Hoạt động của Ngoại trưởng Mỹ trong chuyến công du đầu tiên cho thấy Mỹ tỏ rõ
cứng rắn hơn với Iran, nhượng bộ với Saudi Arabia.
Ngày 6/3 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã kết thúc chuyến công du nước ngoài
đầu tiên kể từ khi nhậm chức. Chuyến thăm kéo dài 11 ngày này đã đưa ông tới 9
nước ở hai châu lục, trong đó 5 nước ở Trung Đông gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Saudi
Arabia, Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) và Qatar. Những điều có thể
rút ra từ các chuyến thăm này là song song với việc củng cố quan hệ đồng minh
xuyên Đại Tây Dương với các đối tác quan trọng ở châu Âu, Washington đang điều
chỉnh chính sách Trung Đông.
Ủng hộ phe đối lập “ôn hòa” ở Syria
Phát biểu trong chuyến thăm Qatar, Ngoại trưởng Kerry khẳng định Mỹ tin tưởng
rằng quân đội sẽ hành động theo “người tốt và liên minh đối lập ôn hòa ở Syria”.
Với việc sử dụng từ “ôn hòa”, ông Kerry muốn loại bỏ những nhóm Jihad như Mặt
trận al-Nusra được al-Qaeda hậu thuẫn ra khỏi liên minh đối lập. Điều này cũng
đồng nghĩa với việc liên minh đối lập do người Hồi giáo chiếm ưu thế có thể bao
gồm cả tổ chức “Những người anh em Hồi giáo” và những người Hồi giáo khác không
có chung các giá trị hay lợi ích dài hạn với Mỹ.
Theo các chuyên gia phân tích, tuyên bố trên của Ngoại trưởng Kerry cho thấy
Mỹ đang điều chỉnh đối với Syria. Trước đây, Tổng thống Mỹ Barack Obama vẫn thờ
ơ với khả năng can thiệp vào cuộc nội chiến ở Syria. Giờ đây, Mỹ đã hỗ trợ trực
tiếp cho các lực lượng đối lập “ôn hòa” ở Syria. Tuần trước, Washington đã quyết
định viện trợ trực tiếp cho lực lượng nổi dậy ở Syria, trong đó có áo giáp, kính
quan sát ban đêm và các thiết bị liên lạc.
Trả lời phỏng vấn kênh NBC trong thời gian ở Doha, ông Kerry cho biết “Tổng
thống (Obama) đã áp đặt các lệnh trừng phạt (đối với Syria), Tổng thống đang đi
đầu trong nỗ lực nhằm phối hợp với phe đối lập ở Syria, nhận dạng và làm rõ nó,
làm cho phe đối lập trở nên đoàn kết hơn để có chung một tiếng nói; và hiện nay,
Tổng thống đã nâng sự can dự của Mỹ lên mức độ ủng hộ trực tiếp cho phe đối lập
và quân đội Syria”.
Không chỉ hỗ trợ trực tiếp, Washington còn quyết định “trao quyền” cho phe
đối lập ở Syria. Phát biểu trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Saudi,
Thái tử Saud al-Faisal, tại thủ đô Riyadh, ông Kerry cũng khẳng định Washington
sẽ hợp tác với các bạn bè của mình để “trao quyền hành hợp pháp” cho phe đối lập
ở Syria.
Một trong những nguyên nhân khiến Washington thay đổi quan điểm về Syria là
do họ cho rằng các tổ chức Hồi giáo này có thể không có chung hệ tư tưởng với
al- Qaida và cũng giống như Mỹ, mối quan tâm chủ yếu của họ lúc này là lật đổ
chính quyền của Tổng thống Syria Bashar Assad.
Giáo sư Barry Rubin, Giám đốc Trung tâm GLORIA, cho rằng: “Chính sách của Mỹ
là ủng hộ “Những người anh em Hồi giáo” với tư cách là một nhóm ‘ôn hòa’ để ngăn
cản những người Hồi giáo dòng Sunni có quan điểm cực đoan hơn”.
Mặc dù vậy, có vẻ như Mỹ vẫn tỏ ra thận trọng trước phe đối lập khi chỉ cung
cấp các loại trang thiết bị quân sự không có khả năng sát thương cho phe đối
lập. Điều này gây ra bất bình trong số các đồng minh của Mỹ ở khu vực này –
những nước muốn Washington “bật đèn xanh” để cung cấp vũ khí cho lực lượng đối
lập ở Syria nhằm giúp họ chiếm ưu thế trong cuộc chiến với quân đội của Tổng
thống Assad.
Cứng rắn hơn với Iran
Phát biểu trong cuộc gặp với người đồng cấp Saudi Arabia hôm 4/3, Ngoại
trưởng Kerry tuyên bố thời gian để Iran hợp tác với cộng đồng quốc tế sắp hết.
Ông nói: “Các cuộc đàm phán sẽ không tiếp tục chỉ vì để đàm phán, và các đàm
phán không thể trở thành công cụ để trì hoãn và cuối cùng khiến tình hình trở
nên nguy hiểm hơn. Vì vậy, cần hạn chế thời gian”.
Bên cạnh đó, ông Kerry cũng không quên phát đi lời cảnh báo mạnh mẽ đối với
Iran rằng Mỹ chưa loại trừ phương án tấn công quân sự đối với Iran để loại bỏ
chương trình hạt nhân đầy tham vọng của nước cộng hòa Hồi giáo này.
Ông Kerry cũng nhấn mạnh rằng: “Tổng thống Obama đã tuyên bố rõ ràng ưu tiên
của mình là yêu cầu Iran ngồi vào đàm phán với sự tin tưởng, sự tôn trọng lẫn
nhau và làm những điều mà họ nói”.
Cùng ngày, Phó Tổng thống Joe Biden khẳng định ưu tiên tìm kiếm một giải pháp
ngoại giao (cho vấn đề hạt nhân của Iran) không có nghĩa là chính quyền Tổng
thống Obama không sẵn sàng chuyển sang các phương án khác, trong đó có cả việc
sử dụng vũ lực để ngăn chặn Iran phát triển vũ khí hạt nhân.
Những phát biểu của ông Kerry và Phó Tổng thống Biden cho thấy Mỹ có quan
điểm cứng rắn hơn đối với Iran. Tuy nhiên, với việc bổ nhiệm ông Chuck Hagel làm
Bộ trưởng Quốc phòng, có vẻ như ông Obama đã phát đi một thông điệp rằng
Washington sẽ chưa vội tiến hành các hành động quân sự chống Iran mà sẽ thực
hiện chính sách kiềm chế nước cộng hòa Hồi giáo này.
Cải thiện quan hệ với Saudi Arabia
Trong bài báo gần đây của mình, kênh truyền hình của Iran Press TV giật tít:
“Kerry tiếp tục truyền thống nhượng bộ những người Saudi”. Bài báo này có đoạn:
“Sự tôn trọng đối với chế độ quân chủ của Saudi Arabia là một trò hề bởi vì,
Saudi Arabia có một chế độ chính trị thần quyền hà khắc nổi tiếng mà ở đó, người
dân gần như hoàn toàn không có quyền”.
Theo các chuyên gia phân tích, mặc dù bình luận này của Press TV hơi quá
nhưng ở một khía cạnh nào đó, bình luận này đúng bởi vì, Mỹ chưa đưa ra bất cứ
lời chỉ trích nào về chính sách đối nội hay đối ngoại liên quan tới người thiểu
số, phụ nữ và vấn đề nhân quyền của Saudi Arabia.
Nhà nghiên cứu Brandon Friedman của Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông và châu
Phi Moshe Dayan thuộc Trường Đại học Tel Aviv cho rằng Mỹ và Saudi Arabia không
hoàn toàn thoải mái với nhau nhưng việc không đề cập tới các vấn đề trên có thể
chỉ là một phần trong mối quan hệ đang phát triển giữa hai bên. Có vẻ như Tổng
thống Obama đang nỗ lực cải thiện quan hệ với Saudi Arabia trong nhiệm kỳ thứ 2
của mình./.
(Bùi Hùng/VOV)