Nghỉ hè là dịp học sinh được chơi những môn, trò lành mạnh; được về quê thăm thú đó đây hay nghỉ mát. Nghỉ hè tích cực còn là học và giúp việc nhà, việc ngõ xóm, học những kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn.
Học kỹ năng ai cũng thấy cần, từ các bậc phụ huynh đến chính con trẻ,
nhưng ai dạy? Ở đâu dạy? Hè chưa đến thì quảng cáo về các lớp, trung tâm
dạy, rèn kỹ năng, các trại hè chơi mà học đã tràn ngập trên mạng, chen
vào nhắn tin điện thoại, tờ rơi phát ở cổng trường, tung trên các ngã tư
đường… Có được có không, có hay có dở, nhưng trước hết là học phí, trại
phí đều ở mức cao trên khả năng trang trải của nhiều gia đình bình dân.
Và thế là những tiếng nói đổ dồn vào nhà trường. Thậm chí có ý kiến nêu
phải đưa việc nhà trường dạy kỹ năng vào luật pháp.
Kỹ năng thì nhiều loại, nhiều mức độ, nhà trường sao ôm xuể, nhất là
trong điều kiện cơ sở vật chất đã quá thiếu thốn, chật chội, lại còn
người dạy, người quản và cũng phải là tiền... Nhiều ý kiến bàn lại như
thế. Mà ngay cả ở nhà trường đã dạy thì dạy đến độ nào đó thôi chứ không
học tiếp, rèn tiếp thì không thể thành thạo.
Môn bơi chẳng hạn. Nhiều trường đã tổ chức cho học sinh tập ở bể bơi,
hoặc sắm sanh các bể bơi cao su di động lắp đặt tại trường. Song, kết
quả cũng chỉ là học trò biết nín thở, quơ được ít vòng tay, khá hơn là
bơi được 10m. Thế nào là biết bơi? Không nổi được trên mặt nước ít nhất
15-20 phút, không bơi được 5-7 vòng bể, qua được 200m thì chưa thể gọi
là biết bơi. Nhiều vụ các em rủ nhau bơi hồ, bơi sông rồi đuối nước có
nguyên nhân do các em cứ nghĩ là đã biết bơi. Đấy là chưa kể thực sự
thuần thục bơi lội còn cần phải biết dìu cứu nhau, phải có kỹ năng nhận
biết sâu-nông, dòng chảy nguy hiểm… Cứu nhau mà không biết cách nên
những vụ đuối nước túm tụm thương tâm vẫn nối nhau xảy ra.
Vậy nên việc dạy và rèn kỹ năng chẳng thể chỉ hoàn thành trong một, hai
học kỳ. Ngay việc kỹ năng làm việc nhà cũng đã thấy phải kỳ công, kiên
trì. Làm bếp đâu chỉ là cắm nồi cơm điện, luộc mớ rau? Chế biến được
nhiều món ăn, biết gia giảm, ứng biến mặn-nhạt, lửa to-nhỏ... mới có thể
sau này tự lập, mới có thể làm được “bữa cơm mẹ (và bố) nấu”. Kỹ năng
việc nhà còn nhiều, nhiều nữa và ai dạy, ai uốn, ai rèn nếu không phải
trước hết và lâu dài là bố mẹ? Và mùa nghỉ hè là khoảng thời gian thuận
lợi nhất để các bậc cha mẹ truyền dạy cho các con.
Ở bất cứ xóm, phố nào chúng ta đều biết những gia đình gia giáo, biết
dạy con cháu, biết dành thời gian chơi và học cùng con. Tấm gương và
kinh nghiệm ngay quanh ta. Bởi vậy, việc dạy kỹ năng cũng như dạy và rèn
đạo đức, lối sống trước hết vẫn là từ mỗi gia đình. Đừng đổ cho việc
công, vin vào việc bươn chải kiếm tiền choán hết thời gian, công sức.
Cũng đừng phó mặc chuyện dạy dỗ mọi kỹ năng cho nhà trường.
Ở đây, việc phối hợp gia đình-nhà trường-xã hội rất cần hiểu rõ và làm
rõ. Việc nhà chủ yếu phải do gia đình dạy bảo; thầy cô cần biết các em
chăm hay không để động viên, khuyên nhủ và những lớp “xã hội hóa” sẽ đảm
nhiệm thay cha mẹ phần nào. Cần dạy cơ bản, từ đầu hay nâng cao, chuyên
đề về nấu nướng các món ăn, sửa chữa đồ dùng gia đình, làm vật dụng thủ
công, học nhạc họa, thể thao nâng cao khả năng bơi lội thì đương nhiên
phải cần đến thầy cô, huấn luyện viên ở các trung tâm.
Đúng là được dạy, rèn kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn là một loại quyền
và lợi ích chính đáng của trẻ em. Quyền và lợi ích đó phải được Nhà
nước, nhà trường, xã hội và người làm cha, làm mẹ, mọi người trưởng
thành nhận thức sâu sắc và xác định rành rõ về trách nhiệm.
Mùa hè đến
rồi, cổng trường đã khép, chỉ mong mỗi gia đình đều có kế hoạch thiết
thực dành cho con trẻ học và rèn kỹ năng. Trẻ mỗi ngày một lớn, có nhiều
thứ thói quen và kỹ năng chỉ có thể bắt đầu học và hành từ thuở còn thơ
mới thành./.
Nguyễn Mạnh (qdnd.vn)