Thứ Ba, 26/11/2024
Đời sống
Thứ Năm, 20/9/2012 15:57'(GMT+7)

Mười nguyên tắc cần áp dụng khi xảy ra động đất

Học sinh Trường Dân tộc nội trú Bắc Trà My 2 (Quảng Nam) tập đối phó các tình huống khi xảy ra động đất ( Ảnh: ÐĂNG NAM )

Học sinh Trường Dân tộc nội trú Bắc Trà My 2 (Quảng Nam) tập đối phó các tình huống khi xảy ra động đất ( Ảnh: ÐĂNG NAM )

 

Hơn 70% số trận động đất mạnh nhất trên thế giới đều xảy ra dọc theo một đới xuyên lục địa được biết đến dưới tên gọi Vành đai lửa Thái Bình Dương, dài khoảng 40 nghìn km, chạy vòng quanh Thái Bình Dương. Việt Nam là một trong những quốc gia may mắn nằm ngoài vành đai lửa này, vì thế đến nay chúng ta chưa phải chịu những thiệt hại nặng nề do động đất gây ra như các nước: Nhật Bản, In-đô-nê-xi-a, Phi-li-pin... những quốc gia nằm ngay trên vành đai lửa Thái Bình Dương. Tuy nhiên, tránh được những trận động đất hủy diệt không có nghĩa là có thể tránh được hiểm họa động đất. Thực tế những thiệt hại do động đất trung bình và nhỏ gây ra không thua kém những thiệt hại do động đất mạnh gây ra, bởi một lý do đơn giản là các trận động đất trung bình xảy ra thường xuyên hơn nhiều so với các trận động đất mạnh. Nói cách khác là việc ứng phó với những trận động đất trung bình và nhỏ không thể bỏ qua trong chiến lược ứng phó thiên tai của mỗi quốc gia.

Nhiệm vụ quan trắc, nghiên cứu và thông báo động đất ở Việt Nam được Chính phủ giao cho Viện Vật lý Ðịa cầu thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Việc bảo đảm phát hiện đầy đủ những trận động đất nhỏ và trung bình trên toàn đất nước là một nhiệm vụ hết sức nặng nề đối với Viện Vật lý Ðịa cầu vì sự phân bố của các trạm địa chấn là quá mỏng, với 25 trạm địa chấn, rải khắp cả nước, không chỉ ghi nhận động đất trên lãnh thổ mà cả vùng biển và hải đảo của Việt Nam. Theo quy chế, những trận động đất có độ lớn bằng hoặc lớn hơn 3,5 độ rích-te phải được thông báo trên phạm vi toàn quốc. Chính vì vậy, mà trong khi mạng lưới trạm địa chấn quốc gia của ta có khả năng ghi nhận được những trận động đất rất mạnh và ở rất xa, với độ chính xác cao như các trận động đất Tô-hô-ku (Nhật Bản) ngày 11-3-2011, nhưng lại thường bỏ sót những trận động đất yếu và địa phương trên lãnh thổ Việt Nam, nhất là tại những khu vực có phân bố trạm thưa thớt như khu vực miền trung.

Hiện nay, toàn khu vực miền trung nước ta mới chỉ có bốn trạm địa chấn hoạt động là Vinh, Huế, Bình Ðịnh và Nha Trang. Các trạm này đều nằm rất xa khu vực Bắc Trà My. Những trận động đất mạnh nhất tại Bắc Trà My cũng chỉ ghi nhận được bởi hai trạm địa chấn Bình Ðịnh và Huế, nằm cách vị trí công trình thủy điện Sông Tranh 2 từ 120 đến 160 km. Việc xác định các trận động đất nhỏ tại Bắc Trà My cho đến nay vẫn phải dựa cả vào các nguồn số liệu quan trắc khác, chủ yếu là các số liệu ghi gia tốc nền do hai máy đo gia tốc đặt tại khu vực đập thủy điện Sông Tranh 2. Như vậy rõ ràng có những điểm yếu trong việc ghi nhận các trận động đất địa phương tại khu vực Bắc Trà My.

Viện Vật lý Ðịa cầu đã đề xuất, được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt việc triển khai trong thời gian tới đề tài nghiên cứu độc lập cấp Nhà nước mang tên "Nghiên cứu chi tiết hoạt động động đất khu vực Bắc Trà My tỉnh Quảng Nam phục vụ cho việc đánh giá độ an toàn đập thủy điện Sông Tranh 2". Mục tiêu chính của đề tài này là nghiên cứu lắp đặt hệ thống trạm quan sát động đất tại khu vực lân cận thủy điện Sông Tranh 2 để có thể quan sát, đánh giá tình hình hoạt động động đất khu vực, tìm hiểu mối quan hệ giữa hiện tượng động đất và hiện tượng nước chảy qua thân đập với khối lượng lớn, đồng thời có các giải pháp kỹ thuật và các khuyến cáo cần thiết cho địa phương. Về mặt khoa học, tập số liệu động đất địa phương quan trắc được sẽ là cơ sở duy nhất cho phép các nhà địa chấn làm sáng tỏ nhiều vấn đề hệ trọng đối với sự an toàn của người dân tại khu vực Bắc Trà My, trong đó có việc lý giải nguyên nhân xảy ra các trận động đất trong thời gian vừa qua và dự báo khả năng xuất hiện và độ lớn của các trận động đất trong tương lai tại Bắc Trà My, phục vụ cho công tác ứng phó động đất và bảo đảm an toàn địa chấn cho người dân địa phương về lâu dài.

