Thứ Sáu, 4/10/2024
Tin hoạt động
Thứ Sáu, 17/9/2010 22:44'(GMT+7)

Mừng Giáo sư Vũ Khiêu 95 tuổi

Đồng chí Tô Huy Rứa tặng hoa chúc mừng GS Vũ Khiêu nhân dịp Lễ sinh nhật 95 tuổi

Đồng chí Tô Huy Rứa tặng hoa chúc mừng GS Vũ Khiêu nhân dịp Lễ sinh nhật 95 tuổi

Đến dự Lễ có đồng chí Đỗ Mười - nguyên Tổng Bí thư Trung ương Đảng, đồng chí Tô Huy Rứa, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, đồng chí Hoàng Tuấn Anh, Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, cùng các đồng chí lãnh đạo các bộ, ban, ban ngành, cơ quan Trung ương, các cơ quan thông tấn báo chí, gia đình và đặc biệt có lãnh đạo tỉnh Nam Định - Quê hương của Giáo sư Vũ Khiêu.

Trong bài phát biểu của mình, Giáo sư Hoàng Chương - Tổng giám đốc, đại diện cho Trung tâm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hoá dân tộc Việt Nam đánh giá cao Con người và sự nghiệp của Giáo sư với những cống hiến quan trọng trên nhiều lĩnh vực cho khoa học, đặc biệt nghiên cứu văn hoá. Với những đóng góp quan trọng ấy, Giáo sư Vũ Khiêu đã vinh dự được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh đợt đầu, được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới năm 2000.

Sinh ra và lớn lên trên quê hương có truyền thống hiếu học, giàu truyền thống cách mạng (làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, Nam Định), Giáo sư Vũ Khiêu đã tiếp nối truyền thống mảnh đất thành Nam, nêu tấm gương sáng lao động khoa học. Ông đã bền bỉ nghiên cứu văn hóa Đông Tây, từ cổ đại đến hiện đại. Sớm giác ngộ cách mạng (trước năm 1945), hoạt động trong điều kiện vô cùng khó khăn của chiến tranh, nhưng ông đã rèn rũa, khổ luyện tự học, tự nghiên cứu, để với vốn kiến thức được tích lũy được, ông trở thành một nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa lớn.

Đi theo cách mạng, ông đảm nhận nhiều công việc quan trọng và ở môi trường nào ý thức trách nhiệm, sự cầu thị, tự rèn rũa đã giúp ông hoàn thành nhiệm vụ được giao: tham gia phong trào quần chúng ở Tây Bắc, vùng tạm chiếm với cương vị quan trọng, như Giám đốc Sở Thông tin khu X, khu XIV, khu Tây Bắc, Việt Bắc. Ông là một học giả nghiên cứu về văn hóa Việt Nam, Viện trưởng đầu tiên của Viện Xã hội học, là người đặt nền móng cho sự phát triển của ngành xã hội học ở Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học xã hội (nay là Viện Khoa học Xã hội Việt Nam).

Ông là tác giả của gần 100 cuốn sách ở nhiều lĩnh vực: triết học, đạo đức học, văn học, nghệ thuật, văn hóa, xã hội, nghiên cứu và giới thiệu thơ văn... Các tác phẩm của ông về vấn đề văn hóa gồm: Đẹp (1963), Anh hùng và nghệ sĩ (1972), Cách mạng và nghệ thuật (1979), Bàn về văn hiến Việt Nam... Đặc biệt nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Văn hiến Thăng Long là một bộ sách khá đồ sộ 3 tập dày 2400 trang là những trang bút ký của ông về Thủ đô mà hàng ngày ông ghi chép lại âm thầm trong suốt 10 năm, bởi tình yêu của ông với Hà Nội. Như Giáo sư nói: "Đây là một đề tài tôi không đăng ký với bất cứ một cơ quan hay NXB nào. Cũng không do ai đặt hàng, đầu tư nghiên cứu. Đây chỉ là một đề tài mà trái tim tôi tự giao trách nhiệm cho tôi để phục vụ cho Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến". Có thể nói, đề tài Thăng Long - Hà Nội là mảng GS Vũ Khiêu dành nhiều tâm huyết và sức lực.

Giáo sư Vũ Khiêu, một người con ưu tú, một học giả, một Anh hùng lao động và càng quý trọng hơn, ông là người sống thanh bạch và liêm chính, không chạy theo những lợi ích vật chất tầm thường. Đối với Giáo sư, phẩm giá con người, tình nghĩa chung thuỷ là điều ông quan tâm nhất. Với ông, công việc là niềm vui, là rèn luyện cả trí tuệ và sức khỏe. Tại Đại hội thi đua của Thủ đô Hà Nội tháng 8/2010 vừa qua, GS. AHLĐ Vũ Khiêu vinh dự được thành phố trao tặng danh hiệu "Người công dân tiêu biểu của Thủ đô". Khi nhận danh hiệu cao quý này, GS Vũ Khiêu cho rằng "Tôi lại không thể nghỉ ngơi được nữa. Năm nay tôi đã 95 tuổi, nếu trời cho thọ tới 100 tuổi thì tôi vẫn còn 5 năm để sống và làm việc. Tôi dồn hết tâm huyết để tiếp tục phục vụ Tổ quốc, phục vụ Thủ đô". Câu nói giản dị ấy cũng tương tự như tâm sự của ông cách đây 10 năm (2000), khi được được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới "Vào tuổi 85 được nhận danh hiệu Anh hùng, tôi nghĩ rằng đã là anh hùng, thì sao có thể có ngày nghỉ. Tôi lại quyết tâm trở về với công việc và nguyện rằng từ đây cho đến lúc xuôi tay, tôi sẽ không có một ngày nào nghỉ".

Giáo sư Vũ Khiêu là một nhà khoa học, một tấm gương lao động sáng tạo, tiêu biểu về trí tuệ, đạo đức, phẩm chất thanh cao, lối sống giản dị và tấm lòng tình nghĩa. Ông đã cảm ơn tình cảm tốt đẹp trước sự quan tâm của lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Tại buổi lễ trang trọng và cảm động này, ông đã bộc bạch những tâm sự gan ruột của mình từ những ngày đầu giác ngộ cách mạng. Đồng thời, Giáo sư cũng bày tỏ lòng tin tưởng sâu sắc với Đảng và Nhà nước và một lòng tin theo Đảng. Ông tin tưởng nước ta sẽ tiếp tục vượt qua các trở lực, vững vàng vươn lên, hội nhập quốc tế vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh. Với ông, thời gian rất quý, nhưng đáng quý hơn là biết tận dụng thời gian để làm việc có ích cho Tổ quốc, cho nhân dân và cho con cháu mình. Giáo sư không cho cho phép bộ óc biếng lười. Làm việc, làm việc, sống khoẻ, sống có ích là phương châm sống của ông. Đảng, Chính phủ đánh giá cao sự đóng góp kiên trì không mệt mỏi cho các công trình nghiên cứu, nhất là những công trình nghiên cứu văn hóa. Những công trình đó đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và góp phần xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Lê Thị Bích Hồng

Vụ Văn hoá – Văn nghệ Ban Tuyên giáo Trung ương

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất