vấn đề nội tại của chính xã hội tư sản. 

Từ đầu thập niên 1990, nhìn chung thì trong tư tưởng của các đảng dân chủ - xã hội Tây Âu có 3 xu hướng chính hay có thể gọi là 3 mô hình "con đường thứ ba":

- "Mô hình xã hội" dựa vào Nhà nước là chính. Đây là sự lựa chọn của Đảng XHCN Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hy Lạp và Bỉ. Những giá trị mấu chốt của mô hình này là đoàn kết, phân phối và bình đẳng.

- Mô hình "con đường thứ ba" của Công đảng Anh dưới thời T.Bler, gần như trực tiếp đối xứng với "mô hình xã hội" của Đảng XHCN Pháp. Sự lựa chọn của Công đảng Anh có nhiều điểm giống quan điểm "con đường thứ ba" của Hội đồng dân chủ thuộc Đảng dân chủ Mỹ dưới thời B.Clintơn, A.Gor và Libơman lãnh đạo. Qua đó có thể thấy xu hướng mở rộng của trào lưu dân chủ - xã hội bao gồm các đảng dân chủ.

- "Mô hình sông Ranh" của Đảng dân chủ - xã hội Đức, với quan điểm "thị trường xã hội" phát triển dựa trên sự kết hợp giữa giới chủ doanh nghiệp với tổ chức công đoàn trong việc quản lý doanh nghiệp, và phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội, gồm: sự tham gia của các doanh nghiệp, người tham gia bảo hiểm xã hội cũng như vai trò điều tiết của Nhà nước.

Những "mô hình" trên đây phản ánh nỗ lực "đổi mới tư duy" của các đảng dân chủ - xã hội Tây Âu. Trong tuyên bố "Châu Âu: con đường thứ ba, trung dung mới" vào năm 1999, Đảng dân chủ - xã hội Đức kêu gọi các đảng dân chủ - xã hội châu Âu hãy tận dụng "cơ hội lịch sử để hiện đại hóa châu Âu". "Cơ hội lịch sử" được nói ở đây là trong thập niên 1990 có 14/15 quốc gia thành viên lúc đó thuộc Cộng đồng châu Âu do các đảng dân chủ - xã hội kiểm soát.

Về sự khác biệt với chủ nghĩa xã hội dân chủ của “con đường thứ ba” 


- Về triết học và chính trị: Những người XHCNDC tán thành các nguyên tắc phát triển không dựa trên quan niệm duy vật mà “để ngỏ về thế giới quan". Họ phủ nhận quan niệm phát triển biện chứng (tiến hòa và cách mạng) và theo đuổi quan niệm phát triển cải lương (tiến hòa từ từ) với sự lựa chọn chính trị (một cách) đa nguyên do sự đa dạng của các quan hệ sở hữu, cơ cấu xã hội và quan hệ kiến trúc thượng tầng. 

Còn "con đường thứ ba" thì cho rằng, cùng với việc số lượng giai cấp công nhân giảm sút nhanh chóng và thế giới hai cực mất dần; việc phân chia địa vị nổi bật của chính trị theo quan điểm giai cấp và truyền thống tả - hữu đã yếu đi. Trong tình hình đó, về chính trị "con đường thứ ba" chủ trương, một mặt, phải phê phán quan niệm chính trị đối lập hai cực tả và hữu trong xã hội tư bản, coi giai cấp là cơ sở đoàn kết, để chuyển sang quan niệm lấy lực lượng trung gian làm hạt nhân. Mặt khác, phải thực hiện cải cách nền chính trị của các chính đảng, làm cho nền chính trị thoát khỏi truyền thống chỉ phục vụ một số lực lượng chính trị nào đó; từ đó hình thành trung tâm chính trị có thể đoàn kết các lực lượng chính trị, các tổ chức xã hội. 

Vì thế, "con đường thứ ba" tán thành tính độc lập tự chủ các hiệp hội, đảng phái chính trị trong một nhà nước pháp quyền tự do. Xã hội dân sự, theo họ, có quan hệ song không đồng nhất với nhà nước; do đó dân chủ xã hội cũng không đồng nhất với dân chủ chính trị, quyền công dân không đồng nhất với quyền con người; các đảng chính trị không đại diện lợi ích giai cấp, mà đại diện lợi ích của các tầng lớp, nhóm phái, vùng lãnh thổ trong xã hội dân sự. 

