(TG) - Là một tỉnh miền núi biên giới thuộc vùng Tây Bắc, Lai Châu có 20 dân tộc cùng sinh sống, trong đó 85% là dân tộc thiểu số, có 5 dân tộc đặc biệt khó khăn là Cống, Mảng, La Hủ, Si La, Lự. Khi có một Đề án của Đảng bộ tỉnh “Nâng cao chất lượng giáo dục vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016 - 2020” hợp với lòng dân thì kết quả là có thật.
Để đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương, ngày 20/6/2016, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lai Châu ban hành Quyết định số 150-QĐ/TU, kèm theo Đề án “Nâng cao chất lượng giáo dục vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016 - 2020”, nhằm đưa ra các giải pháp đồng bộ, tạo sự đột phá trong giáo dục, nhất là đối với 75 xã đặc biệt khó khăn trong 5 dân tộc rất ít người của tỉnh.
Dưới sự lãnh đạo và quyết tâm chính trị của Đảng bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo ngành Giáo dục và Đào tạo thực hiện các biện pháp, ưu tiên, đầu tư phát triển, trước hết là phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú; tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc cấp mầm non, tiểu học; huy động trẻ trong độ tuổi ra lớp... Nhờ đó, công tác quản lý và chỉ đạo của ngành giáo dục và đào tạo dần đi vào chiều sâu, phù hợp với thực tiễn. Sau gần 3 năm học thực hiện Đề án, chất lượng học tập, rèn luyện của học sinh vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Lai Châu được nâng lên rõ rệt.
Theo đánh giá thực hiện Đề án đã cho thấy, chất lượng rèn luyện, học tập của học sinh được cải thiện: Khối học sinh giáo dục mầm non: 4/4 chỉ tiêu đều đạt và tăng hơn trong hai năm học sau so với năm học 2015 - 2016. Trong đó, so với mục tiêu đến năm 2020, huy động trẻ từ 0 - 2 tuổi ra lớp trong các năm học gần đây đều đạt 106% chỉ tiêu; trẻ từ 3 - 5 tuổi đạt 100,8% chỉ tiêu; trẻ ăn bán trú nhà trẻ đạt 110,2% chỉ tiêu; mẫu giáo đạt 101% chỉ tiêu.
Trường lớp khang trang, sạch đẹp tại trường Tiểu học xã Noong Hẻo, huyện Sìn Hồ (tiết học tập đọc của học sinh lớp 3)
|
Khối học sinh giáo dục tiểu học đạt và tăng 11/11 chỉ tiêu so với năm học 2015 - 2016. So với mục tiêu đến năm 2020, 6/11 chỉ tiêu đạt; tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi ra lớp đạt 100,4% chỉ tiêu; trẻ 6 tuổi vào vào lớp 1 đạt 100,1% chỉ tiêu; tỷ lệ chuyên cần đạt 103,2% chỉ tiêu; học sinh bỏ học đạt 125% chỉ tiêu; đạt mức độ hình thành và phát triển phẩm chất đạt 100,1% chỉ tiêu; học sinh hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học đạt 100,4% chỉ tiêu. 3/11 chỉ tiêu chưa đạt. 2/11 chỉ tiêu khó có khả năng đạt.
Khối học sinh giáo dục trung học cơ sở: 11/11 chỉ tiêu đạt và tăng so với năm học 2015 – 2016. So với mục tiêu đến năm 2020, 11/11 chỉ tiêu đều đạt, đó là tỷ lệ học sinh trong độ tuổi ra lớp đạt 103,7% chỉ tiêu; học sinh hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học vào lớp 6 đạt 102,2% chỉ tiêu; chuyên cần đạt 108,9% chỉ tiêu; bỏ học đạt 125% chỉ tiêu…
Khối học sinh giáo dục trung học phổ thông (chỉ có 4 trường): có 9/10 chỉ tiêu tăng so với năm học 2015 – 2016. Còn 01 chỉ tiêu chưa tăng là xếp loại học lực khá. So với mục tiêu đến năm 2020, 7/11 chỉ tiêu đat, đó là: tỷ lệ huy động học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học lớp 10 đạt 107,5% chỉ tiêu; chuyên cần đạt 102,2% chỉ tiêu; học sinh bỏ học đạt 111,1% chỉ tiêu…3/10 chỉ tiêu chưa đạt, triển vọng đạt, đó là: xếp loại hạnh kiểm từ trung bình trở lên mới đạt 99,1% chỉ tiêu, xếp laoij khá, tốt đạt 99,7%; học lực giỏi đạt 45%.
Cán bộ quản lý, giáo viên phụ trách đoàn – đội và nhân viên: 8/8 chỉ tiêu tăng so với năm học 2015-2016. So với mục tiêu năm 2020, 2/8 chỉ tiêu đạt; 5/8 chỉ tiêu chưa đạt và có triển vọng; có 1 chỉ tiêu khó có khả năng đạt là trường tiểu học có giáo viên dạy tiếng Anh.
Xây dựng cơ sở vật chất: có 2/2 chỉ tiêu tăng so với năm học 2015-2016. So với mục tiêu năm 2020 có 2 chỉ tiêu khó có khả năng đạt, đó là phòng ở cho học sinh bán trú và phòng học kiên cố, bán kiên cố, nhất là ở các huyện Nậm Nhùn, Mường Tè, Than Uyên, Sìn Hồ, Phong Thổ tỷ lệ phòng học tạm còn nhiều. Sau gần 3 năm triển khai Đề án, tỉnh đã bố trí lồng ghép các nguồn lực, nguồn vốn để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất còn thiếu, mua sắm bổ sung thiết bị dạy học; sử dụng hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước và xã hội hóa đầu tư cho giáo dục các trường. Trong 75 xã đặc biệt khó khăn đã xây dựng được 555 phòng học kiên cố, đủ chỗ cho học sinh đến lớp. Nâng cao chất lượng đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tại 75 xã duy trì đạt chuẩn mức độ 1 trở lên, trong đó 8 xã duy trì đạt chuẩn mức độ 2; xây dựng hệ thống trường đạt chuẩn quốc gia theo lộ trình.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả Đề án đạt được vẫn còn những hạn chế, yếu kém như: một số trường chưa chủ động tổ chức các hoạt động nâng cao chất lượng giáo dục; chưa linh hoạt trong việc thực hiện các chương trình, kế hoạch nâng cao chất lượng giáo dục; một số giáo viên là quản lý, giáo viên chuyên môn còn yếu về phương pháp giảng dạy; tỷ lệ học sinh bỏ học ở các cấp học còn ở mức cao; cơ sở vật chất phục vụ học sinh bán trú còn thiếu; tỷ lệ học sinh có học lực khá trở lên còn thấp; các chương trình rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh chưa thực hiện thường xuyên; hoạt động sinh hoạt bán trú chưa hiệu quả; chính sách đãi ngộ cho giáo viên tại các vùng khó khăn chưa được quan tâm nhiều…
Trong thời gian tới, để tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Lai Châu cần tập trung đồng bộ các giải pháp:
Một là, các cấp ủy đảng, nhất là các huyện ủy, đảng ủy xã cụ thể hóa các nội dung Đề án bằng các nghị quyết, chương trình, kế hoạch hành động về công tác huy động học sinh ra lớp và nâng cao tỷ lệ chuyên cần, tạo sự đột phá trong giáo dục cho vùng đặc biệt khó khăn.
Hai là, tăng cường công tác bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, nhất là đổi mới nội dung, hình thức xét tuyển, chú trọng tuyển dụng giáo viên người dân tộc thiểu số đáp ứng nguồn nhân lúc giảng dạy tại chỗ của địa phương.
Ba là, tăng cường huy động học sinh ra lớp, nâng cao tỷ lệ chuyên cần và công tác bán trú; đổi mới chương trình, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá chất lượng của học sinh, không chạy theo thành tích, hoặc thiếu trách nhiệm với đánh giá đúng chất lượng gọc tập của các em.
Bốn là, chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác dạy và học; gắn việc thực hiện mục tiêu phổ cập giáo dục, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia với việc nâng cao chất lượng giáo dục và xây dựng nông thôn mới.
Năm là, ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho giáo viên vùng đặc biệt khó khăn; thực hiện định hướng nghề nghiệp cho học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông…
Căn cứ vào thực tiễn, các nhà trường trong 75 xã đặc biệt khó khăn của tỉnh Lai Châu lựa chọn các giải pháp trọng tâm, thiết thực để triển khai thực hiện, góp phần đưa Đề án “Nâng cao chất lượng giáo dục vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016 - 2020” đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra, từng bước đưa chất lượng giáo dục của tỉnh Lai Châu ngày thêm khởi sắc. Có thể nói đây là một trong số ít những đề án sớm đi vào cuộc sống, được thực tiễn tiếp nhận nhanh chóng và có hiệu quả vì “ý Đảng hợp với lòng dân”, hợp với những mong đợi của nhân dân./.
Bích Hạnh
Phòng Khoa giáo và Tổng hợp, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lai Châu