Thứ Ba, 8/10/2024
Đời sống
Thứ Hai, 18/10/2010 17:43'(GMT+7)

Mưa lũ hoành hành làm 21 người chết và mất tích

Mênh mông nước ở Vũ Quang (Hà Tĩnh).

Mênh mông nước ở Vũ Quang (Hà Tĩnh).

Đến sáng 18/10, mưa lũ Hà Tĩnh đã làm 7 người chết, 3 người mất tích. Hiện, 198 xã của tất cả 12 huyện, thành phố, thị xã tỉnh Hà Tĩnh đang bị ngập nước. Nhiều huyện tất cả các xã đều bị ngập, có nơi ngập sâu từ 3m đến 5m như: huyện Hương Khê, Vũ Quang, Thạch Hà và thành phố Hà Tĩnh.

Mưa lũ làm các tuyến giao thông Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 8A, đường sắt Bắc-Nam bị ngập nhiều đoạn, gây ách tắc giao thông. Hàng nghìn xe ôtô, cùng nhiều chuyến tàu hoả phải nằm chờ tại thị xã Hồng Lĩnh và các ga tàu. Các tuyến đường tỉnh lộ, giao thông nông thôn bị ngập sâu và chia cắt.

Tỉnh Hà Tĩnh đã huy động tất cả lực lượng và 30 tàu thuyền lớn, hàng trăm tàu thuyền nhỏ cùng với hàng nghìn cán bộ chiến sĩ bộ đội, công an, biên phòng, kiểm lâm, lực lượng thủy nông, lực lượng dân quân tự vệ của các địa phương hỗ trợ di dời các hộ dân vùng ngập lụt nguy hiểm. Đến hết 17/10, Hà Tĩnh đã di dời được gần 17.900 hộ ra khỏi khu vực bị ngập lũ và đã đưa 100 tấn mì tôm, gần 100 tấn gạo giúp dân chống đói.

Ông Võ Kim Cự, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Hiện nay, nguồn lực của tỉnh có hạn chế nên đang đề nghị Chính phủ hỗ trợ tỉnh từ 30-40 tàu thuyền để kịp thời cứu bà con ra khỏi vùng bị ngập. Bên cạnh đó là cấp cứu khẩn cấp cho Hà Tĩnh 5.000 tấn gạo và 500 cơ số thuốc để đưa xuống kịp thời. Trước mắt, cấp ngay 1.000 tỷ đồng ứng cứu đồng bào khó khăn sớm ổn định cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội.

*Tại huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, mưa đã dứt từ đêm 17/10. Tuy nhiên, lũ vẫn đang gây ngập ở 22/32 xã của huyện. Hàng trăm người dân phải ngồi trên nóc nhà suốt đêm để tránh lũ. Ở Hương Sơn mấy ngày nay, hàng chục nghìn gia đình phải sơ tán lên núi, hoặc buộc phải sống trên những chiếc bè nổi.

Ông Lê Quang Long, 62 tuổi, một người dân ở xóm Đông Sơn, xã Sơn Bằng phải thức suốt đêm qua vì nhà ngập hết. Ông Long cho biết, gia đình ông đã quen với lũ lụt từ lâu nhưng không ngờ trận lũ lần này lớn quá.

Thiệt hại do mưa lũ ở Hương Sơn là rất lớn. Trong cơn lũ dữ, những chiến sĩ quân đội, công an, lực lượng dân quân tự vệ đã đến từng gia đình, từng thôn xóm đưa người và tài sản đi tránh lũ.

Tại huyện Hương Khê, ông Lê Trần Sáng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê cho biết: Từ 17 đến sáng 18/10, tại Hương Khê, mưa cũng đã ngớt mưa. Huyện Hương Khê đã thành lập 22 đoàn về kiểm tra và triển khai công tác phòng chống lũ lụt ở tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn. Các xã trong tâm lũ như Hương Trạch, Phúc Trạch, Hương Đô, Lộc Yên, Gia Phố, Hương Giang, Hương Thủy, Hà Linh, Phương Điền, Phương Mỹ… đã tiến hành di dời dân đến vùng an toàn.

Nhiều tuyến giao thông bị tê liệt

Đêm 17 và rạng sáng 18/10, nhiều nơi tại Nghệ An có mưa to, nhất là tại các huyện Diễn Châu, Nghi Lộc, Nam Đàn. Mưa lũ ở Nghệ An đã làm 8 người chết; 21 xã và trên 15.000 nhà dân bị ngập.

Mưa lũ tại Nghệ An.

Suốt 4 ngày đêm liên tục, kể từ 15/10 đến 7h sáng 18/10, mưa vẫn liên tục xối xả xuống địa bàn  Nghệ An làm nhiều tuyến giao thông bị tê liệt do ngập nước. Đặc biệt đến 7 giờ sáng 18/10, hai tuyến quốc lộ 1A và tỉnh lộ 537 đã bị chia cắt.

Trong khi đó, nước lũ ở thượng nguồn sông Lam vẫn đổ về làm hạ lưu (đoạn qua huyện Nam Đàn, Thanh Chương, Hưng Nguyên, TP Vinh) đang lên nhanh. Quốc lộ 1A đoạn qua xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc đang bị ngập sâu trong nước khiến giao thông qua đoạn đường này bị tê liệt.

Ông Nguyễn Đình Chi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết: “Tỉnh Nghệ An tập trung huy động mọi lực lượng, kể cả công an, bộ đội, biên phòng, huy động phương tiện xuống máy, ca nô đến vùng bị ngập. Tỉnh cũng huy động máy bơm hoạt động hết công suất để giảm tối đa ngập. Đối với vùng nguy cơ ngập lụt, lũ ống, lũ quét thì tỉnh đã cho sơ tán dân”.

Ngày 17/10, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã điều động trên 600 lượt cán bộ chiến sỹ Biên phòng các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và nhiều phương tiện các loại hỗ trợ các địa phương Hà Tĩnh sơ tán người dân ở các vùng ngập lụt nguy hiểm, dọc các sông suối, đặc biệt khu vực trũng và khu vực có nguy cơ lũ ống, lũ quét về tới nơi an toàn.

Thượng tá Lê Bá Tơ, Phó phòng Cứu hộ cứu nạn Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết: “Chúng tôi đã điều từ Nghệ An vào 3 tàu, ở Quảng Bình về tăng cường cho Hà Tĩnh 4 tàu và báo động cho biên phòng Thanh Hóa chuẩn bị lực lượng và 4 phương tiện, Nghệ An và Quảng Bình mỗi nơi chuẩn bị 2 phương tiện nữa khi có yêu cầu của Bộ Tư lệnh tiếp. Sau lũ Bộ Tư lệnh sẽ điều lực lượng ở 1 số đơn vị vào giúp dân”. 

Tại quốc lộ 1A địa bàn huyện Nghi Lộc km 452 đến 455 bị nước ngập sâu trên mặt đường xấp xỉ 1 đến 1,2 m đã làm ách tắc hàng trăm ô tô suốt chiều dài 3 km. Tỉnh lộ 537 nối liền thị trấn Cầu giát huyện Quỳnh Lưu với các huyện miền núi cũng đã bị ngập sâu trên 1,5 m suốt gần 1km khiến giao thông tê liệt hoàn toàn. Trong khi đó đến thời điểm này mưa vẫn tiếp tục trút xuống địa bàn và nguy cơ các tuyến giao thông còn lại cũng bị ngập.

* Theo Trung tâm Dự báo Khí tương thủy văn Trung ương, đêm 17/10, lũ trên sông La tại Linh Cảm đã đạt đỉnh là 7,28m, lúc 23 giờ đêm 17/10 và đang dao động ở mức cao. Lũ trên các sông ở Nghệ An đang lên; sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố và các sông ở Quảng Bình đang xuống.

Sông Cả tại Nam Đàn: 7m, trên báo động 2 là 0,1m; Sông Ngàn Sâu tại Chu Lễ: 15,16m, trên báo động 3: 1,66m.

Tại Hòa Duyệt: 12,24m, lúc 1 giờ sáng 18/10, cao hơn báo động 3: 1,74m; Sông Ngàn Phố tại Sơn Diệm: 10,63m, trên báo động 1: 0,63m; Sông La tại Linh Cảm: 7,22m, trên báo động 3: 0,72m; Sông Gianh tại Mai Hóa: 3,08m (lúc 1h/18), trên báo động 1: 0,08m; Sông Kiến Giang tại Lệ Thủy: 2,64m (lúc 1h/18), dưới báo động 3: 0,06m;

Dự báo, lũ trên các sông ở Nghệ An tiếp tục lên, hạ lưu sông La xuống chậm và duy trì ở mức cao; sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố và các sông ở Quảng Bình tiếp tục xuống.

Sông Cả tại Nam Đàn lên mức 7,5m, trên báo động 2: 0,2m và còn tiếp tục lên; Sông Ngàn Phố tại Sơn Diệm xuống mức báo động 1; Sông Ngàn Sâu tại Hòa Duyệt xuống mức 9,6m, trên báo động 2: 0,6m; Sông La tại Linh Cảm ở mức 7,1m, trên báo động 3: 0,6m; Sông Gianh tại Mai Hóa xuống dưới mức báo động 1;Sông Kiến Giang tại Lệ Thủy xuống mức báo động 2.

Tình trạng ngập lụt sâu trên diện rộng ở các lưu vực sông từ Nghệ An đến Quảng Bình tiếp tục diễn ra nghiêm trọng. Đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi tỉnh Nghệ An./.

(Theo: VOV)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất