Cùng với nhiều chuyên gia khác, ông Nguyễn Hồng Thanh là con người của bóng đá bao cấp. Nhà quản lý bóng đá này cho rằng, muốn có một nền bóng đá ổn định, phát triển thì những người làm bóng đá phải thay đổi tư duy. Xung quanh chủ đề doanh nghiệp hóa các CLB và xác lập lộ trình chuyên nghiệp hóa cho nền bóng đá, ông Thanh đã có một cuộc trao đổi với Bóng đá!
PV: Là một người xuất thân từ bóng đá bao cấp, lý do nào khiến ông thấy cần xây dựng hệ thống các CLB chuyên nghiệp?
Ông Nguyễn Hồng Thanh: Đúng là tôi trưởng thành từ nền bóng đá bao cấp. Nhưng cũng như bóng đá, mỗi nhà quản lý phải xác định tư tưởng đổi mới để tồn tại. Ở đây, có tác động qua lại giữa bóng đá và những người hoạt động trong lĩnh vực này. Con tàu bóng đá không bao giờ dừng lại. Nó luôn hướng đến những sân ga mới. Chính xu hướng đó đòi hỏi những nhà quản lý phải thay đổi, tìm sự thích ứng để không trở thành vật cản đường. Tuy nhiên, có một thực tế phải nhấn mạnh rằng, đường ray cho con tầu bóng đá đi phải do chúng tôi xây dựng, con tầu đó phải do chúng tôi lái. Vậy nên, sự phát triển của một nền bóng đá phụ thuộc vào tư duy và khát vọng của những người làm bóng đá. Bóng đá và các nhà quản lý bóng đá không thể hài lòng với hiện tại. Và nếu không thích ứng được với những vận động không ngừng của thời cuộc là tự đào thải mình ra khỏi sân chơi. BĐVN không thể tách mình ra khỏi lộ trình do AFC đã xác lập. Chúng ta phải thay đổi, bởi đó là cơ hội để phát triển.
Có ý kiến cho rằng, doanh nghiệp hóa các đội bóng, đáp ứng những tiêu chí khắt khe của AFC chỉ mang đến ích lợi cho những CLB lớn. Ông nghĩ sao về điều này?
Tôi không nghĩ như vậy. Chúng ta phải nghĩ đến tác động của một quyết sách trên phương diện rộng. Thoạt nhìn, nhiều người sẽ nghĩ đang có một sự hy sinh cho quyền lợi của những đội bóng lớn khi đáp ứng các tiêu chí của AFC. Nhưng nếu phân tích kỹ, hoàn thành mục tiêu doanh nghiệp hóa, cả nền bóng đá sẽ được hưởng lợi. Một trong những hạn chế của BĐVN là sự phát triển thiếu tính định hướng và bền vững. Một doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị khi hứng lên có thể xây dựng đội bóng. Nhưng khi lãnh đạo không còn đam mê, đội bóng đó bị giải tán. Sân chơi bị xáo trộn, cầu thủ, HLV bị ảnh hưởng. Chúng ta đã chứng kiến nhiều đội bóng bị “khai tử” vì lãnh đạo không còn hứng thú. Đó là nỗi đau lớn, bởi không dễ để xây dựng một đội bóng. Quan trọng hơn, với tư duy làm bóng đá manh mún, “ăn xổi ở thì” như vậy thì rất khó để có một CLB phát triển bài bản. Thế nên, khi hoàn thành được mục tiêu doanh nghiệp hóa bóng đá, các CLB tự chủ về tài chính thì chúng ta sẽ có một nền bóng đá phát triển bền vững. Khi ấy, vận mệnh của một đội bóng không phụ thuộc vào ý thích của một vài cá nhân. Không thể để một CLB trở thành thú tiêu khiển của những người có tiền. Sự tồn tại của một đội bóng mang đến ích lợi cho xã hội và doanh nghiệp.
SLNA (phải) sẽ nhanh chóng thành lập công ty cổ phần
Nhưng có một thực tế là chúng ta đang cần đẩy mạnh chính sách xã hội hóa bóng đá. Đặt ra những tiêu chuẩn khắt khe trong việc thành lập một đội bóng có thể làm ảnh hưởng đến “sự phong phú” của đời sống bóng đá không, thưa ông?
Cần phải đặt ra những tiêu chuẩn rõ ràng về một đội bóng chuyên nghiệp. Có như vậy, chúng ta mới phân loại được những doanh nghiệp thực sự đam mê và đủ tiềm lực làm bóng đá. Cần phải xác định tư tưởng cho những người muốn đầu tư vào bóng đá. Nếu họ hội đủ những tiêu chuẩn cần thiết, chúng ta không phải lo về tương lai của đội bóng. Và ngay cả khi lãnh đạo không còn đam mê thì đội bóng vẫn có lý do và đủ sức để tồn tại, bởi thực tế nó là một thực thể độc lập. Đội bóng đủ năng lực tìm kiếm nguồn tài chính để duy trì hoạt động của mình. Chúng ta không nên chạy theo số lượng mà quên đi tính bền vững của một nền bóng đá.
Xin cảm ơn ông!
Ý kiến người trong cuộc
Ông Vương Văn Việt (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa): “Tôi nghĩ, dù đội Thanh Hóa còn mang nặng tính bao cấp, song cũng không quá khó khăn để hòa nhập vào guồng quay chung của việc chuyên nghiệp hóa. Vấn đề cốt lõi là tài chính, và nếu tìm được nguồn tài trợ để đáp ứng được những nhu cầu của việc chuyên nghiệp hóa thì Thanh Hóa cũng không quá lo. Chúng tôi có cơ sở vật chất, có nguồn nhân lực, có bộ máy quản lý, và có đủ những điều kiện Cần để trở thành một CLB chuyên nghiệp như yêu cầu khắt khe của AFC”.
Ông Đỗ Thanh Xuân (Phó GĐ Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch Nam Định): “Để tồn tại và phát triển bền vững, Nam Định không thể duy trì mô hình bóng đá hiện tại. Kinh nghiệm từ quá khứ cho thấy, bóng đá Thành Nam cần phải tạo ra một bước chuyển đổi. Và để làm được điều này, trước mắt Nam Định phải chuyên nghiệp hóa. Tôi nghĩ Nam Định sẽ không khó để hòa nhập với xu hướng chung của bóng đá thế giới”.
Thượng tá Nguyễn Hồng Lĩnh (Trưởng đoàn bóng đá QK4): “Để nền bóng đá quốc nội phát triển theo lộ trình chung và không bị tụt hậu so với thế giới, chúng ta cần đẩy mạnh chính sách xã hội hóa bóng đá, đồng thời phải chấp hành đúng những tiêu chí mà AFC, VFF quy định. Để làm được điều này, trước mắt mỗi CLB trong nước cần phải tiến lên chuyên nghiệp. Chuyện này không hề đơn giản, nhất là với QK4. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ làm từng bước, và có thể, tiến trình thực hiện những quy định của AFC, VFF tại QK4 sẽ chậm hơn so với nhiều CLB khác. Song phải khẳng định chắc chắn, những điều kiện Cần để trở thành một CLB chuyên nghiệp sẽ được QK4 thực hiện”.
Bạn có biết?
Tiêu chuẩn tham dự V.League
CLB phải là chủ thể kinh doanh bóng đá có tư cách pháp nhân (doanh nghiệp).
Phải có thành tích thi đấu và được công nhận đạt thứ hạng tương đương với các CLB cùng tham dự giải đấu.
Phải có quyền quản lý hoặc quyền sử dụng sân thi đấu đủ tiêu chuẩn, đáp ứng quy định của Quy chế bóng đá chuyên nghiệp.
Phải có cơ cấu tổ chức nhân sự quản lý và điều hành chuyên nghiệp.
Phải có ít nhất 16 cầu thủ có hợp đồng bóng đá chuyên nghiệp khi tham dự V.League.
Phải đủ điều kiện về tài chính: đóng lệ phí thành viên, lệ phí dự giải, chi phí hoạt động của bộ máy điều hành, đảm bảo thu nhập tối thiểu cho HLV, cầu thủ.
Có các đội bóng trẻ tham dự giải U21, U19 (bắt buộc), U17, U15 hàng năm.
Có cơ sở vật chất, trang thiết bị tối thiểu của một CLB bóng đá chuyên nghiệp.
Nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của LĐBĐVN và của các tổ chức quốc tế, luật bóng đá.
Cam kết đảm bảo an ninh - an toàn trong công tác tổ chức trận đấu.
Cam kết tôn trọng và tuân thủ tiêu chí “Hành vi thể thao cao thượng của FIFA”./.
Theo Báo Bóng Đá