Trong khi chờ kết quả nghiên cứu làm sáng tỏ các vấn đề về động đất ở Bắc Trà My thì người dân cần ghi nhớ mười nguyên tắc để áp dụng khi động đất xảy ra:

Nguyên tắc 1: Bảo vệ bản thân và gia đình mình! Những sự rung lắc mạnh đầu tiên của trận động đất chỉ diễn ra trong một vài phút. Hãy nấp dưới những cái bàn vững chắc như bàn ăn, bàn làm việc... để chống đỡ và bảo vệ đầu mình khỏi những đồ vật rơi xuống.

Nguyên tắc 2: Ngắt các nguồn ga, lò sưởi dầu... ngay khi bạn cảm thấy động đất, nếu lửa bùng ra, cần dập tắt nhanh chóng!. Hành động nhanh khi dập lửa sẽ ngăn ngừa những thảm họa lớn. Hãy tạo thành thói quen tắt nguồn ga, thậm chí cả trong những trận động đất nhỏ.

Nguyên tắc 3: Tránh việc vội vã đi ra khỏi nhà khi động đất đang xảy ra! Thật nguy hiểm để vội vã ra khỏi nhà. Kiểm tra cẩn thận tình hình xảy ra chung quanh mình và cố gắng hành động một cách bình tĩnh.

Nguyên tắc 4: Mở cửa để bảo đảm lối thoát! Nhất là trong những căn hộ bê-tông cốt sắt, cửa có thể bị biến dạng do động đất mạnh và không thể mở ra, bạn có thể bị nhốt ở trong phòng. Ðể tránh tình trạng nêu trên, phải mở cửa ngay lập tức để đảm bảo đường thoát ra ngoài.

Nguyên tắc 5: Khi ở ngoài trời, bảo vệ đầu và tránh xa khỏi những vật gây nguy hiểm. Nếu bạn gặp phải động đất khi đang ở ngoài trời, bạn nên bảo vệ mình khỏi những khối tường bê-tông đổ xuống và các đồ vật rơi xuống như các bộ phận của cửa sổ, các biển tên cửa hàng, biển quảng cáo. Trú ẩn tại tòa nhà an toàn hoặc nơi có không gian ngoài trời rộng.

Nguyên tắc 6: Nếu bạn ở cửa hàng lớn, siêu thị, rạp hát hoặc các địa điểm tương tự, theo sự chỉ dẫn của nhân viên. Ở những nơi đông người, một vài người có thể hoảng sợ, cần tránh để bị hốt hoảng theo và cần bình tĩnh.

Nguyên tắc 7: Ðỗ xe vào sát lề đường, việc lái xe có thể bị cấm tại một số khu vực. Lái xe vì những việc cá nhân, ích kỷ làm cho sự hỗn loạn trở nên tồi tệ hơn. Lắng nghe đài để có hành động phù hợp.

Nguyên tắc 8: Cẩn thận đá rơi, lở đất và sóng thần. Tại những nơi có hiểm họa đá rơi, lở đất và sóng thần, tìm nơi trú ẩn ở vị trí an toàn ngay.

Nguyên tắc 9: Di chuyển đến nơi trú ẩn bằng cách đi bộ hơn là đi xe ô-tô, và chỉ mang theo những vật cần thiết. Lái xe ô-tô có thể gây ra tắc đường và gây trở ngại cho xe cứu hỏa và các hoạt động cứu hộ. Vì vậy di chuyển đến nơi trú ẩn bằng cách đi bộ thay vì đi ô-tô.

Nguyên tắc 10: Tránh việc hiểu nhầm vấn đề vì tin đồn sai, cố gắng thu thập và hành động theo những thông tin đúng. Trong thảm họa, con người thường có khuynh hướng lan truyền các tin đồn thất thiệt và những thông tin không chính xác. Cố gắng có được thông tin chính xác qua các phương tiện thông tin đại chúng, chính quyền sở tại, trạm cứu hỏa và công an.

PGS, TS NGUYỄN HỒNG PHƯƠNG
(Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần, Viện Vật lý Ðịa cầu)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất