Các nhà lãnh đạo ngoại giao Indonesia và Mỹ đã trao đổi về các vấn đề
song phương, khu vực và quốc tế cùng quan tâm, trong đó dành ưu tiên cho
việc tăng cường các mối quan hệ hợp tác giữa hai nước và sự phối hợp
trên các diễn đàn quốc tế, sự gia tăng căng thẳng trong khu vực liên
quan đến các tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông và Biển Hoa Đông...
Ngày 17/2, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong chuyến thăm chính thức tới
Jakarta đã có cuộc hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Marty
Natalegawa, và cùng người đồng cấp nước chủ nhà chủ trì cuộc họp Ủy ban
hỗn hợp Indonesia-Mỹ lần thứ tư, nhằm tăng cường hợp tác trong khuôn khổ
mối quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước.
Trong cuộc hội đàm, các nhà lãnh đạo ngoại giao Indonesia và Mỹ đã trao
đổi về các vấn đề song phương, khu vực và quốc tế cùng quan tâm, trong
đó dành ưu tiên cho việc tăng cường các mối quan hệ hợp tác giữa hai
nước và sự phối hợp trên các diễn đàn quốc tế, sự gia tăng căng thẳng
trong khu vực liên quan đến các tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông và
Biển Hoa Đông, giải pháp cho tiến trình hòa bình Syria, và đối phó với
các thách thức toàn cầu, từ biến đổi khí hậu, chủ nghĩa khủng bố quốc tế
đến an ninh lương thực và an ninh năng lượng.
Hai bên nhất trí cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa các nhóm làm
việc của Indonesia và Mỹ, thúc đẩy các hoạt động và sáng kiến hợp tác
giữa đôi bên nhằm tăng cường, củng cố hơn nữa mối quan hệ đối tác toàn
diện giữa hai nước, được thiết lập ngày 10/11/2010 trong Tuyên bố chung
của Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono và Tổng thống Mỹ
Barack Obama.
Phát biểu tại cuộc họp báo sau hội đàm và cuộc họp Ủy ban Hỗn hợp
Indonesia-Mỹ, Bộ trưởng Marty Natalegawa đã hoan nghênh và đánh giá cao
chuyến thăm Indonesia của Ngoại trưởng John Kerry.
Bộ trưởng Marty Natalegawa cho biết cuộc hội đàm đã đạt được những kết
quả tích cực và mang tính chất xây dựng, trong đó hai bên đã nhất trí về
nhiều vấn đề cùng quan tâm, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến tình
hình và nguyên tắc giải quyết hòa bình thông qua tôn trọng luật pháp
quốc tế, đối thoại và thương lượng, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử
dụng vũ lực trong các tranh chấp lãnh thổ quốc gia, và duy trì hòa bình,
an ninh, ổn định trong khu vực.
Bộ trưởng Marty Natalegawa cũng thông báo về việc Indonesia muốn có một
sự thay đổi quan niệm về xử lý tranh chấp lãnh thổ ở châu Á-Thái Bình
Dương để các xung đột tiềm năng sẽ không gây thêm căng thẳng trong quan
hệ giữa các quốc gia thông qua một thỏa thuận hợp tác và thân thiện cho
toàn khu vực này, có thể ngăn ngừa các xung đột tiềm tàng liên quan đến
tranh chấp lãnh thổ tương tự như Hiêp định Hợp tác và Thân thiện của
Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN). Indonesia sẽ tiến hành tham vấn
với các nước có liên quan về vấn đề này, trong đó có các đối tác của
ASEAN, bao gồm cả Mỹ.
Về phần mình, Ngoại trưởng John Kerry đánh giá cao nỗ lực và vai trò của
Indonesia trong những sáng kiến nhằm duy trì hòa bình, an ninh và ổn
định khu vực của ASEAN, trong giải quyết những bất đồng liên quan đến
tranh chấp lãnh thổ trong khu vực và những thách thức truyền thống và
phi truyền thống của khu vực và toàn cầu.
Ngoại trưởng Kerry đã đặc biệt nhấn mạnh đến mối lo ngại về sự gia tăng
căng thẳng hiện nay liên quan đến tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông và
Biển Hoa Đông, khẳng định sự ủng hộ của Mỹ đối với lập trường cũng như
nỗ lực duy trì hòa bình, an ninh, ổn định khu vực của ASEAN, đồng thời
cho rằng ASEAN và Trung Quốc cần đẩy nhanh tiến trình để thông qua một
Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), mà Indonesia với vai trò đầu tầu
trong ASEAN, là một nhân tố hết sức tích cực và quan trọng.
Cuộc họp Ủy ban hỗn hợp đã khẳng định tính chất bình đẳng, cùng có lợi,
hướng tới tối ưu hóa mọi cơ hội và trên các lĩnh vực của quan hệ đối tác
toàn diện Indonesia-Mỹ; cam kết thúc đẩy hiệu quả và tính thiết thực
của sự hợp tác giữa đôi bên thông qua hoạt động của sáu nhóm làm việc
trong các lĩnh vực dân chủ và xã hội dân sự, an ninh, thương mại và đầu
tư, giáo dục, biến đổi khí hậu và môi trường; nhất trí về một kế hoạch
hành động cho sự hợp tác trong tương lai dựa trên ba trụ cột chính là
chính trị và an ninh; kinh tế và phát triển; văn hóa, xã hội và giáo
dục.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Ngoại trưởng Kerry đã ký Bản ghi nhớ (MoU)
về Hợp tác Tam giác và Nam-Nam với người đồng cấp Indonesia Marty
Natalegawa; ký MoU về Hợp tác bảo vệ động vật hoang dã và chống buôn lậu
động vật hoang dã với Bộ trưởng Lâm nghiệp Indonesia Zulkifli Hasan.
Trong chuyến công du tới bốn nước châu Á của Ngoại trưởng Kerry,
Indonesia là điểm dừng chân thứ ba, sau Hàn Quốc, Trung Quốc, trước điểm
dừng chân cuối cùng là Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE).
Đây là chuyến công du châu Á lần thứ 5 của ông Kerry trong vòng một năm kể từ khi ông nhậm chức./.
(TTXVN)