Mỹ đã phải đối mặt với sức ép mạnh mẽ liên quan đến chính sách Cuba của nước này tại hội nghị thượng đỉnh thường niên của Tổ chức Các quốc gia Châu Mỹ (OAS) ở Honduras.
Hầu hết các nước Châu Mỹ Latin đều bày tỏ mong muốn để Cuba được ngay lập tức quay trở lại là thành viên của OAS. Cuba đã ra khỏi tổ chức này năm 1962.
Tổng thống Honduras Manuel Zelaya phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh kéo dài 2 ngày rằng quyết định đuổi Cuba ra khỏi OAS sau cuộc cách mạng Cuba năm 1962 là “một vết nhơ đáng xấu hổ” của OAS. Theo ông Zelaya, đã đến lúc phải “sửa chữa sai lầm đó”.
Quan điểm của Tổng thống Zelaya đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của các nhà lãnh đạo Venezuela, Bolivia và Nicaragua. Tất cả những nhà lãnh đạo này đều gọi quyết định xoá tên Cuba ra khỏi danh sách các nước thành viên OAS là một “sai lầm lịch sử."
Tổng thống Nicaragua Daniel Ortega thậm chí còn tỏ ra gay gắt hơn khi cho rằng đó là quyết định bị “áp đặt bởi những kẻ bạo chúa". "Chừng nào lệnh trừng phạt Cuba còn chưa được dỡ bỏ, chúng ta tiếp tục là những người tiếp tay cho các lệnh trừng phạt đó, và như vậy chúng ta tự làm mất nhân phẩm và chủ quyền của mình,” Tổng thống Ortega nhấn mạnh. Ông này còn cáo buộc Mỹ sử dụng tổ chức OAS như là “một công cụ để thống trị” khu vực.
Có thể nói sức ép trên đã đẩy Ngoại trưởng Hillary Clinton vào thế bị cô lập trong khi bà cũng đang tìm cách thuyết phục hội nghị chấp nhận những điều kiện khắt khe mà Washington đưa ra cho Havana để đổi lấy việc dỡ bỏ lệnh cấm vận kéo dài gần nửa thế kỷ qua đối với Cuba.
Theo bà Hillary, để cho phép Cuba quay trở lại là thành viên của OAS, Cuba cần phải thực hiện những cải cách dân chủ, phóng thích các tù nhân chính trị và cải thiện vấn đề nhân quyền.
Quan điểm khác biệt rõ rệt giữa một bên là hầu hết các nước Châu Mỹ và một bên là Mỹ đã khiến ngày làm việc đầu tiên của hội nghị thượng đỉnh OAS kết thúc mà không đạt được bất kỳ sự nhất trí nào về vấn đề Cuba.
Cuba cự tuyệt, Mỹ bị cô lập
Mặc dù các nước Châu Mỹ Latin đang nỗ lực gây sức ép để Mỹ đồng ý đưa Cuba quay trở lại OAS nhưng Cuba đã thể hiện thái độ không mong muốn quay trở lại làm thành viên của tổ chức này.
Ông Carlos Fernadez - một quan chức của Bộ Ngoại giao Cuba, cho biết việc thay đổi quyết định khai trừ Cuba ra khỏi OAS là “một dấu hiệu tốt, đáng khích lệ" với tổ chức này nhưng "Cuba không có ý định gia nhập lại OAS".
Mặc dù Cuba cự tuyệt tham gia OAS nhưng theo các nhà phân tích, nhiều nước vẫn muốn gây sức ép với Mỹ về vấn đề này nhằm tiến một bước xa hơn nữa là buộc Mỹ phải dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với Havana.
Việc Mỹ bị cô lập tại hội nghị OAS đã diễn ra bất chấp Tổng thống Barack Obama là người khá được yêu mến ở Châu Mỹ Latin, khác hẳn với người tiền nhiệm George W. Bush.
Tổng thống Nicaragua Daniel Ortega đã nhận xét rằng: "Obama là một tổng thống có thiện chí nhưng ông ấy bị mắc kẹt và tôi chẳng thấy có sự thay đổi gì lớn trong chính sách của Mỹ đối với Cuba.” Các nhà lãnh đạo Châu Mỹ latin cho rằng Washington chưa tích cực trong việc đưa ra những thay đổi về chính sách đối với Cuba.
Kể từ khi lên nhậm chức hồi tháng 1, chính quyền của ông Obama đã thừa nhận thất bại trong chính sách cấm vận của Mỹ đối với Cuba và cam kết sẽ có những thay đổi đồng thời tiến tới cải thiện quan hệ với chính quyền của Chủ tịch Raul Castro. Trên thực tế, ông Obama đã thực hiện một số thay đổi nhất định như dỡ bỏ những hạn chế về đi lại và tiền gửi của người Mỹ gốc Cuba về quê hương.
Washington và Havana cũng đã nhất trí nối lại các cuộc hội đàm thường xuyên về các vấn đề nhập cư.
Nhưng Mỹ lại luôn nhấn mạnh rằng Cuba phải tiến hành cải cách dân chủ và phóng thích các tù nhân chính trị trước khi trở lại làm thành viên của OAS và thoát khỏi lệnh cấm vận kéo dài 47 năm qua.
Đáp lại, cựu Chủ tịch Cuba Fidel Castro đã miêu tả những điều kiện trên của Mỹ là “ngạo mạn và đáng xấu hổ". Còn Chủ tịch Raul đã phát đi tín hiệu rằng Havana không có ý định đáp ứng các yêu cầu của Washington.
(Theo VnMedia)