Thứ Hai, 7/10/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Tư, 1/2/2012 20:56'(GMT+7)

Một số vấn đề lý luận, thực tiễn trong sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992

Đến dự và phát biểu tại Hội thảo, thay mặt Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Phó Chủ tịch Quốc hội (QH) Uông Chu Lưu hoan nghênh Hội đồng Lý luận Trung ương đã tích cực, chủ động tham gia vào quá trình sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992. Việc tổ chức Hội thảo có ý nghĩa hết sức thiết thực, tập hợp ý kiến đóng góp của các nhà khoa học trong và ngoài Hội đồng Lý luận Trung ương vào việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992. Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu nhấn mạnh, cần nắm vững quan điểm chỉ đạo của Hội nghị Trung ương 2 (khóa XI) về sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992. Việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 phải căn cứ vào định hướng, nội dung của Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và các văn kiện khác của Đại hội lần thứ XI của Đảng; kế thừa những quy định của Hiến pháp năm 1992 và các bản Hiến pháp trước đây còn phù hợp, chỉ bổ sung, sửa đổi những vấn đề thực sự cần thiết, phù hợp với tình hình và những nội dung đã được Đại hội XI của Đảng xác định.

Hội thảo tập trung vào 4 nội dung chính: Dân chủ, quyền lực nhân dân và việc thể hiện dân chủ, quyền lực nhân dân trong Hiến pháp; Đổi mới hệ thống chính trị và việc thể hiện đổi mới hệ thống chính trị trong Hiến pháp; Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và việc thể hiện vai trò của Đảng cầm quyền trong Hiến pháp; Vai trò của các thành phần kinh tế, chế độ sở hữu, hình thức sở hữu trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và việc thể hiện nội dung này trong Hiến pháp. Bốn nội dung này liên quan trực tiếp đến hai chương rất quan trọng của Hiến pháp: Chương về Chế độ chính trị và chương về Chế độ kinh tế.

Về sửa đổi, bổ sung những quy định về Chính trị trong Hiến pháp, các đại biểu đi sâu phân tích cơ sở lý luận, thực tiễn của việc xác định: Tính chất, đặc điểm, vai trò, chức năng cơ bản, nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Nhà nước; Vị trí, vai trò của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, những yêu cầu khách quan của việc thể chế hóa vai trò lãnh đạo của Đảng; Phương thức thực hiện quyền lực nhân dân, quyền làm chủ của công dân; Trách nhiệm của công dân đối với xã hội, của cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức, viên chức nhà nước đối với nhân dân; Mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân; Tính chất, vai trò, chức năng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân trong Hiến pháp năm 1992…

Các đại biểu cùng trao đổi, thảo luận về: Đường lối, chính sách của Đảng và những yêu cầu đặt ra đối với việc sửa đổi, bổ sung quy định của Hiến pháp năm 1992 về Chế độ kinh tế; Kinh tế nhà nước và vấn đề xác định vai trò kinh tế nhà nước; Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và những yêu cầu đặt ra đối với việc hiến định các đường lối, chính sách kinh tế vĩ mô trong Hiến pháp.

Trên cơ sở đó, các nhà khoa học đã kiến nghị phạm vi, nội dung sửa đổi, bổ sung Chương về Chế độ chính trị và Chương về Chế độ kinh tế trong Hiến pháp năm 1992. Kết quả hội thảo sẽ được tổng hợp trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư và báo cáo Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất