Thứ Ba, 26/11/2024
Thế giới
Thứ Năm, 30/4/2015 13:45'(GMT+7)

Mỹ được lợi lớn nhất khi đưa Cuba ra khỏi danh sách tài trợ khủng bố

Thống đốc bang New York Andrew Cuomo (giữa) thăm khu phố cổ Havana, Cuba ngày 20/4 vừa qua. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thống đốc bang New York Andrew Cuomo (giữa) thăm khu phố cổ Havana, Cuba ngày 20/4 vừa qua. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Động thái này được công bố chỉ ba ngày sau cuộc hội đàm lịch sử hôm 11/4 vừa qua giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro tại Panama, bên lề Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ lần thứ bảy.

Dù theo luật định, Quốc hội Mỹ sẽ có 45 ngày để xem xét và thông qua đề xuất của Tổng thống Obama, song nó đã loại bỏ rào cản quan trọng để tiến tới bình thường hóa quan hệ giữa hai nước và dọn đường cho các doanh nghiệp Mỹ tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại quốc đảo này.

Alana Tummino, Giám đốc chính sách tại Hội đồng châu Mỹ cho rằng quyết định của Tổng thống Obama sẽ là bước đi đầu tiên trong hàng loạt bước đi sau này nhằm tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các công ty Mỹ làm ăn kinh doanh tại Cuba.

Mới đây, trên 200 lãnh đạo doanh nghiệp đã tham dự một hội nghị tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại Cuba, tổ chức tại New York (Mỹ).

Các hãng hàng không và công ty du lịch hy vọng sẽ thu được nhiều lợi nhuận từ du khách Mỹ, những người sẵn sàng mở hầu bao để tới thăm những bãi biển đầy nắng, những di tích lịch sử tại Cuba.

Frank Del Rio, Giám đốc điều hành của Norwegian Cruise Lines (một công ty du lịch có trụ sở tại Miami, Mỹ), phát biểu: “Ngoài Trung Quốc, cơ hội kinh doanh tại Cuba là rất lớn.”

Cơ hội cũng được mở ra đối với các ngân hàng và dịch vụ tài chính Mỹ, như American Express và Mastercard.

Tuy nhiên, vẫn còn một số trở ngại để các ngân hàng Mỹ thực sự có thể đặt chân vào thị trường Cuba.

Các ngân hàng Mỹ có thể có quan hệ giao dịch với các ngân hàng Cuba, song một khi lệnh bao vay cấm vận vốn được duy trì suốt hơn 50 năm qua chưa được dỡ bỏ hoàn toàn thì các thể chế tài chính Mỹ phải cân nhắc những rủi ro khi bước chân vào một thị trường mới.

Người đứng đầu Akerman's International Practice, Pedro Freyre nhận định, các ngân hàng Mỹ sẽ phải nắm rõ cuộc chơi của mình, cũng như thấu hiểu rõ tâm lý khách hàng tại thị trường Cuba.

Bên cạnh đó, một trở ngại khác là Chính phủ Cuba cần vượt qua sự khác biệt về ý thức hệ để cho phép các doanh nghiệp Mỹ vào kinh doanh tại nước mình.

Vì vậy, ông Freyre cho rằng sẽ phải mất một thời gian để các tập đoàn tài chính Mỹ quay trở lại Cuba và chặng đường trước mắt còn khá gập ghềnh.

Giám đốc chương trình Mỹ tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế, Carl Meacham thì khẳng định cánh cửa đã hé mở với các doanh nghiệp Mỹ. Chính Mỹ sẽ là bên được lợi lớn nhất sau quyết định lịch sử kể trên.

Cuba hiện cũng cần nguồn vốn lớn để nâng cấp cơ sở hạ tầng, trong đó có hệ thống viễn thông và tiếp cận Internet, tạo ra cơ hội cho các nhà mạng Mỹ như Verizon và AT&T.

Bộ trưởng Ngoại thương và Đầu tư nước ngoài Cuba Rodrigo Malmierca mới đây thông báo đảo quốc Caribe này đã xác định mời gọi đầu tư nước ngoài vào 246 dự án thuộc 11 lĩnh vực, có tổng trị giá lên tới 8,71 tỷ USD.

Nhằm thu hút thêm đầu tư nước ngoài, Quốc hội Cuba năm ngoái đã thông qua đạo luật nhằm đảm bảo và khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào “hòn đảo tự do,” nhất là vào Đặc khu phát triển Mariel.

Nằm tại phía tây thủ đô La Habana và sở hữu hải cảng nước sâu duy nhất của Cuba, Mariel được kỳ vọng là "đầu tàu" thúc đẩy đầu tư và thương mại chính của đảo quốc này trong 20-25 năm tới và hiện đã có khoảng 200 công ty từ hơn 30 quốc gia đã tiết lộ ý định đầu tư vào đây./.

(TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất