Thứ Bảy, 23/11/2024
Vấn đề quan tâm
Thứ Năm, 13/8/2015 16:18'(GMT+7)

Một số suy nghĩ về nâng cao tính chiến đấu và sức thuyết phục của công tác tư tưởng

Nhà báo lão thành Hữu Thọ- nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng- Văn hóa Trung ương

Nhà báo lão thành Hữu Thọ- nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng- Văn hóa Trung ương

Mỗi giai đoạn cách mạng có những nhiệm vụ chính trị khác nhau do đó công tác tư tưởng có những mục tiêu khác nhau nhằm góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị trong từng thời kỳ.

Phương thức công tác trong từng thời kỳ có thể khác nhau không chỉ vì nhiệm vụ chính trị thay đổi mà còn vì đối tượng chủ yếu thay đổi và phương tiện hoạt động khác trước. Tuy nhiên theo tôi nghĩ, tinh thần chiến đấu và khả năng thuyết phục vẫn là yêu cầu nhất quán trong công tác tư tưởng.

Thực tiễn lịch sử cách mạng nước ta đã chứng minh, dù nhiệm vụ chính trị thay đổi nhưng không có nhiệm vụ chính trị nào được thực hiện dễ dàng mà phải chiến đấu quyết liệt, dù trong chiến tranh hay thời kỳ hòa bình. Tính chiến đấu trong lĩnh vực công tác tư tưởng là chiến đấu để bảo vệ và thực hiện lý tưởng cách mạng, chiến đấu để tạo sự nhất trí trong Đảng, sự đồng thuận xã hội nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện nhiệm vụ chính trị; đồng thời chiến đấu chống lại các lực lượng phá hoại trên lĩnh vực tâm lý, tư tưởng; chiến đấu chống lại lối sống, đạo đức sai trái, bảo vệ và phát huy lối sống trong sáng, mẫu mực, xây dựng, nền tảng tinh thần xã hội cho cuộc chiến đấu vì mục tiêu của từng thời kỳ, ngày nay là Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Đối tượng của công tác tư tưởng là con người, hoạt động công tác tư tưởng là tác động vào tư tưởng tình cảm con người, do đó để đạt được hiệu quả chỉ có thể thuyết phục. Xã hội nào cũng có kỷ cương, tổ chức nào cũng có quy chế, kỷ luật nhưng công tác tư tưởng không thể chỉ ra lệnh vì chỉ có thuyết phục mới tạo ra sự tự giác, tự nguyện trong công tác và chỉ có tự giác, tự nguyện mới phát huy sức mạnh tinh thần tiềm tàng của mỗi cá nhân, cộng đồng.

Do đó, khẳng định tính đúng đắn và tổng kết những kinh nghiệm về thực hiện tính chiến đấu và sức thuyết phục trong công tác tư tưởng theo tôi nghĩ là tổng kết một phong cách quan trọng hàng đầu trong lĩnh vực công tác này. Vấn đề này xứng đáng là một chuyên đề lớn, tôi chỉ xin đóng góp một số ý kiến tóm lược trong vấn đề phong phú này.

1. Tinh thần và ý chí chiến đấu luôn luôn là phẩm chất hàng đầu của người chiến sĩ cách mạng. Tuy nhiên phương pháp và phong cách chiến đấu ở mỗi lĩnh vực không hoàn toàn giống nhau tùy ý chí, tinh thần và nội dung cuộc chiến đấu. Phương pháp chiến đấu của các chiến sĩ trong lực lượng vũ trang khác với phương pháp chiến đấu của các đồng chí hoạt động trong lĩnh vực tư tưởng, cũng khác với các đồng chí hoạt động trong lĩnh vực hành chính, kinh tế...

Như trên đã phân tích, hiệu quả cao nhất của công tác tư tưởng là tạo sự nhất trí trong Đảng, sự đồng thuận xã hội trong cuộc chiến đấu tự giác vì nhiệm vụ chính trị trong từng thời kỳ. Đặc tính của tư tưởng, tình cảm con người là có tính độc lập trong từng cộng đồng và mỗi cá nhân; xã hội càng phát triển, dân trí càng cao, tính độc lập và sự tự khẳng định của cá nhân và từng cộng động càng lớn. Do đó công tác tư tưởng không thể áp đặt, tính chiến đấu trong công tác tư tưởng luôn luôn gắn liền với sức thuyết phục; khi cần thiết áp dụng các quy chế, quy định để giữ kỷ cương thì cũng cần thuyết phục về sự công bằng và cần thiết. Có kiến thức sâu rộng, có lý lẽ thuyết phục, thực hiện dân chủ thực sự trong thảo luận, có thái độ văn hoá trong tranh luận và ứng xử với những người có ý kiến trái chiều…, theo tôi là những điều cần có với các tổ chức và những người được trao trách nhiệm công tác tư tưởng.

