Đình
Tế nằm ở phía Tây của xã Lam Cốt (huyện Tân Yên, tỉnh bắc Giang). Xung quanh ngôi đình là những cây đa cổ thụ xum xuê cành lá, râm mát
quanh năm như biểu tượng của sức sống vững bền chở che cho dân làng. Trải qua
bao biến cố thăng trầm, đình chùa Tế vẫn là trung tâm sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng của cộng
đồng. Không chỉ là di tích có giá trị to lớn về mặt lịch sử đình Tế - chùa Khánh Quang còn là điểm đến
giao thương buôn bán của người dân trong vùng cũng như cư dân ở những vùng lân
cận.
|
Nét văn hoá đặc sắc của
chợ cửa đình cũng được hình thành từ đó, góp phần làm phong phú thêm đời sống
vật chất cũng như tinh thần của người dân nơi đây mà không phải làng quê nào
cũng có. Tương truyền và nội dung ghi trên các bia đá đã lưu ở chùa Khánh Quang
thì đình Tế có tên gọi là đình Giáp Thượng, đình thờ thánh Cao Sơn- Quý Minh là
hai vị tướng tài có công giúp vua Hùng thứ 18 dẹp giặc giữ nước và thờ đức
thánh Tam Giang. Đình được xây dựng từ rất lâu đời, là đình hàng tổng to rộng nhưng
do thời gian bị chiến tranh tàn phá ngôi đình bị xuống cấp nhiều. Đến năm 1995 nhân dân địa phương dựng lại
trên vị trí đất đình xưa, ngôi đình mới khang trang tổ hảo như hiện nay.
Chùa
Tế có tên chữ là chùa Khánh Quang hay Linh Quang tự toạ lạc trên khu đất rộng
kề bên đình Tế, gần đó là nghè Tế đã tạo thành một quần thể di tích. Theo nội
dung chữ Hán trên văn bia khắc trên cây hương đá tạo dựng năm Vĩnh Thịnh thứ 10
(1714) trước cửa chùa Khánh Quang cách đây 295 năm thì ngôi chùa ra đời trước
khi tạo dựng cây hương đá. Vào thời Tự Đức nguyên niên (1848) và năm Đồng Khánh
thứ 2(1878) ngôi chùa được nhân dân trùng tu tôn tạo. Hiện nay, chùa Khánh
Quang là công trình kiến trúc cổ còn lưu giữ được nhiều tài liệu hiện vật quý
gồm 31 pho tượng phật được tạo tác đẹp có giá trị nghệ thuật cao và nhiều đồ thờ tự có giá trị lịch sử mỹ thuật truyền
thống dân tộc và lịch sử văn hoá con người, vùng đất nơi đây. Xuất phát từ nhu
cầu cuộc sống nên người dân bản địa đã hình thành nên phiên chợ tại đình và theo thời gian chợ đình đã trở thành
nét văn hoá truyền thống đặc sắc của mảnh đất nơi đây mà ít vùng có được.
Chợ
họp theo phiên vào ngày mùng
1, 4, 6, 9 âm lịch trong đó mùng 4, 9 là phiên chính và mùng 1, 6 là phiên xép.
Khi mới hình thành chợ, người mua kẻ bán còn
thưa thớt, cùng với sự phát triển của thời gian mỗi năm chợ lại thêm đông đúc. Chợ đình Tế bây giờ không chỉ là nơi hội tụ giao thương buôn bán của
người dân địa phương trong vùng nữa mà người dân ở các vùng lân cận cũng hội tụ
về đây từ các xã trong huyện như: Ngọc Thiện, Ngọc Châu, Việt Ngọc, Phúc Sơn
đến xã Hoàng Thanh (huyện Hiệp Hoà), sang Dương Thành ( huyện Phú Bình - tỉnh Thái
Nguyên) cũng về họp chợ.
Nơi
đây không chỉ là nơi buôn bán giao thương mà nó còn hiện hữu một nếp sinh hoạt,
một nét đẹp văn hoá mang đậm nét truyền thống chân chất mộc mạc của làng quê.
Chợ nằm gọn trong khuôn viên của Đình dưới những tán cây cổ thụ xanh mát, trước
đây hàng hoá buôn bán ở chợ đình Tế này chủ yếu là những nông sản mà người dân sở tại sản xuất ra như ít
rau củ quả, vài con gà, dăm bẩy chiếc rổ rá tre… nhưng nay hàng hoá đã đa dạng
phong phú hơn nhiều, người dân ở các vùng đến đây mang theo rất nhiều mặt hàng đến bán.
Hai
bên lối vào đình là những bà những cô ngồi bán rau, bán cá chào mời vui vẻ, nụ
cười hớn hở, đi sâu vào trong là những dãy hành tạp hoá bánh kẹo quần áo, đồ
dùng học tập rồi dưa cà mắm muối .... đều đủ cả, phiên chợ ồn ào tấp nập không
kém gì những phiên chợ lớn ở các vùng khác, người mua người bán chuyện trò rôm
rả, vui vẻ. Thuận mua, vừa bán không có sự cãi cọ, tranh giành từ xa xưa đã tạo nên một phong tục đẹp của làng
quê thuần hậu chất phác.
Ngoài
những loại hàng hoá thông dụng, ở chợ Đình Tế còn có những món quà quê của
riêng mình mà mỗi người xa quê khi nghĩ tới lại thấy nhớ nao lòng, đó là hàng
bánh rán, bánh dày, hàng chè … và đặc biệt hơn ở đây có một món quà quê mà ai
đã một lần được thưởng thức thì không thể nào quên - món thạch lá vừa thơm vừa
mát.
Chợ
đình Tế đông hơn vào những ngày mồng một và những ngày hội đầu xuân, mọi người
đi chợ không chỉ để mua bán mà còn có nhu cầu về tâm linh vào đình thắp
nhang thể hiện tấm lòng thành kính và cầu nguyện một điều gì dó.
Ngày
nay, chợ Đình
Tế mỗi phiên lại thêm đông vui, không gian hoạt động buôn bán, giao thương sầm uất hơn
nhưng nét đẹp truyền thống của phiên chợ đình thì vẫn mãi được lưu giữ. Vào
những ngày cuối năm này, khi những làn mưa mỏng giăng mắc, những lộc non đang
nhú lên đầy sức sống báo hiệu một mùa xuân mới đang về thì dường như phiên chợ
nơi đây lại càng náo nhiệt hơn, hàng hoá cũng đa dạng hơn để phục vụ nhu cầu
ngày tết với đủ chủng loại mẫu mã, đây cũng là dịp để lũ trẻ con háo hức khi
được bà được mẹ đưa đi chợ sắm tết, trên tay cầm những con tò he, những quả
bóng bay với đủ màu sắc sặc sỡ như tô điểm thêm cho sắc xuân quê.
Một
mùa xuân mới lại về từ những làng quê hay phố mới đều đang chuyển mình phơi phới sắc xuân, trên
gương mặt mỗi con người lại sáng bừng lên niềm hân hoan, các bà các chị đến chợ
nhanh tay chọn cho mình những chiếc lá bánh xanh mướt những cành đào phai khoe
sắc đem lộc về nhà
Phiên
chợ đình Tế tuy không lớn về quy mô nhưng về mặt tinh thần thì lại vô cùng
phong phú, dường như nó đã trở thành chiếc cầu nối giúp cho mỗi con khi đến đây
gần gũi, yêu
thương nhau hơn và dẫu chỉ mới một lần đi chợ đình Tế thôi nhưng cũng khiến cho
mỗi người không thể quên được một nét văn hoá độc đáo mà ít nơi nào có được./.
Bài và ảnh: Phương Thảo
Đài truyền thanh Tân Yên, tỉnh Bắc Giang