- Về hệ tư tưởng: những người XHCNDC nhấn mạnh "phi ý thức hệ" để hướng vào hoàn thiện đạo đức, luân lý của con người cùng các quan hệ nhân đạo, văn minh giữa người với người. Từ những năm 1990, Quốc tế XHCN không ít lần "tuyên bố các nguyên tắc", ví dụ về toàn cầu hóa, CNXH thị trường, CNXH sinh thái...; và trình bày nhiều giá trị cơ bản của CNXH như dân chủ, tự trị, nhân quyền, bác ái, phúc lợi, công bằng,... nhất là hai giá trị bình đẳng và hiệu quả. Tư tưởng “con đường thứ ba“ cũng theo đuổi quan niệm tương tự.

- Về tư tưởng kinh tế: Những người XHCNDC truyền thống và tư tưởng “ con đường thứ ba “đều phủ nhận quan điểm mác-xít về các quy luật phổ biến trong CNTB; phủ nhận sự tập trung hóa trong nông nghiệp; còn theo họ, trong công nghiệp và thương nghiệp, quá trình tập trung hóa diễn ra chậm chạp, gián tiếp qua nhiều khâu trung gian với nhiều nhịp cầu nhỏ. Họ thừa nhận nhiều loại sở hữu, trong đó nổi lên hai hình thức: tiểu chủ tự do và sở hữu cổ phần.

- Về cơ cấu xã hội: Theo những người XHCNDC và cả “con đường thứ ba” thì ở phương Tây đã diễn ra sự vượt qua cơ cấu xã hội - giai cấp của thế kỷ XIX, và đã chuyển sang cơ cấu xã hội - nghề nghiệp, với sự đa dạng, đan xen của các nhóm xã hội - dân tộc, tôn giáo, giới, thế hệ và các nhóm lợi ích.

Rõ ràng, một cách chung nhất, "Con đường thứ ba" thực chất là nhằm vào giữa quan điểm chính trị "tả" và "hữu" trong nội bộ xã hội TBCN phương Tây. Mục tiêu chính trị của "con đường thứ ba" do các đảng dân chủ - xã hội Tây Âu đưa ra là tìm kiếm một con đường trung gian giữa chủ nghĩa tự do mới và "Nhà nước phúc lợi chung" của các đảng dân chủ - xã hội trong nội bộ chế độ xã hội tư bản. 

Quá độ lên chủ nghiã xã hội theo tư tưởng chủ nghĩa xã hội thị trường ở phương Tây (3)

Quá trình phát triển lý luận của chủ nghĩa xã hội thị trường (CNXHTT): đã trải qua ba thời kỳ nổi bật là: Thời kỳ hình thành mô thức Lange vào những năm 1930; thời kỳ đưa cơ chế thị trường vào nền kinh tế kế hoạch ở các nước Liên Xô, Đông Âu vào những năm 1960-1970; thời kỳ ra đời của cơ chế lấy thị trường làm chủ đạo "được hình thành trên cơ sở "thuyết trung tính của cơ chế thị trường" và "thuyết quan hệ qua lại", trong thập kỷ 80, đặc biệt là thập kỷ 90 thế kỷ XX. 

Do sự tồn tại khách quan giá trị của CNXHTT nên đầu thập kỷ 1990, CNXH thị trường không những không bị ảnh hưởng của sự thoái trào trong phong trào XHCN thế giới, mà trái lại, nó đã trở thành đề tài hấp dẫn của các nhà lý luận cánh tả phương Tây. Tại Tây Âu và Bắc Mỹ đã dấy lên làn sóng thảo luận sôi nổi. Sự hình thành tư tưởng CNXHTT phương Tây đương đại chủ yếu dựa trên cơ sở xem xét lại, phê phán và phát triển quan điểm thị trường của Mác, lý luận CNXHTT truyền thống, thể chế kinh tế kế hoạch hóa của các nước XHCN và CNXH dân chủ.

Những người theo CNXHTT của các nước XHCN tại Đông Âu trước đây (Nam Tư, Tiệp Khắc) cho rằng, vấn đề quá độ lên CNXH không phải ở chỗ mô tả những giá trị của CNXH, như giải phóng con người, phát triển nhanh chóng giáo dục và y tế,..., mà tìm ra cơ chế thực hiện những giá trị này một cách hiệu quả. Những người theo CNXHTT phương Tây hiện nay tiến hành luận chứng và tìm tòi một cách đầy đủ, sâu sắc "mối quan hệ qua lại" giữa CNXH với kinh tế thị trường, được thể hiện trong chế độ công hữu, và thực hiện công bằng, bình đẳng, kế hoạch và điều tiết vĩ mô của Nhà nước, khuyến khích và ràng buộc dân chủ, tự do, v.v… Từ đó, họ đã thiết kế khá nhiều mô hình mới của CNXHTT, và đã đề ra nhiều quan điểm mới. Trong quá trình xây dựng lý luận của những mô hình ấy, họ phản đối đem kinh tế thị trường đồng nhất với chế độ tư hữu TBCN. Họ phản đối đem chế độ sở hữu Nhà nước và kinh tế kế hoạch đồng nhất với mục tiêu, giá trị của CNXH. Từ đó họ cũng phê phán và phủ định lý luận của CNXH truyền thống, họ cũng phê phán và phủ định quan điểm lý luận của CNXH dân chủ.

Chủ nghĩa xã hội thị trường phương Tây hiện nay, về căn bản không đề cập đến bạo lực cách mạng, cách mạng vô sản và chuyên chính vô sản. Nó phê phán và phủ định kinh tế kế hoạch, phủ định địa vị chủ đạo của chế độ sở hữu Nhà nước, v.v…Cho nên CNXHTT phương Tây hiện nay với CNXH khoa học có sự phân biệt về tính chất rõ rệt. Tuy vậy cũng có thể xếp lý luận CNXHTT vào phạm trù CNXH. Bởi vì, một lý do rất quan trọng là CNXHTT kiên quyết phản đối CNTB. Tức là trong thế giới đương đại CNTB đã thực sự lỗi thời.

Quá độ lên chủ nghĩa xã hội theo tư tưởng và phong trào xã hội chủ nghĩa của phái Trotsky đương đại (4)

Đây là một trào lưu tư tưởng và phong trào XHCN tả khuynh vẫn mang đậm màu sắc bè phái. Nó dựa vào "thuyết cách mạng không ngừng" của Trotsky (1879-1940), và tiếp tục nhiệt tình thi hành cái gọi là chiến lược "cách mạng thế giới" và "luôn bày tỏ sự căm phẫn CNTB". "Quốc tế thứ tư" là tổ chức mang tính quốc tế của nó được một số công nhân và những người tiểu tư sản cấp tiến ủng hộ. Cho đến nay nó vẫn có một vị trí nhất định trong phong trào XHCN quốc tế.. Mặc dù về lý luận còn thiếu chặt chẽ, nhưng nhiều quan điểm của CNXH thuộc phái Trotsky đương đại có ảnh hưởng khá rộng rãi trong một số nhóm công nhân và tiểu tư sản cấp tiến, đặc biệt ở Tây Âu, Mỹ La tinh.

Theo phái Trotsky đương đại, sự phát triển của CNTB hiện đại chứng minh: CNXH kiểu Mác hôm nay vẫn rất phù hợp. Tiền đề kinh tế và văn hóa mà CNTB tạo ra chính là tiền đề của XHCN. Chính trên cơ sở nhận thức này, phái Trotsky đương đại đã nêu ra chiến lược khắc phục khủng hoảng XHCN, gồm:

Thứ nhất, bản chất của khủng hoảng XHCN hiện nay là khủng hoảng và phá sản của các mô thức XHCN của chủ nghĩa Xtalin, chủ nghĩa hậu Xtalin và chủ nghĩa cải lương của các Đảng XHCN dân chủ. Vì thế, theo họ, cần phải có một phương án XHCN có sức thuyết phục, nhằm giúp cho giai cấp công nhân thoát khỏi bóng đen ảnh hưởng của các trào lưu XHCN kể trên.

Mô hình XHCN quá độ lên CNXH mà phái Trotsky đương đại đưa ra là phải làm cho người sản xuất được giải phóng. Nội dung chủ yếu của nó là: đập tan bộ máy Nhà nước của giai cấp tư sản. Thiết lập nền chuyên chính của giai cấp vô sản, nhưng phải coi trọng mặt chất lượng mở rộng dân chủ, áp dụng thể chế chủ nghĩa đa nguyên và chế độ đa đảng; quyền lực nằm trong tay nghị viện công nhân và nghị viện công nhân được hình thành do tổng tuyển cử. Mục tiêu cuối cùng của CNXH là kiến lập một xã hội không có bóc lột, áp bức, cường quyền và không công bằng, một chế độ xã hội tự do liên hợp của những người sản xuất.

Thứ hai, xác định giai cấp công nhân ở thời đại hiện nay vẫn là quân chủ lực thực hiện cách mạng XHCN. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng khoa học và công nghệ, mức độ tự động hóa trong sản xuất và dịch vụ ngày càng cao, thất nghiệp xuất hiện nhiều, lao động truyền thống đang dần dần mất đi, do vậy giai cấp công nhân truyền thống đang tiêu vong, giai cấp công nhân trung gian mới đang nổi lên nhanh chóng. Phái Trotsky đương đại thừa nhận sự thay đổi đó của thời đại, và ra sức luận chứng giai cấp công nhân vẫn là "chủ thể chống CNTB", là "chủ thể XHCN"đương đại.

Thứ ba, "bạo lực cách mạng", "xuất khẩu cách mạng" là chủ trương mà phái Trotsky đương đại về nguyên tắc vẫn kiên trì, nhưng cũng có một số nhận thức mới cho phù hợp với đặc điểm của thời đại hiện nay. Trước hết, họ ra sức chủ trương "tích cực bãi công". Phái Trotsky cho rằng, ở doanh nghiệp cần kiến lập hội đồng công nhân tự trị để cùng với những người cầm đầu quản lý doanh nghiệp hình thành "cơ cấu quyền lực song trùng". Trên cơ sở đó, thông qua một cuộc tổng bãi công có thể dẫn đến cục diện hai chính quyền cùng tồn tại. Theo họ, đây là mô thức mà bất cứ một cuộc khủng hoảng cách mạng nào tại các nước công nghiệp hóa cao đều sẽ tuân theo. 

Như vậy, đặc điểm nổi bật của phái Trotsky là có nhiều nhóm tả khuynh với những quan niệm khác nhau về cách thức tiến hành cách mạng XHCN. Tính chất cực tả của nó thể hiện ở chỗ: tuyên truyền rộng rãi thuyết cách mạng không ngừng mà không có sự phân biệt thời gian, địa điểm, điều kiện lịch sử; cách mạng bạo lực bị giáo điều hoà; xuất khẩu cách mạng bị tuyệt đối hóa; thúc đẩy cách mạng thế giới bị đơn giản hóa; phủ nhận thế giới đã tồn tại các nước XHCN. Phái này tự cho mình là cách mạng và hoàn toàn phủ nhận sự tồn tại, phát triển của gần như toàn bộ các đảng cộng sản, các Đảng XHCN dân chủ trên thế giới. Tuy nhiên, nếu họ hội nhập với sự phát triển của thời đại, uốn nắn khuynh hướng cực tả của mình, nhiệt tình phấn đấu cho sự đoàn kết của toàn bộ cánh tả, thì cũng không loại trừ họ có thể có một số cống hiến cho sự nghiệp XHCN của nhân loại./. 

------------------------------------------------------

(1). Xem: - Nguyễn Thanh Tuấn: C.Mác, V.I.Lênin với chủ nghĩa xã hội trong thời đại ngày nay, Nxb.CTQG, HN, 2009, tr.358-361.
- Nguyễn Thanh Tuấn: Triết lý phát triển trên cơ sở chủ nghĩa Mác-Lênin phù hợp với Việt Nam ngày nay, Nxb.CTQG, HN, 2011, tr.118-122.
(2) Theo: Hoàng Chí Bảo, Nguyễn Thanh Tuấn và Nguyễn Lam Sơn: Chủ nghĩa xã hội - dân chủ: Huyền thoại và bi kịch, Nxb. Sự thật, HN, 1991, tr.49.
(3) Xem: - Nguyễn Thanh Tuấn: C.Mác, V.I.Lênin với chủ nghĩa xã hội trong thời đại ngày nay, Nxb.CTQG, HN, 2009, tr387-404.
- Nguyễn Thanh Tuấn: Triết lý phát triển trên cơ sở chủ nghĩa Mác-Lênin phù hợp với Việt Nam  ngày nay, Nxb.CTQG, HN, 2011, tr.142-146 
(4) Xem: - Nguyễn Thanh Tuấn: C.Mác, V.I.Lênin với chủ nghĩa xã hội trong thời đại ngày nay, Nxb.CTQG, HN, 2009, tr.419-435.
- Nguyễn Thanh Tuấn: Triết lý phát triển trên cơ sở chủ nghĩa Mác-Lênin phù hợp với Việt Nam ngày nay, Nxb.CTQG, HN, 2011, tr.154-162.

Theo TCCS

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất