Thứ Ba, 24/9/2024
Sức khỏe
Thứ Ba, 1/7/2014 15:47'(GMT+7)

Một vài ý kiến về bảo hiểm y tế học sinh.


Xác định được tầm quan trọng ấy, ngày 14/11/2008, Luật Bảo hiểm y tế đã được Quốc hội thông qua và chính thức có hiệu lực từ ngày 01/7/2009. Luật này đã thể chế hóa đường lối chủ trương của Đảng về an sinh xã hội, công bằng và phát triển trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân thành pháp luật Nhà nước, tạo cơ sở pháp lý cơ bản và đầy đủ nhất trong thực hiện chính sách bảo hiểm y tế. Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 01/7/2009 là Ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam.

Trong trường học, bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên đã được triển khai từ lâu. Trước khi có luật BHYT, học sinh sinh viên vẫn là đối tượng tham gia BHYT tự nguyện thực hiện theo Nghị định số 63/2005/NĐ-CP ngày 16/5/2005 của Chính phủ ban hành Điều lệ BHYT. Gần đây, theo quy định của luật BHYT từ 01/01/2010, BHYT tự nguyện đã chuyển thành có trách nhiệm bắt buộc. Năm 2010 là năm đầu tiên học sinh - sinh viên trở thành đối tượng tham gia BHYT bắt buộc. Công tác BHYT được các cấp các ngành phối hợp chặt chẽ và triển khai đến từng trường học, nhận được sự đồng thuận của giáo viên, học sinh và phụ huynh.

Những bài học cho trẻ từ việc tham gia BHYT

Việc triển khai bảo hiểm y tế học sinh đã giúp các em nhận được nhiều cả về vật chất lẫn tinh thần, bởi qua đó không những các em nhận được dịch vụ khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe mà còn rút ra được nhiều bài học bổ ích cho bản thân.

Thứ nhất, bảo hiểm y tế học sinh đã giúp những học sinh nghèo có điều kiện chữa bệnh. Những ưu việt của BHYT thì đã nhận rõ: Người tham gia bảo hiểm y tế chỉ phải đóng một khoản phí rất nhỏ (các đối tượng trẻ em dưới 6 tuổi và hộ nghèo được miễn 100% phí bảo hiểm y tế), nếu không may xảy ra bệnh tật phải đến bệnh viện thì sẽ được thanh toán phần lớn chi phí khám chữa bệnh. Có những học sinh bị mắc bệnh nặng phải điều trị kéo dài tốn cả trăm triệu, nếu đầy đủ giấy tờ thì sẽ được thanh toán gần như toàn bộ.

Thứ hai, tham gia bảo hiểm y tế học sinh, các em có bài học về sự sẻ chia: bảo hiểm y tế đã giúp người không mắc bệnh có cơ hội chia sẻ với người chẳng may bị bệnh. Học sinh chỉ phải đóng chưa đến 300.000 đ, nếu không may phải đi chữa bệnh thì cũng đỡ được phần lớn gánh nặng về tài chính cho bố mẹ. Nếu may mắn không phải dùng đến thẻ khám chữa bệnh,  số tiền đó sẽ đóng góp chia sẻ với những người bệnh nặng hơn.

Thứ ba, tham gia bảo hiểm y tế học sinh là góp phần giáo dục con người phát triển toàn diện: Chính sự sẻ chia đã giúp các em hiểu thêm về lòng nhân ái, “lá lành đùm lá rách”, “thương người như thể thương thân”. Các em cũng hiểu rõ hơn về tính ưu việt trong các chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt về bảo hiểm y tế học sinh. Và hơn hết, chính sự sẻ chia không tính toán ấy đã giúp các em trở nên những con người nhân ái, giàu lòng vị tha. Lớn lên, các em sẽ trở thành những người nhân hậu, sống có tình người.

Tuy vậy, bảo hiểm y tế đâu đó vẫn còn những phiền hà cho người tham gia. Chẳng hạn như cơ sở vật chất khám chữa bệnh chưa đáp ứng được yêu cầu tối thiểu; thái độ phục vụ của đội ngũ thầy thuốc có nơi còn chưa được như ý; thủ tục thanh toán đôi khi còn rườm rà; chất lượng thuốc phục vụ còn chưa đáp ứng kịp thời; vẫn còn sự phân biệt đối xử giữa người khám chữa bệnh có thẻ bảo hiểm y tế. Có nơi, bác sĩ còn kê thêm đơn thuốc yêu cầu bệnh nhân mua bên ngoài “để nhanh khỏi bệnh, chứ thuốc BHYT không có loại này” gây tâm lý thiếu tin tưởng cho chất lượng thuốc của dịch vụ BHYT.

Giải pháp nào?

Do mục đích ưu việt thiết thực, giàu tính nhân văn nên BHYT học sinh đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của toàn xã hội. Chính sách ưu việt này phải được tất cả học sinh tham gia và hưởng quyền lợi, vì vậy cần tuyên truyền đến phụ huynh học sinh để cùng giảm bớt gánh nặng khi con em họ gặp rủi ro. Để làm tốt công tác bảo hiểm y tế trường học, nhà trường cần giúp phụ huynh nhận thức rõ: BHYT là sự kết hợp toàn diện các yêu cầu của công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho học sinh: từ việc chăm sóc sức khoẻ ban đầu tại y tế học đường đến khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế khi rủi ro, ốm đau phải nằm viện.

BHYT học sinh là một việc làm có tính nhân văn, bởi thực chất của mọi loại hình bảo hiểm là nhân đạo, nên cần đưa vào bắt buộc. Không ai tham gia bảo hiểm lại muốn mình bị rủi ro để nhận được tiền đền bù cả, nhưng nếu chẳng may gặp rủi ro thì đó cũng là một nguồn động viên rất lớn về vật chất và tinh thần, giảm bớt gánh nặng cho người tham gia bảo hiểm .

Mức đóng lệ phí BHYT học sinh hiện nay là hợp lý với tất cả mọi gia đình, kể cả ở nông thôn. Bởi đó là mức đóng thống nhất bằng 3% mức lương tối thiểu và đã được hỗ trợ 30% kinh phí từ ngân sách Nhà nước theo quy định của luật BHYT. Bất kỳ gia đình nào cũng có thể mua được BHYT cho con em mình, bởi số tiền ấy quy ra những chi phí chẳng may khi đưa con em mình đi khám bệnh thì quá nhỏ. Nếu không dùng đến là một điều hạnh phúc, mà được yên tâm về sức khoẻ của con em mình thì ai cũng có thể tham gia.

Phụ huynh là người trực tiếp chi tiền mua BHYT cho con em họ, vì vậy nhà trường cần giúp họ thông suốt. Có thể tuyên truyền trong cuộc họp PHHS đầu năm để họ thấy được BHYT đã thực hiện công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho con em họ: Bởi nguồn kinh phí trích lại để củng cố và xây dựng mạng lưới y tế trường học, giúp học sinh được chăm sóc sức khỏe ban đầu ngay tại trường. Nhờ hệ thống y tế trường học mà nhiều học sinh đã được phát hiện kịp thời các bệnh học đường như cận thị, cong vẹo cột sống… điều trị kịp thời. Mặt khác, BHYT chia sẻ, hỗ trợ tài chính cho không ít gia đình khi con em không may bị mắc bệnh nặng, tai nạn rủi ro. BHYT học sinh là chính sách xã hội không vì mục đích kinh doanh bởi quỹ BHYT học sinh chỉ dùng để chi phí khám chữa bệnh, cuối năm nếu còn kết dư sẽ được chuyển vào quỹ năm sau. BHYT học sinh mang tính ưu việt, hơn hẳn loại hình bảo hiểm thương mại khác.