Mặt khác lại cần hiểu là tính chiến đấu không chỉ là phản bác mà còn là, chủ yếu là lấy cái tốt đẹp lấn át cái xấu xa, làm cho cái tốt đẹp nảy nở và phổ biến như tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Do đó tính chiến đấu trong công tác tư tưởng bao gồm truyền đạt những lý lẽ chính đáng, ủng hộ các nhân tố mới, những tấm gương… Lịch sử công tác tư tưởng, nhất là trong thời kỳ đổi mới, việc ủng hộ các nhân tố mới cũng đòi hỏi bản lĩnh chính trị vững vàng và tinh thần chiến đấu rất cao. Và tất nhiên, trong việc làm này lại cũng cần sự trung thực và sức thuyết phục, thuyết phục bằng phân tích khoa học và quan trọng là bằng hiệu quả thiết thực; sự thiếu trung thực và áp đặt trong lĩnh vực cổ vũ nhân tố mới cũng sẽ dẫn tới thất bại như lịch sử công tác tư tưởng đã chứng minh.

2. Như trên đã đề cập, chiến đấu phải có sức thuyết phục mới có hiệu quả.

Do đó theo tôi nghĩ, về ý chí cần kiên định nhưng về mặt phương pháp nhiều khi phải mềm mỏng, có trường hợp phải chờ đợi, có khi tạm lui, đi đường vòng, cần vận động “khéo” như Hồ Chủ tịch căn dặn, không thể nóng vội, cứng nhắc.

Trong cuộc sống hàng ngày, nhiều khi lý lẽ không thể thuyết phục; chỉ có thể thuyết phục bằng thực tiễn, nhất là quần chúng bình thường thường là số đông. Theo tôi hiểu, lý tưởng cách mạng, đường lối chỉ khi nào hình thành các mô hình, hình mẫu trong thực tiễn biểu hiện giá trị mới về nhân cách và có hiệu quả mới có sức thuyết phục phổ biến.

Đó là lý do, theo tôi nghĩ, tính chiến đấu và sức thuyết phục của công tác tư tưởng liên quan tới phong cách công tác gắn liền với thực tiễn, với cơ sở, năng lực tổng kết thực tiễn, khả năng đối thoại của cơ quan, cán bộ làm công tác tư tưởng.

3. Khi nói tới tính chiến đấu và sức thuyết phục là nói tới chiến đấu cho việc thực hiện mục tiêu lý tưởng, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tạo sự nhất trí trong Đảng và đồng thuận xã hội trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ chính trị, như phần trên đã đề cập.

Nhưng có những tình huống rất khó cho công tác tư tưởng, khi có trường hợp đường lối trong từng thời kỳ, chủ trương, chính sách cụ thể không phù hợp với quy luật và không hợp lòng dân, như trong lịch sử đã từng xảy ra, thì trong trường hợp đó công tác tư tưởng thực hiện như thế nào?

Thực ra, nhiều văn kiện của Đảng cũng đã chỉ ra những việc làm cụ thể đối với công tác tư tưởng trong trường hợp này, là phải luôn luôn thông tin đa chiều, nhiều chiều, không chỉ thực hiện một chiều từ trên xuống với việc phổ biến, quán triệt mà còn cần phản ánh từ dưới lên những thành tựu cũng như những thiếu sót, mặt phù hợp và chưa phù hợp, khía cạnh được nhân dân đồng tình, ủng hộ, khía cạnh nhân dân còn băn khoăn, không đồng tình, thậm chí phản đối. Điều đó đòi hỏi sự trung thực của những người làm công tác tư tưởng, không chỉ trung thực với đường lối của Đảng mà quan trọng là phải trung thực với nhân dân, với thực tiễn; phản hồi trung thực tâm tư nguyện vọng của nhân dân, cả mặt thuận và không thuận, về bản chất là sự trung thực với Đảng.

Tính chiến đấu và sức thuyết phục trong công tác tư tưởng là một đề tài rộng lớn. Cuộc đời hoạt động cách mạng của Hồ Chủ tịch là tấm gương lớn và phong phú về tinh thần chiến đấu và sức thuyết phục trong công tác tư tưởng của người chiến sĩ cách mạng; trên tinh thần kiên định mục tiêu lý tưởng vì nước vì dân, quán triệt tinh thần tiến công cách mạng nhưng có lúc chờ đợi, tạm lùi, có khi bằng lý lẽ, thực hiện đối thoại, tranh luận nhiều khi bằng thực tiễn và với nhân cách trong sáng mẫu mực tạo nên sức cảm hoá để thuyết phục.

Nhân nói về tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công tác tư tưởng, tôi muốn nhắc lại ý của Người về nhân cách của người nói và viết. Những người làm công tác tư tưởng luôn luôn phải nói về đường lối và đạo đức, do đó phải là người có nhân cách trong sáng. Người đã từng dính tới cơ hội, chạy chọt không thể đủ tin cậy, không thể đứng lên phê phán tệ nạn này. Người đã từng có dư luận mắc vào chủ nghĩa cá nhân, cơ hội không thể đủ tin cậy đứng trên bục truyền đạt về đạo đức Hồ Chí Minh. Nhân cách của người làm công tác tư tưởng liên quan tới sự tin cậy của công chúng và sức thuyết phục của lý lẽ, trong lời nói và bài viết.

Trong bài này, tôi không có tham vọng đề cập toàn diện vấn đề rất phong phú này. Chỉ xin góp một số ý kiến nhỏ để tham khảo./.

 

Hữu Thọ
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất