Thứ Năm, 21/11/2024
Lý Luận
Thứ Năm, 21/11/2024 9:0'(GMT+7)

Một số vấn đề về phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội trong tình hình mới

Quảng Ninh là một trong những địa phương có tốc độ phát triển kinh tế mạnh của cả nước.

Quảng Ninh là một trong những địa phương có tốc độ phát triển kinh tế mạnh của cả nước.

Báo cáo Chính trị Đại hội XIII khẳng định rõ nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ 2021-2025 là: “Nhận thức đầy đủ và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa trong các chính sách xã hội. Tăng cường quản lý phát triển xã hội, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, tính bền vững trong các chính sách xã hội, nhất là phúc lợi xã hội, an ninh xã hội, an ninh con người. Triển khai đồng bộ, toàn diện các mục tiêu kinh tế, tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường, trên cơ sở đó, đổi mới phân bổ nguồn lực hợp lý để nâng cao hiệu quả phát triển xã hội...”(1). Lần đầu tiên tại Đại hội XIII, Đảng ta khẳng định quan điểm quản lý phát triển xã hội bền vững: “Xây dựng và thực hiện đồng bộ thể chế, chính sách phát triển xã hội, quản lý phát triển xã hội bền vững, hài hòa”(2).

THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN XÃ HỘI VÀ QUẢN LÝ PHÁT TRIỂN XÃ HỘI

Trong nhiều kết quả quan trọng đạt được, có thể nêu lên một số thành tựu cơ bản, nổi bật sau:

Chăm sóc, ưu đãi người có công với cách mạng tiếp tục được quan tâm.

Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng luôn có vị trí quan trọng trong hệ thống chính sách xã hội của nước ta. Đây là một chính sách đặc biệt, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với người có công với cách mạng, tiếp nối truyền thống tốt đẹp và đạo lý “Uồng nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc.

Trong gần 40 năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã tiếp tục ban hành các chế độ chính sách nhằm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần đối với thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng. Đời sống người có công không ngừng được nâng lên. Hiện nay 98,6% hộ gia đình người có công của cả nước có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú. Chính sách xã hội với người có công đã giải quyết dứt điểm, không còn hộ người có công thuộc diện hộ nghèo(3).

Chế độ ưu đãi người có công được triển khai sâu rộng ở cơ sở, là một trong những chính sách xã hội được thực hiện tốt nhất hiện nay. góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Chủ tịch nước Tô Lâm gặp mặt Đoàn đại biểu người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2024 chiều ngày 22/7, tại Phủ Chủ tịch, Nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024).

Chủ tịch nước Tô Lâm gặp mặt Đoàn đại biểu người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2024, ngày 22/7, nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024).

An ninh trật tự, an toàn xã hội được giữ vững, đáp ứng yêu cầu quản lý phát triển xã hội trong tình hình mới.

Việc đấu tranh với các loại tội phạm có tổ chức được thực hiện nghiêm. Công tác bảo vệ an ninh trật tự tiếp tục được quan tâm thực hiện, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội.

Các hoạt động gìn giữ an toàn giao thông, trật tự đô thị, vận động quần chúng, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được tăng cường; chủ động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn âm mưu lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo xâm phạm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhất là ở cấp cơ sở.

Chất lượng công tác tuyên giáo được nâng cao, kịp thời để chủ động ứng phó, xử lý những thông tin sai lệch, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, giải quyết tốt các vấn đề bức xúc và định hướng dư luận xã hội.

Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Vị trí, vai trò của cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng được coi trọng và nhận thức sâu sắc hơn trong toàn xã hội; góp phần củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và người dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý xã hội của Nhà nước.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, trong đó có những thành tựu mang tính đột phá, quá trình phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội trong những năm qua vẫn còn những hạn chế, khiếm khuyết, bất cập:

Chưa có đột phá trong hoàn thiện thể chế đồng bộ về phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội.

Văn kiện Đại hội Đảng qua nhiều nhiệm kỳ đã xác lập tầm quan trọng của phát triển xã hội, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội trong từng giai đoạn phát triển. Tuy nhiên, các quan điểm, chủ trương này chậm được cụ thể hóa và thể chế hóa đồng bộ thành các chương trình và kế hoạch hành động, chưa có đột phá trong khâu triển khai thực hiện trên thực tế. Vai trò của tri thức, ứng dụng khoa học và công nghệ chưa được coi trọng trong lĩnh vực xã hội và quản lý phát triển xã hội. Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, đạo đức, văn hóa, lối sống còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Vai trò, chức năng cũng như phạm vi tham gia thực hiện các chính sách xã hội của các chủ thể ngoài nhà nước còn hạn chế...

Bất cập trong công bằng xã hội chưa được khắc phục, bất bình đẳng xã hội và phân hóa giàu nghèo gia tăng.

Tiến bộ và công bằng xã hội được đề cập ngay từ Đại hội XI (2011) và tiếp tục được quán triệt qua các kỳ Đại hội sau đó, thể hiện nhận thức lý luận ngày càng đầy đủ, toàn diện của Đảng ta về vấn đề quan trọng này. Xử lý hiệu quả và thực chất mối quan hệ giữa đảm bảo công bằng xã hội với việc tạo động lực cho phát triển là nhiệm vụ trọng tâm và cấp bách; một chủ trương lớn, nhất quán của Đảng với quan điểm chính sách xã hội luôn phải được đặt ngang tầm với chính sách kinh tế, thực hiện đồng bộ với phát triển kinh tế. Phát triển kinh tế là điều kiện cần trong khi thực hiện phân phối công bằng, hiệu quả là điều kiện đủ để phát triển xã hội bền vững.

Công bằng xã hội thường gắn với hình thức phân phối hợp lý, phản ánh đúng mối quan hệ giữa cống hiến và hưởng thụ, giữa trách nhiệm và lợi ích. Tuy nhiên, quan hệ phân phối hiện còn bất cập, chưa tạo động lực cho phát triển trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN. Bên cạnh đó, tình trạng quan liêu, tham nhũng, trục lợi chính sách, làm ăn phi pháp chưa được đẩy lùi, tác động rất xấu đến tăng trưởng kinh tế và thực hiện công bằng xã hội.

Tình trạng phân hóa giàu nghèo có thể nhận thấy từ chênh lệch thu nhập. Nếu như năm 2010 chênh lệch giữa nhóm hộ thu nhập thấp nhất (nhóm 1) và hộ thu nhập cao nhất (nhóm 5) là 3 triệu đồng thì đến năm 2019, chênh lệch này tăng lên hơn gấp 3 lần (9,1 triệu đồng). Kết quả Khảo sát Mức sống dân cư năm 2022, mức chênh lệch giữa hai nhóm hộ là gần 8 lần (10,23 triệu đồng), cho thấy xu hướng bất bình đẳng đang gia tăng trong xã hội và không dừng lại trong nửa đầu nhiệm kỳ 2021-2025.

Lao động trẻ thiếu việc làm ổn định, chất lượng nhân lực thấp, không phát huy được lợi thế cơ cấu dân số vàng.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2023 tỷ lệ thanh niên thất nghiệp trong quý I là 7,6%, cao gấp 3,4 lần tỷ lệ thất nghiệp chung của cả nước (2,25%), nguy cơ mất việc của lao động trẻ cao gấp 3 lần so với người lao động lớn tuổi hơn. Tỷ lệ thất nghiệp cao trong thanh niên phản ánh chính sách kết nối cung - cầu lao động chưa hiệu quả. Toàn quốc hiện có 10,8 triệu thanh niên, chiếm 21,4% lực lượng lao động, là nguồn cung dồi dào với tiềm năng lớn của “cơ cấu dân số vàng”. Các chính sách tạo việc làm ổn định cho thanh niên chưa hiệu quả, kéo dài qua nhiều năm. Chất lượng lao động và nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu ngay cả của thị trường trong nước. Tình hình lao động mất việc, thiếu việc làm, thu nhập bị giảm sút mạnh ở nhiều địa phương phía Nam và ngay tại Thành phố Hồ Chí Minh, đầu tầu kinh tế của cả nước, là vấn đề đáng quan ngại.

Lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đa phần xuất phát từ nông thôn với trình độ học vấn ở cấp trung học phổ thông, trình độ ngoại ngữ hạn chế. Do đó, người lao động chỉ có thể được tiếp nhận vào các thị trường sử dụng lao động phổ thông với tay nghề giản đơn và thu nhập không cao.

Tiếp cận bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) và khám chữa bệnh nhân dân gặp khó khăn, chất lượng giảm sút.

BHXH đã từng bước khẳng định và phát huy vai trò là một trong những trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội. Kể từ khi ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW (khóa XII) về “Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội”, diện bao phủ BHXH nước ta được mở rộng với nhiều đổi mới về phương thức thực hiện, tạo bước chuyển biến của hệ thống. Hiện nay, trong tổng số 54 triệu lao động, có khoảng 13 triệu người đang tham gia BHXH bắt buộc. Quy mô và tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện vẫn rất thấp với chưa đầy 1,5 triệu người. Theo báo cáo của BHXH Việt Nam năm 2022, trong giai đoạn 2016-2021 đã có khoảng 4,6 triệu người hưởng BHXH một lần, không còn trong hệ thống. Số người rút BHXH một lần hầu hết là công nhân làm việc trong các doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất với thu nhập, việc làm bấp bênh, khả năng tích lũy thấp.

Tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 và suy thoái kinh tế toàn cầu khiến cho nhiều lao động bị mất việc làm, cắt giảm thu nhập nên phải rút cả tiền BHXH khi mất việc làm. Bên cạnh đó, chính sách BHXH chưa hấp dẫn, quyền lợi bảo hiểm hạn chế nên chưa thu hút được người lao đông tham gia và gắn bó lâu dài. Tình trạng trốn đóng, nợ đóng BHXH của một số doanh nghiệp càng làm giảm sút niềm tin của xã hội vào hệ thống bảo hiểm. Việc người lao động rút BHXH một lần là giải pháp tình thế, song tình trạng này khiến mục tiêu BHXH toàn dân khó có thể thành hiện thực, gây ảnh hưởng tiêu cực đến an sinh xã hội.

Trong khi đó, chất lượng khám chữa bệnh nhân dân hiện tiếp tục giảm sút do tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế từ năm 2022 làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác khám bệnh và điều trị cho người bệnh tại các bệnh viện lớn cả nước. Người bệnh tuy có BHYT nhưng do bệnh viện thiếu thuốc nên quyền lợi khám chữa bệnh bị vi phạm. Do những vướng mắc về cơ chế, hành lang pháp lý, chính sách nên tình trạng thiếu thuốc, sinh phẩm, vật tư, máy móc, trang thiết bị y tế vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Ngành y tế còn thiếu những giải pháp quyết liệt, đồng bộ trước những tồn đọng, vướng mắc trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Đây là một trong nguyên nhân cơ bản khiến chưa đạt được mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ y tế mà Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

An sinh xã hội (ASXH) cho người lao động di cư, công nhân các khu công nghiệp còn nhiều bất cập.

Cùng với tiến trình mở cửa và hội nhập, quá trình di chuyển dân số đã và đang diễn ra với quy mô ngày càng lớn. Di cư lao động đến đô thị và các khu công nghiệp có nhiều mặt tích cực, góp phần thúc đẩy sự phát triển đa dạng của các lĩnh vực và các ngành nghề, dịch vụ, có ý nghĩa đối với sự tăng trưởng kinh tế; góp phần bổ sung nguồn lực lao động ở nới đến.

Mặc dù có những đóng góp không nhỏ đối với phát triển kinh tế - xã hội, song lao động di cư là nhóm đối tượng dễ tổn thương nhất và khó tiếp cận với ASXH. Tình trạng việc làm bấp bênh, không ổn định, tiền công lao động thấp trong khi cuộc sống khó khăn, giá thuê trọ và sinh hoạt phí đắt đỏ là những vấn đề kéo dài nhiều năm nhưng chưa được giải quyết. Vì vậy, chính sách đảm bảo ASXH cho người lao động di cư cần được chú trọng và hướng đến mục tiêu phát triển con người, ổn định xã hội, bảo đảm quyền an sinh, quyền tự do cư trú, tự do tìm việc làm đã được Hiến pháp quy định.

Mặc dù Nhà nước đã có những chính sách tháo gỡ, khuyến khích việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, song việc tiếp cận được nhà ở xã hội là rất khó do điều kiện tài chính eo hẹp và những tiêu chuẩn quy định khó khăn. Một số địa phương đã có chủ trương xây dựng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, song nhiều dự án vẫn “đắp chiếu”, không được thực hiện do thiếu vốn, thiếu sự quan tâm và chung tay của doanh nghiệp và các nhà đầu tư.

Chưa gắn kết dân số và phát triển trong chính sách, chưa chủ động ứng phó với già hóa dân số, khắc phục tình trạng chênh lệch giới tính thai nhi.

Tạo đủ việc làm cho người lao động góp phần phát huy tốt lợi thế dân số vàng ở nước ta.

 

Tạo đủ việc làm cho người lao động góp phần phát huy tốt lợi thế dân số vàng ở nước ta.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng yêu cầu phát huy lợi thế “dân số vàng” đồng thời cần thích ứng với quá trình già hóa dân số, nhanh chóng khắc phục tình trạng chênh lệch giới tính thai nhi. Nghị quyết số 21-NQ/TƯ (khóa XII) về “Công tác dân số trong tình hình mới” cũng đã khẳng định việc gắn kết dân số với phát triển, chuyển trọng tâm chính sách dân số từ tập trung vào kế hoạch hóa gia đình sang giải quyết toàn diện các vấn đề quy mô, cơ cấu, phân bố và chất lượng dân số trong mối quan hệ hữu cơ với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, trên thực tế các chính sách về dân số đến nay chậm đổi mới. Trong nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ làm công tác dân số vẫn còn nặng về kế hoạch hóa gia đình và sức khỏe sinh sản, chưa chú trọng sự tác động qua lại giữa dân số với phát triển. Việc lồng ghép yếu tố dân số trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội còn chậm.

Dân số Việt Nam đã chạm mốc 100 triệu, người từ 60 tuổi trở lên hiện chiếm 13% dân số và đến năm 2050 sẽ tăng lên 25%, tức là cứ 4 người thì có 1 người cao tuổi. Hiện chưa có các giải pháp chính sách nhằm thích ứng với quá trình già hóa dân số đang diễn ra nhanh hiện nay và rất nhanh sau năm 2035. Trong ngắn hạn, già hóa dân số ảnh hưởng đến cơ cấu lực lượng lao động và từ đó ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Trong dài hạn, quá trình này tạo nên các tác động đa chiều đến các lĩnh vực từ kinh tế đến giao thông, y tế, an sinh xã hội và văn hóa, giáo dục. Vì vậy, cần có chiến lược thích ứng để có thể chủ động ứng phó với dân số già - xã hội già trong vòng 10 - 15 năm tới. Đây là cơ hội, đồng thời cũng là thách thức đã được Đại hội XIII của Đảng chỉ ra nhưng chưa được quan tâm đúng mức.

Việc lựa chọn giới tính thai nhi trước sinh vẫn diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương, khiến cho tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam ở mức cao trên thế giới (112 bé trai trên 100 bé gái). Tình trạng nạo phá thai để lựa chọn giới tính thai nhi vẫn còn diễn ra, không được kiểm soát. Mặc dù đã có nhiều quy định pháp luật trong việc nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi song việc thực thi trong đời sống xã hội lại rất khó khăn. Các chế tài không được thực hiện nghiêm túc, chưa được giám sát, kiểm tra chặt chẽ. Công tác truyền thông, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi chưa thực sự hiệu quả... Tình hình cho thấy việc cân bằng lại tỷ số giới tính trẻ em khi sinh còn khó khăn hơn cả nỗ lực giảm sinh trước đây bởi hành vi lựa chọn giới tính thai nhi rất khó bị phát hiện và xử lý. Đây vẫn là điểm nghẽn trong công tác dân số hiện nay, là nguyên nhân và hậu quả của bất bình đẳng giới trong xã hội, dẫn đến những hệ lụy tiêu cực trong phát triển xã hội(4).

MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẶT RA

Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, tăng trưởng kinh tế thế giới bị sụt giảm nghiêm trọng. Tương quan giữa các siêu cường và quan hệ quốc tế có những biến động nhanh chóng, khó đoán định. Tình hình chính trị - xã hội, an ninh trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp. Âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động vẫn ngày càng gia tăng hòng phủ nhận con đường đi lên CNXH của Việt Nam. Những thách thức an ninh phi truyền thống về biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, an ninh năng lượng, lương thực, đói nghèo ngày càng lớn và tác động, ảnh hưởng ngày càng nặng nề... Trong tình hình đó, đất nước sẽ phải đối mặt với những khó khăn, thách thức do những tác động, ảnh hưởng kép của các yếu tố bất lợi bên ngoài và những hạn chế, bất cập của kinh tế trong nước cùng những yếu kém chưa được khắc phục.

Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ những định hướng, giải pháp cơ bản trên lĩnh vực xã hội. Có thể thấy những hạn chế, yếu kém, bất cập hiện nay chủ yếu nằm ở khâu nhận thức và triển khai thực hiện, do các chủ trương, quan điểm của Đảng về chính sách xã hội và quản lý phát triển xã hội chưa được quán triệt và thể chế hóa đồng bộ. Nhiều chính sách đúng nhưng hiệu quả thực hiện chưa cao so với yêu cầu và nguồn lực đầu tư. Do đó, từ nay đến năm 2030 với tầm nhìn 2045, cần tập trung bố trí nguồn lực để thực hiện tốt các nhiệm vụ sau đây trên lĩnh vực xã hội:

Một là, xây dựng, hoàn thiện và thực hiện đồng bộ thể chế, chính sách xã hội và quản lý phát triển xã hội bền vững dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Xây dựng hệ thống chính sách xã hội theo hướng hiện đại, bao trùm, toàn diện, bền vững, hài hòa nhằm bảo đảm tính hiện thực và bền vững của chính sách. Để tạo môi trường xã hội thuận lợi cho tăng trưởng, cần có hệ thống chính sách xã hội gắn kết, liên thông, bao trùm và bền vững, thay cho các chính sách xã hội đơn lẻ, chồng chéo, không phát huy được hiệu quả.

 

Rất cần vai trò quản lý, điều hành thống nhất của Nhà nước trong quản lý phát triển xã hội nhằm tạo sự đồng bộ, phối hợp nguồn lực, hoàn thiện thể chế, xây dựng cơ chế, chính sách. Đồng thời, khuyến khích hình thành cơ chế tự nguyện, tự quản của cộng đồng trong tăng cường quản lý phát triển xã hội theo nguyên tắc an sinh, an dân và an cư phù hợp với từng giai đoạn phát triển.

Hai là, phát triển hệ thống ASXH toàn dân, toàn diện, tiệm cận với thông lệ quốc tế với các chính sách phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro, bảo đảm trợ giúp kịp thời, hiệu quả cho các đối tượng yếu thế, người nghèo, người lao động khu vực phi chính thức, người dân ở vùng sâu, vùng xa.

So với đổi mới tư duy kinh tế, nhận thức và đổi mới tư duy về phát triển xã hội và chính sách xã hội còn chậm, vẫn coi ASXH là trách nhiệm hoàn toàn của Nhà nước, vì vậy chưa thu hút mạnh mẽ các thành phần kinh tế, các chủ thể và nguồn lực xã hội. Các hoạt động an sinh hiện đang bộc lộ sự thiếu đồng bộ về thể chế trong điều kiện kinh tế thị trường khi các dịch vụ công không còn được bao cấp như trước đây.

Do đó, bên cạnh chính sách người có công và trợ giúp nhóm yếu thế, cần mở rộng nội hàm và diện bao phủ ASXH, kết hợp đồng bộ các chính sách khác gắn với những vấn đề phát sinh trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang đặt ra như: biến đổi cơ cấu và phân hóa xã hội, quan hệ dân tộc, tôn giáo, xung đột xã hội, an ninh con người,…

Cần nâng nguồn lực tài chính cho an sinh và phúc lợi xã hội từ 10 - 15% GDP bình quân/người, đồng thời phát huy quyền an sinh để thực hiện quản lý phát triển xã hội hiệu quả, bền vững, đảm bảo tiến bộ, công bằng xã hội.

Ba là, tăng cường chất lượng các chính sách lao động, việc làm, nhà ở, y tế, giáo dục để cải thiện toàn diện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Chú trọng cải cách tiền lương, chính sách đãi ngộ đáp ứng được nhu cầu cuộc sống của người lao động, tạo động lực phát triển. Tăng cường công tác bảo vệ sức khỏe, thực thi hiệu quả chính sách dân số và phát triển, chủ động thích ứng với dân số già, mức sinh giảm nhanh và khắc phục tình trạng chênh lệch giới tính thai nhi.

Quyết tâm của Đảng đã tạo điều kiện cho phát triển xã hội trên cả 3 nội dung cơ bản: 1) Cải thiện điều kiện sống của con người (thông qua phát triển các chính sách lao động, việc làm, y tế, dân số, giáo dục, phát triển cơ sở hạ tầng); 2) Nâng cao năng lực vốn con người (thông qua tăng cường phúc lợi toàn dân; phát triển nguồn nhân lực); 3) Bảo đảm ASXH (tham gia thị trường lao động, tăng cường BHXH, hỗ trợ các đối tượng chính sách và giảm nghèo). Tuy nhiên thực tế việc triển khai thực hiện còn chưa kịp thời, chưa đúng đối tượng, chất lượng hạn chế dẫn đến những bức xúc trên thực tế, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục.

Bốn là, quản lý phát triển xã hội có hiệu quả, kỷ cương, nghiêm minh theo Hiến pháp và pháp luật, nhưng đồng thời phải bảo đảm an ninh con người, thu hẹp bất bình đẳng và phân hóa giàu nghèo, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, có cơ chế điều phối linh hoạt, thích ứng với các biến động lớn như dịch bệnh, thiên tai trên diện rộng.

Do nhiều nguyên nhân khác nhau, chúng ta vẫn chưa thực sự nhận thức đúng và đầy đủ vai trò, tầm quan trọng, nội dung, phương thức quản lý phát triển xã hội. Hoạt động quản lý bị chia cắt theo địa giới hành chính, lĩnh vực nên chưa có sự quản lý thống nhất ở cấp vĩ mô về phát triển xã hội bền vững, chưa chú ý đến cấp vùng và liên kết vùng.

Quản lý phát triển xã hội hiệu quả còn đòi hỏi phải có những chính sách phù hợp với các giai cấp, tầng lớp và cộng đồng dân cư trong bối cảnh chuyển đổi số. Cần nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi số một cách sâu rộng, toàn diện trong quản lý phát triển xã hội, chia sẻ việc sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư theo hướng liên ngành, phục vụ công tác quản lý. Phát triển nguồn nhân lực chuyên nghiệp, liêm chính, có đủ kỹ năng, trình độ đáp ứng yêu cầu phát triển trong môi trường công nghệ số, chính phủ số và xã hội số hiện đại.

Năm là, kết hợp hiệu quả nguồn lực nhà nước với nguồn lực xã hội theo hướng đa dạng hóa để phát triển xã hội, quản lý phát triển xã hội, đáp ứng các nhu cầu cơ bản, thiết yếu của các tầng lớp dân cư, nhóm xã hội phù hợp với điều kiện phát triển của đất nước trong giai đoạn mới.

Nhà nước cần cho phép tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ phát triển xã hội, bao gồm cả việc chuyển từ cơ chế hành chính công sang dịch vụ công để tăng cường hiệu quả đầu tư và sử dụng nguồn lực.

Tích cực hợp tác và hội nhập quốc tế nhằm không chỉ học tập kinh nghiệm trong xây dựng, hình thành hệ thống chính sách quản lý phát triển xã hội theo hướng phổ quát của thế giới, mà còn tranh thủ sự hỗ trợ, tham khảo và chia sẻ kinh nghiệm để cùng nhau giải quyết các vấn đề chung của khu vực và toàn cầu liên quan đến các quốc gia, trong đó có Việt Nam./.

GS. TS. ĐẶNG NGUYÊN ANH

______________________


(1) (2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021. t.I, tr.147, 148.

(3) Phấn đấu đến cuối năm 2025 đạt chỉ tiêu 100% hộ người có công có mức sống cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú. Ưu tiên hỗ trợ kinh phí xây dựng và sửa chữa nhà ở cho hộ gia đình người có công gặp khó khăn về nhà ở.

(4) Theo dự báo, nếu tình hình không được cải thiện sẽ có khoảng 1,5 triệu nam giới dư thừa ở Việt Nam vào năm 2035 và đến năm 2060 thì con số này tăng lên hơn 2,5 triệu; đi liền với đó là tình trạng kết hôn sớm, mại dâm, bắt cóc và mua bán phụ nữ, trẻ em gái..

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất