Thứ Bảy, 23/11/2024
Văn hóa
Thứ Sáu, 1/2/2019 9:18'(GMT+7)

Xã hội hóa văn học nghệ thuật - Nhận thức đúng để nâng tầm văn hóa

“GẶT HÁI” TỪ XÃ HỘI HÓA

Chủ trương xã hội hóa gắn liền với quá trình đổi mới toàn diện đất nước, bao trùm nhiều lĩnh vực của đời sống văn hóa - xã hội, trong đó có VHNT. Chủ trương xuất phát từ những đòi hỏi khách quan của cuộc sống, nhằm kích thích tinh thần tự chủ, tiềm năng sáng tạo, huy động các nguồn lực của toàn xã hội vào việc tạo ra các giá trị văn hóa, đáp ứng cao hơn nữa nhu cầu tinh thần của nhân dân và yêu cầu phát triển đất nước. So với các giai đoạn trước đây, có thể xem hơn hai thập niên vừa qua là thời kỳ phát triển mới của văn hóa - nghệ thuật với rất nhiều mô hình, phương thức hoạt động đa dạng, chất lượng nghệ thuật không ngừng được nâng cao, góp phần quan trọng vào việc khôi phục, bảo tồn, phát triển nhiều giá trị VHNT truyền thống kết hợp với việc khai thác, tiếp thu, sáng tạo VHNT hiện đại, mở ra cơ hội mới trong giao lưu, hội nhập quốc tế. 

Có thể nói chưa bao giờ ở nước ta các hoạt động VHNT ngoài công lập lại có sự phát triển mạnh mẽ như những năm qua, nhiều mô hình, loại hình chưa từng tồn tại trong lịch sử nay liên tục được ra đời. Nổi lên là góp mặt của hàng trăm hãng phim và cơ sở sản xuất phim, hàng chục bảo tàng, thư viện, phòng đọc... tư nhân. Nhờ thu hút được sự đầu tư mạnh mẽ của các nguồn lực, nên hoạt động trong lĩnh vực biểu diễn trở nên sôi động, đa dạng, thu hút được sự quan tâm của xã hội hơn; các văn nghệ sĩ được tham gia ngày càng sâu vào quá trình sáng tạo, phổ biến, quảng bá các công trình, tác phẩm VHNT... 

“Xã hội hóa hoạt động văn hóa hướng vào thu hút toàn xã hội, các thành phần kinh tế tham gia các hoạt động sáng tạo, cung cấp và phổ biến văn hóa, tạo điều kiện cho các hoạt động văn hóa phát triển mạnh mẽ, rộng khắp, nâng cao dần mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân, trên cở sở tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và công tác quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực văn hóa…” (Nghị quyết 90-CP của Chính phủ)

Nhờ xã hội hóa mà gánh nặng tài chính của Nhà nước từng bước được san sẻ, tiềm lực, nguồn lực xã hội được phát huy, đáp ứng có hiệu quả cho quá trình phát triển. Xã hội hóa góp phần xây dựng cộng đồng trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân theo hướng đa dạng hóa chủ thể hoạt động tổ chức và quản lý văn hóa, văn nghệ. Đồng thời là động lực trực tiếp thúc đẩy sự tham gia của đông đảo người hoạt động VHNT quần chúng, đặc biệt ở khâu sáng tạo, chủ động tổ chức các hoạt động để nâng cao mức hưởng thụ VHNT do chính mình làm ra. Các di sản VHNT được thế giới công nhận những năm qua (Quan họ, Nhã nhạc cung đình, Bài chòi, Đờn ca tài tử, Hát xoan, Ví dặm, Cồng chiêng Tây Nguyên…) là kết quả không chỉ do sự quan tâm của Nhà nước, mà trước hết là ở quần chúng đã tự nguyện, tâm huyết tham gia bảo vệ, lưu giữ và phát triển các di sản do chính mình sáng tạo nên.

Cảnh trong phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh"  - đạo diễn Victor Vũ

Phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" là một trong những phịm tư nhân sản xuất được đánh giá cao tại một số liên hoan phim quốc tế 


Kết quả xã hội hóa VHNT không chỉ mở ra những phương thức mới trong hoạt động, mà từ đó, nó đã tác động đến quản lý nhà nước, đòi hỏi sự nâng cao trình độ, năng lực quản lý và tìm tòi phương thức quản lý mới, đáp ứng đòi hỏi của quá trình xã hội hóa. Một loạt cơ chế, chính sách mới được ban hành, trong đó có sự ra đời và bổ sung của các bộ luật, pháp lệnh, quy định, quy chế về văn hóa, văn nghệ, bước đầu đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong điều kiện mới, tạo sự thông thoáng, cởi mở hơn. Xã hội hóa đã từng bước hình thành và phát triển thị trường VHNT. Cùng với sự đa dạng hóa chủ thể quản lý và các hình thức xuất bản, việc liên kết giữa các nhà xuất bản với các công ty sách đã từng bước hình thành thị trường xuất bản sôi động, linh hoạt, phong phú; không chỉ kích thích nguồn “cung” từ lợi nhuận kinh doanh, mà còn tạo ra cú hích cho sự tìm tòi, sáng tạo trong quá trình khai thác, quảng bá, đưa ra thị trường những tác phẩm có chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của công chúng.

KHƠI THÔNG “ĐIỂM NGHẼN” TRONG NHẬN THỨC

Bên cạnh những kết quả quan trọng đạt được sau một chặng đường hơn hai thập niên thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động VHNT, cho đến nay lộ trình này vẫn bộc lộ nhiều lúng túng, bất cập, thiếu thống nhất. Nói như nhà văn Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các hội văn học, nghệ thuật Việt Nam thì xã hội hóa được nhiều nhưng mất cũng không ít, thậm chí được và mất là 50 - 50. 

Tuy chưa có một tổng kết chính thức, nhưng trên cơ sở nhận định của nhiều nhà quản lý, chuyên gia trong lĩnh vực này, thì những hạn chế, vướng mắc bộc lộ rất rõ ở một số khía cạnh như: cách làm, phương thức hoạt động còn mang tính tùy tiện; hệ thống thiết chế quản lý thiếu đồng bộ, chưa cụ thể và chưa phù hợp; tiêu chí đánh giá, thẩm định nghệ thuật chưa có, chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn; vai trò của Nhà nước và tư nhân chưa được xác định rõ ràng; thiếu sự định hướng của Nhà nước… Hệ quả của những bất cập, hạn chế trên là quá trình xã hội hóa chưa xác định được mô hình hợp lý để nhân rộng, phát triển. Không ít trường hợp bị đồng nhất với tư nhân hóa đơn thuần. Nhiều đơn vị xã hội hoạt động được một thời gian rồi rơi vào bế tắc. Các hiện tượng tiêu cực như thương mại hóa, nghiệp dư hóa… xuất hiện. Các giá trị nghệ thuật truyền thống như Tuồng, Chèo, Cải lương và nhạc cổ truyền không có cơ hội để được đầu tư, dẫn đến nguy cơ mai một. Tình trạng thiếu vắng các tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao vẫn đang hiện hữu… 

Đáng chú ý là, kể từ khi “bắt đầu” cho đến nay vẫn còn không ít quan điểm thể hiện nhận thức không đúng với chủ trương xã hội hóa của Đảng và Nhà nước. Đây có thể coi là những “điểm nghẽn” mà nếu không thông, sẽ không thể nào phát huy hết được tiềm năng từ xã hội hóa. 

PGS. TS. Phan Trọng Thưởng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương nhận định: “Cũng như bất kỳ chủ trương, chính sách nào, khi mới ban hành cũng gây sự bỡ ngỡ và gặp không ít khó khăn trong quá trình đi vào cuộc sống, nhất là trong hoàn cảnh đất nước vừa bước ra khỏi thời kỳ bao cấp, tâm trạng còn phân vân, nhận thức về xã hội hóa còn chưa thông suốt”.

Ngoài ra, nhận thức phiến diện, thiên lệch về xã hội hóa còn cho rằng mục đích xã hội hóa chỉ là để giải bài toán về ngân sách, bằng các hình thức góp vốn, huy động nguồn lực xã hội, kêu gọi đầu tư, kêu gọi tài trợ… Từ đó, không quan tâm hoặc xem nhẹ việc tạo điều kiện cho các thành phần tham gia quản lý, sáng tạo, quảng bá, hưởng thụ, thẩm định, lưu giữ… các tác phẩm VHNT, các giá trị văn hóa…

Cho đến nay, trong một bộ phận quản lý các cấp cũng như văn nghệ sỹ và công chúng vẫn chưa hiểu đầy đủ và chính xác về khái niệm xã hội hóa hoạt động VHNT. Một là, nhầm lẫn giữa xã hội hóa với tư nhân, bởi trên thực tế nhiều hoạt động VHNT, rõ nhất là trong các hoạt động tổ chức biểu diễn nghệ thuật và quảng bá tác phẩm, nhiều đơn vị tư nhân làm tốt hơn đơn vị Nhà nước. Từ đó nảy sinh một luồng quan điểm là các hoạt động VHNT cứ để cho tư nhân làm. Hai là, đồng nhất xã hội hóa với cổ phần hóa, trong đó Nhà nước chiếm số phần trăm vốn chi phối. Theo đó, xã hội hóa hoạt động VHNT đơn giản là tư nhân góp vốn chia sẻ trách nhiệm, lợi ích, rủi ro… với Nhà nước. 

Có nhận thức lại tuyệt đối hóa khía cạnh “hàng hóa” của sản phẩm VHNT. Nếu xem sản phẩm VHNT sản xuất để bán, kiếm lợi nhuận thuần túy, thì sẽ dẫn đến quan điểm thả nổi tác phẩm VHNT cho thị trường điều chỉnh. Trong thực tiễn, tình trạng này đã xảy ra và gây những tác hại không nhỏ cho sự phát triển VHNT. Trong cơ chế thị trường, VHNT tất phải trở thành một loại hàng hóa đặc biệt, nhưng sẽ thật sai lầm khi quy mọi sản phẩm VHNT vào quá trình thương mại hóa.

Xã hội hóa không nên hiểu chỉ là huy động sự đóng góp về kinh phí. Phải nhận thức đúng và rõ trách nhiệm xây dựng một nền thị trường VHNT lành mạnh, đậm đà bản sắc dân tộc để góp phần quan trọng tạo động lực phát triển kinh tế đất nước. Muốn vậy, xã hội hóa thị trường VHNT phải không ngừng đánh thức, phát huy mọi tiềm lực xã hội, biến các hoạt động VHNT trở thành của toàn xã hội, được xã hội quan tâm và nuôi dưỡng. Tuy nhiên, tuyệt đối không coi xã hội hóa hoạt động VHNT chỉ đơn thuần là huy động, khai thác tiền của, vật chất, như một số nơi đã rơi vào tình trạng, thói quen và nếp nghĩ hạn hẹp này.

Xã hội hóa một quá trình lâu dài, là đòi hỏi tự thân trong xu thế tất yếu của quá trình phát triển. Vì thế, không nên nhận thức và coi xã hội hóa như một phong trào, một đợt vận động, mà phải tạo cho được những cơ chế chính sách mang tính quy phạm pháp luật, tính khoa học và sự phù hợp với thực tiễn để thực hiện xã hội hóa.

Cảnh trong phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh"  - đạo diễn Victor Vũ

Cảnh trong vở cải lương Rạng ngọc Côn Sơn


 

Xã hội hóa cũng không được hiểu là nhà nước “khoán trắng” việc cho xã hội. Nhà nước vẫn phải giữ vai trò chủ đạo định hướng cho các hoạt động văn nghệ, tài trợ, “đặt hàng” có trọng điểm, đúng lúc, đúng chỗ, góp phần tạo sự cân bằng và thúc đẩy quá trình xã hội hóa hoạt động VHNT phát triển nhanh hơn, mạnh hơn, hiệu quả hơn. Nhận thức đúng về xã hội hóa các hoạt động VHNT không chỉ là “căn cốt” để có phương pháp đúng trong quá trình triển khai thực hiện, mà còn là giải pháp “gốc” để khắc phục những hạn chế, bất cập; đào thải tư duy bảo thủ, áp đặt, quy chụp; cải biến thói quen cổ hủ, lạc hậu. Tất nhiên, nhận thức phải là một quá trình liên tục, trên cơ sở quy luật khách quan để bổ sung, hoàn thiện trong mỗi giai đoạn, bởi, có những giải pháp ngày hôm qua là phù hợp, nhưng hôm nay có thể đã lỗi thời./.

 

Hoàng Minh Thế

____________________________

Bài đăng Tạp chí Tuyên giáo số 2/2019

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất