Chiến dịch tiêm chủng ngừa COVID-19 của thế giới cần phải được tăng tốc để đối phó với các biến chủng mới và Mỹ đang tìm cách để hỗ trợ công cuộc này nhiều hơn nữa.
Ngày 6/5, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhận định chiến dịch tiêm chủng ngừa COVID-19 của thế giới phải tăng tốc để đối phó với các biến chủng mới và Mỹ đang tìm cách để hỗ trợ công cuộc này nhiều hơn nữa.
Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, phát biểu trong khuôn khổ chuyến thăm Ukraine, Ngoại trưởng Blinken nhấn mạnh rằng nếu thế giới không nỗ lực nhiều hơn nữa thì đến năm 2024, việc tiêm chủng cho toàn dân trên thế giới sẽ không thể hoàn tất.
Hiện Mỹ đã cam kết chia sẻ khoảng 60 triệu liều vaccine AstraZeneca với các nước và ngày 5/5 vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng tuyên bố ủng hộ việc miễn trừ bản quyền trí tuệ đối với các loại vaccine ngừa COVID-19.
Ngoại trưởng Blinken cũng cho rằng không có ai có thể hoàn toàn an toàn nếu thế giới không nỗ lực tiêm chủng được cho càng nhiều người càng tốt, đồng thời đề cập tới khả năng việc miễn trừ bản quyền sáng chế sẽ giúp tăng đáng kể việc sản xuất và phân phối vaccine cho người dân.
Những động thái trên được đưa ra trong bối cảnh tình hình dịch bệnh ở Ấn Độ diễn ra nghiêm trọng với số ca mắc mới tại quốc gia Nam Á này chiếm tới 46% tổng số ca nhiễm mới trên toàn thế giới.
Đáng lo ngại hơn, có nhiều dấu hiệu cho thấy đại dịch đang bùng phát rộng ở Nepal, Sri Lanka và các khu vực lân cận khác.
Cũng liên quan đến vấn đề này, phát biểu trước Hạ viện Canada ngày 6/5, Bộ trưởng phụ trách thương mại quốc tế của Canada, bà Mary Ng, cho biết nước này sẽ tham gia các cuộc đàm phán của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) để xem xét việc từ bỏ các quy tắc được áp dụng trên quy mô toàn cầu nhằm bảo vệ bí mật thương mại đối với vaccine phòng COVID-19.
Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, về lý thuyết, việc từ bỏ Hiệp định về các khía cạnh thương mại liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS), sẽ giúp các nước đang phát triển nhập khẩu công nghệ, thiết bị và thành phần cần thiết để sản xuất vaccine của riêng mình một cách dễ dàng hơn.
Bà Mary Ng nhấn mạnh Canada sẽ tích cực tham gia vào các cuộc đàm phán để hướng tới miễn trừ bản quyền sáng chế đối với vaccine phòng COVID-19 trong khuôn khổ của hiệp định TRIPS của WTO.
Trong khi đó, ngành dược phẩm Canada kiên quyết phản đối ý tưởng từ bỏ bản quyền trí tuệ, điều mà họ cho rằng sẽ không mang lại hiệu quả mong muốn và sẽ làm suy yếu sự phát triển của các loại thuốc tiên tiến.
Nhóm vận động hành lang có tên là Innovative Medicines Canada nhận định việc từ bỏ bản quyền trí tuệ sẽ tạo ra sự không chắc chắn và khó đoán định hơn liên quan đến quá trình sản xuất, chất lượng và sự sẵn có của vaccine phòng COVID-19.
Theo trang thống kê Our World in Data, phần lớn trong số 624 triệu người đã được tiêm ít nhất một liều vaccine phòng COVID-19 sống ở các nước giàu có hơn./.
Hải Vân-Hương Giang (TTXVN/Vietnam+)