Sau bao thăng trầm, nét đẹp văn hóa mua, treo tranh Tết mỗi độ Xuân về đang dần trở lại, từng bước hình thành trào lưu sáng tác tranh Tết, kích thích các họa sĩ sáng tạo nhiều tác phẩm mới.
Đa dạng phong cách sáng tác
Tuy mới gặp một “cái hạn nhỏ” khi đi xe máy trước Tết, xong Họa sĩ Thành Chương vẫn hào hứng tham gia Triển lãm tranh Tết Kỷ Hợi 2019. Hai tác phẩm "Lợn Mán" và "Tự họa năm Hợi" thể hiện ngôn ngữ hội họa rất đặc trưng của người họa sĩ nổi danh này. Đó là những mảng màu nguyên, tươi rói, tương phản mạnh, đậm chất dân gian nhưng cũng rất hiện đại trên nền chất liệu độc đáo là mâm đồng.
Lấy cảm hứng từ tranh dân gian Đông Hồ, hai bức tranh "Sung mãn" và "Sung túc" của Họa sĩ Lê Trí Dũng lại thể hiện ước mong một năm Hợi no đủ, sum vầy, sinh sôi nảy nở. Tranh của Họa sĩ Lê Trí Dũng luôn cho người xem thấy ông dồi dào ý tưởng vẽ tranh về đề tài con giáp.
Thành Chương và Lê Trí Dũng là hai trong số 33 họa sĩ tham dự Triển lãm tranh Tết Kỷ Hợi 2019. Mùa Xuân mới này, Triển lãm giới thiệu tới người chơi tranh Tết 60 bức tranh với nhiều phong cách khác nhau.
Nói về tranh Tết của một số họa sĩ, Nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng cho rằng: Tranh của Trần Nhật Thăng gợi ra suy nghĩ cho người xem, trông có vẻ đơn giản nhưng lại đáng xem nhất. Họa sĩ Bình Chương đã thay đổi nhiều trong sáng tác, có sự kết hợp phong cách tả thực và truyền thống khi thể hiện đề tài mới. Tranh của Họa sĩ An Hải biến hóa nửa trừu tượng nửa hiện thực với kỹ năng vẽ sơn dầu hấp dẫn. Mỗi họa sĩ đều bám vào phong cách sở trường, đem đến cho người xem một dòng tranh đẹp. Tết này, công chúng yêu mỹ thuật có thể bắt gặp nhiều bút pháp thể hiện tranh Tết như: Tả thực, ấn tượng, biểu hiện và cả nghệ thuật Pop Art.
Trong vai người yêu tranh, thưởng ngoạn tranh Tết, Nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Ngọc Bảo cho hay: Trong mỹ thuật đương đại, trước đây, vẽ tranh con giáp thường mang tính chất cả nhân của từng họa sĩ. Ngày nay, ở Việt Nam điều đáng nói là đã bắt đầu có những triển lãm tập thể. Người xem rất thích điều đó bởi họ được chiêm ngưỡng rất nhiều tranh đẹp. Có tranh vẽ lợn như nguyên bản ngoài cuộc sống nhưng cũng có những bức vẽ trừu tượng, cho phép người xem được thỏa sức suy nghĩ, cộng hưởng, tương tác với tranh, với tác giả.
Họa sĩ, Nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng ghi nhận: Năm nay, nhiều họa sĩ vẽ tranh con giáp có sáng tạo mới, bám vào phong cách sở trường, tranh có chất lượng nghệ thuật cao. Tuy nhiên, một số người còn hướng theo xu thế thị trường. Bởi vậy, các họa sĩ cần điều chỉnh giữa chất lượng nghệ thuật với định hướng thẩm mỹ của người xem.
Tôn vinh Tết cổ truyền dân tộc
Ngày nay, tranh con giáp không còn là tranh dân gian, không còn là những nuối tiếc của quá khứ mà đã trở thành mảng tranh nghệ thuật mỗi độ Xuân về. Đặc biệt, có thể coi tranh con giáp là tiếng nói của giới hội họa tôn vinh ngày Tết cổ truyền của dân tộc.
Qua những bức tranh, các họa sĩ cũng gửi vào đó tâm tư, tình cảm và cả trăn trở của mình. Không ít người cầm cọ vẽ cho rằng, bây giờ mỗi người Việt Nam nên giữ lại những giá trị tinh thần cốt lõi trong thói quen mua sắm Tết, để làm sống lại những giá trị văn hóa, trong đó có các tác phẩm hội họa.
Đó dường như cũng chính là suy nghĩ của Họa sĩ Thành Chương qua những tác phẩm tranh Tết của mình. Ông hào hứng nói về bức tranh “Lợn Mán” rằng, tạo hình của con lợn trong tranh này giống như mái nhà sàn của đồng bào dân tộc, miếng tam giác ở trên mình con lợi gợi lên tinh thần dân tộc, hình vuông cắt góc cạnh gợi nhớ đến bánh chưng, loại bánh thường dùng trong dịp Tết của người Việt. Bản thân con lợn đó như một phong thư gửi gắm nhiều ý tứ cho một năm mới đang tới. “Trong tranh của tôi, lợn được cách điệu, không còn chỉ là con vật thuần túy nữa mà mang tinh thần của con người với những trăn trở, suy tư nhưng vẫn mỉm cười hy vọng về tương lai tốt đẹp cho một năm mới no đủ”- Họa sĩ Thành Chương chia sẻ.
Là người chuyên sáng tác về đề tài Hà Nội, cũng như nhiều họa sĩ khác, Phạm Bình Chương rất thích Tết cổ truyền của dân tộc. Theo anh, Tết đến mọi thứ ở Hà Nội như lắng đọng, nên thơ hơn. Những ngày Tết là những ngày anh cảm thấy thú vị nhất, anh có cơ hội tìm hiểu hết các góc phố, các kiến trúc cổ, đặc biệt là cây cối trong tiết trời Xuân. Dịp Tết, anh thường vẽ rất nhiều tranh, đa phần là tranh phong cảnh.
Họa sĩ Phạm Bình Chương luôn coi ngày mùng 1 Tết là ngày khai Xuân, ngày quan trọng nhất trong năm. Năm nay, anh hy vọng có thể thể hiện được hết cảm xúc khi vẽ về các góc phố Hà Nội. Riêng về tranh con giáp, theo anh, đây là đề tài đặc biệt, cần sự đầu tư hơn nên anh đã vẽ sớm, tác phẩm mang tên “Ngày Tết”. Trong bức tranh này, anh không muốn vẽ lợn theo lối hiện thực nhưng vẫn muốn giữ nguyên phong cách của mình nên đưa hình tượng con lợn trong tranh dân gian (cụ thể là tranh Đông Hồ) vào không khí Tết của ngôi nhà Pháp cổ.
Thành lập được 3 năm, nhóm Viet Art Now đã tổ chức nhiều hoạt động mỹ thuật, thu hút đông đảo các họa sĩ đương đại tham gia, hưởng ứng. Triển lãm tranh Tết năm 2019 thu hút với sự góp mặt của 33 họa sĩ và hơn 60 bức tranh, tăng gấp đôi số tranh tham dự triển lãm lần đầu tiên vào năm 2018. Theo Họa sĩ Phan An Hải, một trong những sáng lập viên của nhóm Viet Art Now, hoạt động nghệ thuật này là tiếng nói của thành viên trong nhóm góp phần tôn vinh Tết cổ truyền của dân tộc.
Cũng giống như Triển lãm tranh Tết Kỷ Hợi 2019 của nhóm Viet Art Now, nhóm họa sĩ G39 đã tổ chức Triển lãm “Hợi Dome” để cùng đón chào năm mới Kỷ Hợi 2019.
Năm nay bước sang năm thứ 6, triển lãm các tác phẩm nghệ thuật lấy cảm hứng từ hình tượng con giáp và chào đón năm mới được nhóm họa sĩ G39 tổ chức với gần 70 tác phẩm tranh, gốm tham dự. Tại triển lãm, hình ảnh Hợi - con giáp thứ 12 được thể hiện với nhiều nét cách điệu, biến hóa sinh động, đầy màu sắc.
Họa sĩ Lê Thiết Cương, Giám tuyển của Triển lãm cho biết, Triển lãm tranh vẽ con giáp được tổ vào dịp chào đón Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc hàng năm là hoạt động tôn vinh nét văn hóa đặc sắc của dân tộc, đồng thời góp phần đưa nghệ thuật đến gần hơn với công chúng.
Đến với các triển lãm tranh Tết, công chúng yêu mỹ thuật đều nhận ra rằng các họa sĩ dùng nhiều gam màu ấm nóng, rực rỡ để thể hiện tác phẩm của mình. Điều đó tương đồng với tính phồn vinh, nảy nở, sinh sôi, sung túc, no đủ mà con vật biểu tượng mang lại - con giáp Hợi. Tuy đứng ở vị trí cuối cùng trong 12 con giáp nhưng Hợi rất quan trọng vì nó là con giáp hoàn tất chu kỳ “vòng tuần hoàn thập nhị địa chi” để chuẩn bị khởi đầu một chu kỳ mới với nhiều hy vọng mới./.
Theo TTXVN