Các chuyên gia nhấn mạnh, trong điều kiện kinh tế tiếp tục tăng trưởng nhanh cùng với quá trình đô thị hóa và sự hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, mức sinh thấp kéo dài sẽ để lại nhiều hệ lụy như già hóa dân số nhanh, thiếu hụt lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội của đất nước…
Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế từ năm 2006 và duy trì trong suốt 13 năm qua. Tuy nhiên, hiện nay, nước ta lại đang phải đối mặt với thực trạng chênh lệch mức sinh đáng kể giữa các vùng; xu hướng không muốn hoặc sinh rất ít con đã xuất hiện ở một số đô thị, nơi có điều kiện kinh tế phát triển, trong khi đó, tại những nơi điều kiện kinh tế chưa phát triển, mức sinh rất cao, có nơi trên 2,5 con/phụ nữ.
Hiện trên cả nước có 33 tỉnh có mức sinh cao, 21 tỉnh mức sinh thấp và 9 tỉnh đạt mức sinh thay thế. Theo bà Đặng Quỳnh Thư, Vụ trưởng Vụ Quy mô dân số (Tổng cục Dân số, Bộ Y tế), mức sinh là một yếu tố cấu thành của dân số, do vậy, những biến động của mức sinh, dù cao hay thấp đều có tác động trực tiếp đến quy mô, cơ cấu, phân bố dân số và sẽ gây bất lợi cho ổn định xã hội và phát triển đất nước.
Trong đó, riêng về vấn đề mức sinh thấp, bà Đặng Quỳnh Thư cho biết, nếu để mức sinh "tụt" quá thấp, sẽ gây ra nhiều hệ lụy đối với sự phát triển bền vững của đất nước. Cụ thể: Mức sinh thấp sẽ gây ra tình trạng suy giảm quy mô dân số. Nghĩa là, khi mức sinh thấp kéo dài không đủ sản sinh ra những đoàn hệ thay thế cha mẹ trong một thời gian dài sẽ tác động trực tiếp đến tỷ lệ gia tăng dân số tự nhiên và làm cho quy mô dân số suy giảm (như Nhật Bản, Nga, các nước Bắc Âu hiện nay).
Bên cạnh đó, với những quốc gia có mức sinh thấp sẽ dẫn đến việc thiếu hụt lực lượng lao động. Bởi khi đó, số người được sinh ra ngày càng ít đi và với việc chuyển đoàn hệ trong dân số sẽ làm cho dân số trong độ tuổi lao động - lực lượng chính tạo ra của cải vật chất và sự phát triển của xã hội - sẽ ngày càng bị thu hẹp.
Hơn nữa, mức sinh thấp còn đẩy nhanh tốc độ già hóa dân số; gia tăng các dòng di cư (do mức sinh thấp, lực lượng lao động thiếu hụt tác động đến các chính sách di cư làm tăng các dòng di cư, thu hút lao động nhập cư).
Đặc biệt, theo Vụ trưởng Vụ Quy mô dân số, do mức sinh thấp gây ra các hệ lụy nêu trên nên sẽ kéo theo hậu quả nghiêm trọng là tác động đến sự ổn định xã hội và phát triển đất nước, làm phát sinh hàng loạt các vấn đề về an sinh xã hội, trật tự an ninh, quốc phòng.
Cụ thể, khi mức sinh thấp gây già hóa dân số nhanh sẽ kéo theo gia tăng quỹ phúc lợi xã hội cho người già, dịch vụ chăm sóc người cao tuổi. Trong khi đó, chi phí chăm sóc sức khoẻ người già cao gấp 7-8 lần so với chăm sóc sức khoẻ trẻ em. Nhu cầu cán bộ điều dưỡng chăm sóc người già sẽ tăng đột biến trong bối cảnh lực lượng lao động giảm và phụ nữ ngày một tham gia tích cực hơn trong các hoạt động kinh tế - xã hội.
Đây không chỉ là khó khăn thách thức đối với gia đình mà còn với cả xã hội, nhà nước. Điều này có thể thấy ở một số nước hiện nay đang có những chính sách thu hút lao động điều dưỡng Việt Nam như Đức, Nhật Bản…)
Cùng với đó, mức sinh thấp làm gia tăng các dòng di cư nên kéo theo các dịch vụ đi kèm để cung cấp cho người nhập cư như nhà ở, trường học, bệnh viện. Điều này gây nguy cơ xung đột do những khác biệt về sắc tộc, tôn giáo, văn hoá, kỹ năng làm việc, cạnh tranh việc làm do quá trình di cư – nhập cư…
"Những hệ lụy do mức sinh thấp kéo dài gây ra càng nghiêm trọng hơn nếu xảy ra ở những nước đang phát triển và năng suất lao động chưa cao như Việt Nam, kéo theo đó là phải chuyển đổi cơ cấu kinh tế - xã hội cho phù hợp với cơ cấu nhân khẩu học", Vụ trưởng Vụ Quy mô Dân số Đặng Quỳnh Thư nhấn mạnh.
Từ thực tế trên, ngày 28/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 588/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình Điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030, trong đó, một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sẽ được triển khai tại vùng mức sinh thấp là: Rà soát, bãi bỏ các chính sách khuyến khích sinh ít con. Từng bước ban hành, thực hiện các chính sách khuyến khích sinh đủ 2 con áp dụng cho các gia đình, cộng đồng. Thí điểm, mở rộng thực hiện các chính sách hỗ trợ các cặp vợ chồng sinh con, nuôi dạy con; đồng thời có chính sách khuyến khích không kết hôn muộn, sinh con muộn và sinh ít con…
Theo Vụ trưởng Vụ Quy mô dân số, sở dĩ việc khuyến khích sinh đủ 2 con ở những vùng có mức sinh thấp rất quan trọng trong bối cảnh nước ta hiện nay, bởi lẽ, kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới cho thấy, nhiều nước thành công trong việc đưa mức sinh cao xuống thấp, tuy nhiên, chưa có nước nào thành công khi đưa mức sinh thấp lên cao.
Việt Nam đã nhìn thấy trước những vấn đề đó và thực tế đang có xu thế như vậy. "Với các giải pháp can thiệp sớm trong việc hỗ trợ, khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con ở vùng có mức sinh thấp, hy vọng chúng ta có thể tránh được "vết xe đổ" như nhiều nước là để mức sinh xuống quá thấp, không thể đưa trở lại mức sinh thay thế", Bà Đặng Quỳnh Thư nói./.
Theo giadinh.net.vn