Một trong những chủ đề được nước chủ nhà Đức đưa ra trong chương trình
nghị sự là “sự yếu thế của phương Tây”. Không phải ngẫu nhiên chủ đề này
được lựa chọn khi mà hố sâu ngăn cách giữa các cường quốc do cạnh tranh
“quyền lực nước lớn” chưa có dấu hiệu ngừng lại. Ngay trong thông điệp
mở màn hội nghị, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier nhấn mạnh, thế
giới mỗi năm lại càng rời xa mục tiêu tạo ra một thế giới hòa bình hơn
thông qua hợp tác quốc tế. Thậm chí, nhà lãnh đạo Đức còn cáo buộc một
số nước gây mất an ninh, tạo ra sự ngờ vực trên toàn cầu bằng cuộc cạnh
tranh quyền lực giữa các nước lớn. Tổng thống Steinmeier khẳng định,
cách tiếp cận của những nước này đối với các vấn đề toàn cầu đã tạo ra
“nhiều nỗi thất vọng” lớn, bởi mỗi cường quốc chỉ chú trọng đến quyền
lợi của riêng mình, chứ không vì cái chung.
Với sự tham dự của 40 nguyên thủ quốc gia, 100 bộ trưởng cùng các nhà
hoạch định chính sách hàng đầu thế giới, Hội nghị an ninh Munich 2020 là
dịp để các quốc gia ngồi lại đối thoại và tăng cường sự hiểu biết, tin
cậy lẫn nhau, tìm ra các biện pháp giảm đối đầu và căng thẳng. Tuy
nhiên, trong ngày làm việc thứ hai, hội nghị đã chứng kiến màn đấu khẩu
gay gắt giữa Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị với Bộ trưởng Quốc phòng
Mỹ Mark Esper. Ngay khi đăng đàn, Bộ trưởng Mark Esper đã lớn tiếng chỉ
trích Trung Quốc tìm cách sử dụng các công nghệ mới nổi để thay đổi cục
diện quyền lực và định hình lại thế giới theo hướng có lợi cho nước
này. Dẫn chứng Huawei là mối đe dọa đối với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây
Dương (NATO), ông Mark Esper hối thúc các đồng minh châu Âu gạt gã
khổng lồ công nghệ Trung Quốc ra khỏi mạng viễn thông 5G mới của các
nước này. Ngay lập tức, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng bác bỏ
chỉ trích của Mỹ, cho rằng những cáo buộc này là “dối trá”.
Màn “khẩu chiến” giữa hai vị quan chức đại diện của Mỹ và Trung Quốc
diễn ra vào thời điểm cuộc thương chiến giữa hai nền kinh tế lớn nhất
thế giới này vừa hạ nhiệt song lại xuất hiện thêm những chỉ trích nhằm
vào nhau liên quan tới dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc và lan
rộng ra thế giới hiện nay.
Hội nghị dành thời gian thảo luận về sự chia rẽ ngày càng sâu sắc trong
liên minh xuyên Đại Tây Dương, vai trò và vị trí của phương Tây trở
thành đề tài tranh cãi gay gắt. Trong khi Tổng thư ký NATO Jens
Stoltenberg tiếp tục bảo vệ cho mối quan hệ Mỹ-châu Âu với khẳng định:
“Bất kỳ nỗ lực nào để đẩy châu Âu khỏi Bắc Mỹ không chỉ làm suy yếu quan
hệ xuyên Đại Tây Dương mà còn có nguy cơ chia rẽ châu Âu” thì trên thực
tế, Mỹ và EU vẫn còn chia rẽ trong nhiều vấn đề quốc tế.
Những năm gần đây, nhất là từ khi Tổng thống Donald Trump lên nắm
quyền, quan hệ giữa Mỹ và EU luôn trong trạng thái “cơm chẳng lành, canh
chẳng ngọt”. Với khẩu hiệu nổi tiếng: “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại”, hay
chiến lược “Nước Mỹ trước tiên”, Tổng thống Donald Trump đã đơn phương
rút khỏi nhiều hiệp ước quốc tế quan trọng, như: Hiệp định về biến đổi
khí hậu Paris 2016; Thỏa thuận hạt nhân Iran 2015; đơn phương áp đặt Kế
hoạch hòa bình Trung Đông mà không đếm xỉa đến vai trò của Palestine hay
các nước trong khu vực… khiến nhiều giá trị toàn cầu bị đảo lộn và làm
rạn nứt mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Tại Hội nghị an ninh Munich
2020, nhiều nhà lãnh đạo châu Âu bày tỏ lo lắng trước việc Mỹ đang rút
dần vai trò trên trường quốc tế. Bác bỏ những quan ngại trên, Ngoại
trưởng Mỹ Pompeo khẳng định, Washington đóng vai trò quan trọng trong
việc bảo đảm an ninh cho EU thông qua việc củng cố lực lượng NATO và đi
đầu trong nỗ lực đa quốc gia nhằm đánh bại tổ chức Nhà nước Hồi giáo
(IS) tự xưng.
Dù còn tồn tại nhiều bất đồng, song hội nghị cũng đạt được kết quả khả
quan với việc Pháp và Đức cùng chung tầm nhìn về một châu Âu với sức
mạnh quân sự mới. Việc Anh rời khỏi EU, còn gọi là Brexit, đã chuyển
thêm phần trách nhiệm sang hai quốc gia đầu tàu châu Âu. Cả Pháp và Đức
đều cho rằng EU cần xây dựng một “liên minh an ninh và quốc phòng châu
Âu”, coi đây như một trụ cột mạnh mẽ của châu Âu trong NATO. Ngoài ra,
EU cần phải can dự mạnh mẽ hơn trong cuộc xung đột quốc tế, dù là vấn đề
Iraq, Libya hay ở Sahel.
Ba ngày hội nghị không đủ để thảo luận về tất cả các xung đột trên thế
giới, song Hội nghị an ninh Munich 2020 trở thành diễn đàn vô cùng quan
trọng để các bên đối thoại tăng cường sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau.
Những nội dung được thảo luận tại hội nghị lần này cũng cho thấy rõ an
ninh toàn cầu đang phải đối mặt với muôn vàn thách thức và để tránh nổ
ra các hành động quân sự, điều cần thiết là phải có hoạt động ngoại giao
và chiến lược chính trị rõ ràng.
Linh Oanh (qdnd.vn)