Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai,
đợt mưa, lũ kéo dài từ ngày 6 đến 13/7 ở các tỉnh miền núi phía bắc đã
gây thiệt hại gần 41 tỷ đồng.
Cụ thể, mưa lũ mặc dù không mạnh nhưng
đã khiến 14 người chết, 1 người mất tích; 472 nhà bị thiệt hại, 66 nhà
phải di dời; gần 1.439 ha lúa và hơn 42,6 ha hoa màu bị hư hại; 147.000
m3 đất, đá sạt lở; 3 cầu, 6 cống bị hư hỏng.
Thiệt hại nặng nhất là hai tỉnh Lai Châu và Hà Giang.
Tại Lai Châu, nhiều tuyến đường bị sạt
lở gây ách tắc cục bộ với khối lượng đất đá sạt sụt lên đến hàng nghìn
m3; khoảng 40 công trình công cộng bị thiệt hại; gần 300 ha cây trồng,
ao cá bị vùi lấp; phải di chuyển khẩn cấp gần 100 hộ dân đến nơi an
toàn.
Còn ở Hà Giang, ngoài 10 người chết còn
có 9 người bị thương; gần 300 nhà bị sập đổ; hơn 227 ha lúa, ngô, mạ bị
ngập úng, vùi lấp, mất trắng; gần 250 m kênh mương bị đứt gãy, 2 công
trình thủy lợi và hàng chục công trình điện bị hư hỏng; hơn 100 điểm
trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường liên xã bị sạt lở, đất đá vùi lấp
với khối lượng hơn 6.000 m3.
Sớm ổn định cuộc sống của người dân
Để ổn định cuộc sống của người dân, hiện
nay, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn các địa
phương đang tích cực triển khai công tác khắc phục hậu quả, di chuyển
người, tài sản đến nơi an toàn, hỗ trợ các hộ bị thiệt hại, huy động lực
lượng, máy móc xử lý các điểm sạt lở.
Đến nay, hầu hết các đoạn quốc lộ, tỉnh
lộ đã khắc phục tạm thời bảo đảm giao thông đi lại, còn một số đoạn
đường liên xã vẫn chưa đi lại được.
Tại Bắc Kạn, do nắm vững các điểm có
nguy cơ sạt lở, lũ quét, lũ ống, nên các địa phương đã chủ động di dời
nhiều hộ dân đến nơi an toàn trước khi sạt lở xảy ra, vì thế không có
thiệt hại về người.
UBND tỉnh cũng yêu cầu ngành chức năng,
các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lũ, thông tin, cảnh
báo kịp thời đến các cấp chính quyền và đến người dân, nhất là vùng sâu,
vùng xa, sẵn sàng phương án sơ tán dân khỏi khu vực nguy hiểm để bảo
đảm an toàn về người và tài sản.
|
Sinh viên Đại học Thái Nguyên giúp người dân xã Phú Đô, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên dọn dẹp đất sạt lở. Ảnh: Báo Nhân dân
|
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Minh Tiến cho biết,
tranh thủ những thời điểm mưa dứt để khẩn trương thông đường, ngành giao
thông phối hợp với các xã, thị trấn huy động các lực lượng, máy móc
khắc phục các điểm sạt lở. Đến nay, hầu hết các tuyến đường đã thông ô
tô.
Hiện tại, mưa vẫn tiếp diễn, vì vậy Ban
Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn tỉnh Hà Giang tiếp
tục duy trì chế độ trực 24 giờ hằng ngày từ tỉnh đến xã để chủ động rà
soát, di dời các hộ dân sống ở nơi nguy hiểm đến nơi an toàn.
Đồng thời, tỉnh thực hiện việc phân cấp
mạnh trong hỗ trợ các hộ dân bị thiệt hại về tài sản, nhà ở. Tỉnh cũng
đã có phương án dự phòng các giống lúa, ngô để hỗ trợ người dân gieo cấy
lại diện tích hoa màu mất trắng, hoặc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng
ở những nơi không có điều kiện thuận lợi. Về lâu dài, Hà Giang thực
hiện đề án ổn định dân cư, trong đó mục tiêu từ nay đến năm 2020 di dời
khoảng 5.000 hộ đến nơi ở mới.
Theo thông tin từ Cục Cứu hộ-Cứu nạn (Bộ
Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam), lực lượng vũ trang ở các
tỉnh miền núi phía bắc tiếp tục tích cực tham gia công tác hỗ trợ, giúp
dân khắc phục hậu quả thiên tai.
Chiều 13/7, tại phường Hồng Hải, TP. Hạ
Long, tỉnh Quảng Ninh đã xảy ra sạt lở đất tràn vào làm 1 nhà dân bị
hỏng, đe dọa 5 nhà dân, không có thiệt hại về người. Ngay sau khi sự
việc xảy ra, địa phương huy động 75 người (bộ đội 25 người, dân quân 20
người, lực lượng khác 30 người), tổ chức di dời 5 nhà dân đến nơi an
toàn.
Tại Km 30+450 Quốc lộ 279, thuộc xã
Chiềng Lao, huyện Mường La, tỉnh Sơn La, trước việc tảng đá hơn 200 m3
có nguy cơ bị sạt lở bất kỳ lúc nào, Bộ Tư lệnh Quân khu 2 và UBND tỉnh
Sơn La chỉ đạo lực lượng công binh đánh mìn vào chiều 13/7, bảo đảm an
toàn tuyệt đối. 3.500 m3 đất đá do đánh mìn tràn xuống đường gây ách tắc
giao thông, các lực lượng địa phương đang tổ chức san gạt, dự kiến đến
ngày 18/7 sẽ khắc phục xong.
Ban Chỉ đạo Trung ương về
phòng, chống thiên tai cho biết, đợt mưa, lũ đầu tháng 7 này mới chỉ là
mưa, lũ đầu mùa cho nên không lớn, nhưng đã có thiệt hại lớn về người và
tài sản.
Nguyên nhân chủ yếu của
thiệt hại trên là do nhận thức của người dân còn đơn giản, chủ quan,
cộng thêm tình trạng trên “nóng”, nhưng dưới “nguội”, nhất là ở cấp
chính quyền thôn, bản. Trong khi sự tham gia của các ban, ngành, đoàn
thể trong việc tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các chương
trình, chính sách phòng, chống và làm giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai,
hỗ trợ khắc phục hậu quả còn hạn chế.
Vì vậy, rút kinh nghiệm đợt
mưa, lũ vừa qua, các địa phương cần tiếp tục triển khai quyết liệt các
biện pháp ứng phó, bảo đảm an toàn về người. Đặc biệt là tuyên truyền
cảnh báo mưa, lũ, tổ chức canh gác khu vực ngầm, tràn, khu vực bị ngập
sâu, di dời các hộ dân vùng nguy cơ cao về sạt lở. Tránh tư tưởng chủ
quan trong các cấp lãnh đạo cũng như người dân để xảy ra thiệt hại không
đáng có về người như đợt mưa, lũ vừa qua.
|
Theo chinhphu.vn