Mỹ chiếm đến 2/3 thị trường xuất khẩu vũ khí của thế giới trong năm 2008. Tuy nhiên, đây cũng là năm mà giao dịch mua bán vũ khí trên toàn cầu giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 3 năm nay, tờ New York Times hôm qua (6/9) đưa tin.
Dẫn nguồn tin từ một bản báo cáo của Quốc hội được công bố hôm 4/9, tờ New York Times cho hay Mỹ chiếm tới 68,4% tổng số lượng xuất khẩu vũ khí trên thế giới. Bất chấp sự suy thoái kinh tế toàn cầu, doanh thu từ xuất khẩu vũ khí của Mỹ trong năm 2008 vẫn tăng khoảng 40% lên 37,8 tỉ USD từ 25,4 tỉ USD năm 2007.
Sự tăng trưởng trong ngành xuất khẩu vũ khí của Mỹ đi ngược lại với xu hướng sụt giảm chung của thế giới. Năm ngoái, xuất khẩu vũ khí trên toàn cầu giảm 7,6% xuống còn 55,2 tỉ USD. Số lượng các hợp đồng mua bán vũ khí được ký kết giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2005.
Theo bản báo cáo của Quốc hội Mỹ, sở dĩ xuất khẩu vũ khí của nước này tăng trưởng mạnh là nhờ vào “những hợp đồng lớn từ các khách hàng mới ở khu vực Cận Đông và Châu Á " cũng như những hợp đồng tiếp tục cung cấp thiết bị và các dịch vụ hỗ trợ cho các khách hàng thường xuyên của Mỹ trên khắp toàn cầu.
Mỹ cũng dẫn đầu thế giới về xuất khẩu vũ khí sang các nước đang phát triển, chiếm 70,1% tổng số hợp đồng mua bán vũ khí của những nước này với trị giá lên đến 29,6 tỉ USD. Trong số những hợp đồng đó phải kế đến hợp đồng cung cấp hệ thống phòng thủ trên không trị giá 6,5 tỉ USD cho Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất, hợp đồng cung cấp máy bay chiến đấu trị giá 2,1 tỉ USD cho Morocco và một hợp đồng cung cấp máy bay trực thăng tấn công trị giá 2 tỉ USD cho Đài Loan.
Ấn Độ, Iraq, Ả-rập Xê-út, Ai Cập, Hàn Quốc và Brazil đều có các hợp đồng mua vũ khí của Mỹ.
Italy là nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ hai thế giới với doanh thu đạt được là 3,7 tỉ USD trong khi Nga về thứ 3 với doanh thu sụt giảm mạnh từ 10,8 tỉ USD năm 2007 xuống còn 3,5 tỉ USD trong năm 2008.
Theo tiết lộ của bản báo cáo trên, Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất là nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất trong các nước đang phát triển khi chi đến 9,7 tỉ USD vào vũ khí năm 2008, Ả-rập Xê-út đứng thứ hai với 8,7 tỉ USD và Morocco đứng thứ 3 với 5,4 tỉ USD./.
Theo VnMedia