Nhiều nơi truyền thông vẫn đặt nặng KHHGĐ
Theo BS Mai Xuân Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông - Giáo dục (Tổng cục Dân số, Bộ Y tế), truyền thông luôn đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác dân số. Thực tế cho thấy, từ khi Chương trình Dân số Việt Nam được khởi xướng và triển khai thực hiện (26/12/1961), công tác truyền thông luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm cùng sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội, tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong việc triển khai, thực hiện các mục tiêu về DS-KHHGĐ.
BS Mai Xuân Phương cho biết, cùng với Chiến dịch truyền thông lồng ghép đưa dịch vụ KHHGĐ đến vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng (báo hình, báo viết, đài phát thanh...) đã tạo nên bước chuyển biến rõ rệt trong nhận thức của người dân, rất nhiều người dân đã hiểu sâu sắc hơn và tự nguyện tham gia vào công tác dân số.
Tuy nhiên, theo Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông - Giáo dục, hiện nay công tác dân số đang đứng trước nhiều thách thức, nhiều vấn đề mới nảy sinh. Đó là tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, tốc độ già hóa dân số nhanh, chênh lệch mức sinh giữa các vùng miền; vấn đề tận dụng và phát huy lợi thế cơ cấu dân số vàng khi mà chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế; vấn đề truyền thông vận động và cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ… Tất cả đặt ra những nội dung mới, nhiệm vụ mới và thử thách mới cho công tác truyền thông dân số.
Cùng với đó, các chuyên gia cũng cho rằng, một số cấp ủy, chính quyền chưa nhận thức đúng và đầy đủ về tính chất lâu dài, khó khăn, phức tạp, tầm quan trọng và ý nghĩa của công tác dân số; lãnh đạo, chỉ đạo chưa quyết liệt, chưa hiệu quả. Trong nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ làm công tác dân số vẫn còn nặng về kế hoạch hóa gia đình, chưa chú trọng các mặt cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số và tác động qua lại với phát triển. Mặt khác, công tác truyền thông, giáo dục về dân số ở một số khu vực, nhóm đối tượng hiệu quả chưa cao, vai trò nhà trường còn hạn chế. Nội dung truyền thông, cung cấp dịch vụ chưa toàn diện, chủ yếu tập trung vào KHHGĐ…
Cần đổi mới cả về nội dung và phương pháp truyền thông
Để giải quyết những thách thức của công tác dân số, Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII được coi là kim chỉ nam cho công tác dân số trong tình hình mới. Nghị quyết này cũng nhấn mạnh: Đổi mới nội dung tuyên truyền, vận động về công tác dân số. Nội dung truyền thông, giáo dục phải chuyển mạnh sang chính sách Dân số và Phát triển.
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số, để Nghị quyết 21-NQ/TW phát huy hiệu quả một cách tốt nhất, góp phần nâng cao chất lượng dân số, một giải pháp cần được triển khai đồng bộ tại các địa phương là đẩy mạnh truyền thông chuyển đổi hành vi về Dân số và Phát triển. Bên cạnh đó, công tác truyền thông cần triển khai sớm và đổi mới cả về nội dung và phương pháp thực hiện.
Theo đó, về nội dung, cần tập trung truyền thông chuyển đổi hành vi về Dân số và Phát triển. Duy trì và nhân rộng các mô hình truyền thông có hiệu quả và xây dựng các mô hình truyền thông về Dân số và Phát triển phù hợp với tình hình mới; nâng cao năng lực, kỹ năng cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên và cộng tác viên dân số, y tế về các nội dung Dân số và Phát triển.
Bên cạnh đó, về hình thức, cần lựa chọn nội dung và hình thức truyền thông về Dân số và Phát triển phù hợp với người dân sống ở đô thị, nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số. Các loại hình truyền thông dân số cũng luôn phải đa dạng, đổi mới bằng các hình thức như: Truyền thông trực tiếp; truyền thông gián tiếp và truyền thông qua mạng lưới điện tử, mạng xã hội…
Huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị
Theo các chuyên gia, để thực hiện các tốt công tác dân số trong tình hình mới, đòi hỏi truyền thông và giáo dục về Dân số và Phát triển phải luôn đi trước một bước. Mỗi địa phương cần lựa chọn đúng mô hình, phương tiện, hình thức, đối tượng để có phương thức thực hiện hiệu quả. Đồng thời tham mưu để các cấp lãnh đạo hiểu được, đưa ra được quyết sách đúng đắn, hợp lý cho công tác Dân số và Phát triển cả về nguồn lực, tổ chức bộ máy cùng với sự huy động cả xã hội cùng tham gia.
Thực tế cho thấy, chuyển đổi nội hàm về Dân số và Phát triển là một vấn đề lớn. Do vậy, đổi mới nội dung, phương thức truyền thông, vận động về Dân số và Phát triển là yêu cầu cần thiết trong công tác dân số hiện nay. Trên cơ sở đó, ngày 17/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 537/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình Truyền thông Dân số đến năm 2030.
Mục tiêu chính của Chương trình này nhằm truyền thông nâng cao nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp; bộ, ban, ngành, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương để huy động sự tham gia và cam kết với công tác dân số thông qua việc chỉ đạo, đầu tư nguồn lực, lồng ghép các vấn đề dân số trong chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Cùng với đó, phát huy lợi thế của cơ cấu dân số vàng; thích ứng với già hóa dân số; nâng cao chất lượng dân số; duy trì vững chắc mức sinh thay thế; phân bố dân cư hợp lý; đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên góp phần phát triển nhanh, bền vững đất nước.
Một số nhiệm vụ và giải pháp được đề cập trong Chương trình Truyền thông Dân số đến năm 2030 như: Tăng cường cung cấp thông tin về Dân số và Phát triển đến cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các cấp; huy động các bộ, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội tham gia truyền thông về Dân số và Phát triển; đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm truyền thông về Dân số và Phát triển; bảo đảm về chất lượng, đổi mới về hình thức, nội dung.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh truyền thông thay đổi hành vi về Dân số và Phát triển trên các chuyên trang, chuyên mục, chương trình, phóng sự, tin bài, sách, ảnh, sự kiện truyền thông; tổ chức thực hiện có hiệu quả các hoạt động truyền thông trực tiếp trong hệ thống dân số các cấp; mở rộng các hình thức truyền thông, giáo dục thân thiện với trẻ em vị thành niên, thanh niên; đề cao vai trò, trách nhiệm của gia đình, nhà trường và cộng đồng trong việc phổ biến kiến thức, kỹ năng về dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, giới tính…
Ngoài ra, đẩy mạnh xã hội hóa công tác truyền thông; huy động sự tham gia, đóng góp phương tiện, nguồn lực của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cho công tác truyền thông về Dân số và Phát triển. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, huy động sự hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật trong công tác truyền thông dân số.
Các mục tiêu cụ thể của Chương trình Truyền thông Dân số đến năm 2030
- 95% các cặp vợ chồng, nam, nữ trong độ tuổi sinh đẻ được cung cấp thông tin về cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ hai con… góp phần duy trì vững chắc mức sinh thay thế.
- 95% các cặp vợ chồng, nam, nữ trong độ tuổi sinh đẻ, ông bà, cha mẹ được cung cấp thông tin về tình hình, nguyên nhân, hậu quả của mất cân bằng giới tính khi sinh; 95% vị thành niên, thanh niên, nam, nữ sắp kết hôn được cung cấp đầy đủ kiến thức về các hành vi vi phạm pháp luật về lựa chọn giới tính thai nhi; 100% các cơ quan truyền thông đại chúng ở Trung ương và địa phương thường xuyên tuyên truyền về giá trị của trẻ em gái, vị thế của phụ nữ và bình đẳng giới.
- 95% nam, nữ thanh niên, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ được cung cấp thông tin về lợi ích của việc tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn, hậu quả của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, lợi ích của tầm soát, chẩn đoán, điều trị sớm bệnh tật trước sinh, sơ sinh…
- 100% các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân tiếp tục thực hiện tuyên truyền về dân số, sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình thông qua việc lồng ghép các nội dung vào các môn học chính khóa và ngoài giờ lên lớp phù hợp với cấp học, trình độ đào tạo; 90% vị thành niên, thanh niên được cung cấp, cập nhật kiến thức về dân số, SKSS/KHHGĐ như các biện pháp tránh thai, tác hại của phá thai, mang thai ngoài ý muốn.
- 85% người cao tuổi hoặc người thân trực tiếp chăm sóc người cao tuổi được cung cấp kiến thức về các biện pháp chăm sóc sức khỏe phù hợp…/.
M. Thùy