Tuy BHYT là quy định bắt buộc, song chưa có một chế tài xử phạt nào đối với cá nhân, đơn vị không thực hiện. Các trường thu số tiền đóng BHYT học sinh từ đầu năm học cùng với các khoản thu khác nên cũng gây không ít khó khăn cho các bậc phụ huynh, nhất là những gia đình có nhiều con đi học cùng một lúc, bởi họ tập trung cho các nhu cầu khác như sách vở, quần áo hơn là BHYT. Mỗi học sinh được vận động thu góp 2 loại bảo hiểm cùng 1 lúc ( BHYT và BH thân thể) nên có nhiều bậc phụ huynh chọn 1 trong 2 loại đó là bảo hiểm thân thể vì số tiền đóng ít so với BHYT. Nhiều công ty bảo hiểm thương mại đã đi vận động cha mẹ các em mua bảo hiểm từ trước khi BHYT triển khai đầu năm học nên nhiều bậc phụ huynh không tham gia cho con nữa bởi đã mua bảo hiểm thương mại rồi. Mặt khác, công tác BHYT học sinh ở nông thôn có tuyên truyền nhưng chưa thật sự sâu rộng đến các bậc phụ huynh, vì vậy họ chưa hiểu biết sâu về quyền lợi và trách nhiệm của con em mình khi được tham gia BHYT.

Hiện nay, mỗi học sinh tham gia BHYT, nhà trường được trích lại 3000 đ/ em. Nhưng để BHYT học sinh được thực hiện tốt, vấn đề không phải là tỉ lệ % trích lại cho nhà trường mà mấu chốt chính là nhận thức của phụ huynh và thái độ của cán bộ y tế với người tham gia BHYT. Nên thảo ra “Những điều cần biết về BHYT” và dán trên bảng tin, phát tới tay học sinh, đồng thời triển khai trong hội nghị phụ huynh, cần giúp họ phân biệt được BHYT với các loại bảo hiểm thương mại khác. Có thể dùng số tiền trích lại của BHYT để mua sắm một số vật dụng y tế cần thiết, hoặc trích một phần để tặng thẻ BHYT cho một số học sinh nghèo vượt khó học giỏi, đồng thời phối hợp với cán bộ y tế học đường, Trung tâm y tế tổ chức khám sức khoẻ định kỳ, thông báo kết quả kịp thời đến phụ huynh về tình hình sức khoẻ của con em họ và có lời tư vấn hợp lý.

Qua kinh nghiệm của trường nhiều năm, xin có một vài ý kiến:

Thứ nhất, đầu năm (khoảng tháng 9) học sinh thu góp nhiều khoản nên phụ huynh thường ưu tiên cho các khoản thu khác hơn. Vì vậy, đề nghị cơ quan bảo hiểm thu BHYT học sinh theo năm tài chính (khoảng tháng 1).

Thứ hai, hiện nay, có một số nơi đã đưa việc khám chữa bệnh BHYT về tuyến xã, nhưng nhiều nơi vẫn chưa triển khai. Nên chăng, ngành y tế cần thống nhất với các địa phương triển khai việc khám chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế xã, phường, cũng như cấp phát thuốc BHYT nên đưa về các tuyến xã để tiện cho việc khám chữa bệnh của học sinh khi bệnh nhẹ, tránh tâm lý “ngại” mỗi khi đi khám bệnh ở tuyến huyện.

Thứ ba, ngành y tế, bảo hiểm cần tạo điều kiện về thủ tục hành chính khi thanh toán phí bảo hiểm: Cán bộ y tế cần tạo điều kiện để người có thẻ bảo hiểm được khám chữa bệnh thuận lợi, nếu thẻ hỏng, sai cần cấp lại ngay và tạo điều kiện tốt nhất để các em được khám chữa bệnh kịp thời, tránh gây phiền hà khi đến khám bệnh. Cần giải quyết kịp thời chế độ thanh toán mỗi khi học sinh khám chữa bệnh ở nơi khác có giấy tờ đầy đủ, hoặc hướng dẫn tận tình chu đáo để người bệnh làm thủ tục nhanh gọn, tránh gây phiền hà.

Để BHYT học sinh được triển khai tốt hơn, thực sự là chương trình nhân đạo mang tính nhân văn, bên cạnh những cố gắng của ngành bảo hiểm, rất cần sự phối hợp chặt chẽ của ngành y tế. Và hơn hết, rất cần các bậc phụ huynh nhận thức đầy đủ hơn về tính ưu việt của bảo hiểm y tế học sinh. Có như vậy, BHYT học sinh mới thật sự ý nghĩa.
Nguyễn Thị Diệp  (Hiệu trưởng THCS Di Trạch- Hoài Đức- Hà Nội)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất