Ngày 21/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert tuyên bố Thổ
Nhĩ Kỳ cần "hành động kiềm chế" và tránh gây thương vong cho dân thường
trong chiến dịch quân sự mang tên "Cành Ôliu" do nước này phát động nhằm
đánh bật Các Đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) ở Afrin, Syria.
Theo bà Nauert, tất cả các bên cần duy trì việc tập trung vào mục tiêu
chính là đánh bại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cho biết Thổ Nhĩ Kỳ
đã đưa ra cảnh báo với Mỹ trước khi tiến hành chiến dịch "Cành Ôliu",
đồng thời khẳng định Ankara có những quan ngại an ninh "chính đáng"
trong khu vực.
Phát biểu với báo giới trên máy bay tới châu Á, Bộ trưởng Mattis nhấn
mạnh Thổ Nhĩ Kỳ "là quốc gia duy nhất thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây
Dương (NATO) đối mặt với tình trạng nổi dậy bên trong đất nước và Thổ
Nhĩ Kỳ có những quan ngại an ninh chính đáng, ám chỉ đảng Công nhân
người Kurd (PKK) - lực lượng ly khai chống chính quyền Ankara từ năm
1984.
Cũng trong ngày 21/1, hãng tin TASS dẫn lời Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng
Đuma quốc gia (Hạ viện) Nga Vladimir Shamanov cho rằng chiến dịch "Cành
Ôliu" của Thổ Nhĩ Kỳ có thể tạo ra những khó khăn nhất định cho cho Đại
hội Đối thoại dân tộc Syria, dự kiến diễn ra trong hai ngày 29 và 30/1
tại Sochi.
Theo ông Shamanov, Moskva đã áp dụng những biện pháp chính trị - ngoại
giao có thể liên quan đến kế hoạch của Ankara và sẽ tiếp tục có những
động thái tiếp theo.
Trước đó ngày 20/1, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ thông báo bắt đầu tiến hành
chiến dịch lớn mới mang tên "Cành Ôliu" nhằm đánh bật lực lượng YPG khỏi
Afrin. Theo các lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ, 32 máy bay chiến đấu của
nước này đã tiến hành các cuộc không kích nhằm vào nơi ẩn náu, các kho
vũ khí, đạn dược của YPG.
Ngay trong ngày đầu tiên, không quân Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn trúng 153 mục
tiêu, trong đó có các khu vực trú ẩn của các tay súng người Kurd. Sau đó
một ngày, các máy bay chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ oanh kích 45 mục tiêu,
trong khi lực lượng bộ binh cũng đã tiến vào Afrin, tham gia chiến dịch
tấn công quân sự.
Tuy nhiên, một người phát ngôn của YPG ở Afrin đã phủ nhận tuyên bố của
Ankara về việc lực lượng bộ binh nước này tham gia chiến dịch tấn công
bên trong lãnh thổ Syria.
Người phát ngôn này cho biết các lực lượng của Thổ Nhĩ Kỳ đã tìm cách
vượt qua biên giới để vào khu vực này, song đã thất bại sau các cuộc
đụng độ ác liệt. Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) cho biết ít
nhất 18 dân thường đã thiệt mạng trong các cuộc giao tranh hai ngày qua.
Trong một động thái nhằm trấn an dư luận, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali
Yildirim, khẳng định nền kinh tế nước này sẽ không bị ảnh hưởng bởi
chiến dịch quân sự tại Afrin mà sẽ duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ.
Trong khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cảnh báo những
người phản đối chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria sẽ "phải trả
giá đắt". Ông nhấn mạnh các lực lượng an ninh sẽ can thiệp nếu lực lượng
ủng hộ phe đối lập thân người Kurd có động thái chống đối.
Theo hãng tin Reuters, cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn đạn hơi cay giải tán
đám đông người biểu tình ủng hộ người Kurd ở Ankara và Istanbul và bắt
giữ ít nhất 12 người.
Thổ Nhĩ Kỳ luôn coi YPG là một tổ chức khủng bố vì có quan hệ với các
tay súng PKK vốn bị cấm hoạt động ở Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, YPG lại
được Mỹ hậu thuẫn và được coi là có vai trò trong việc giúp đánh bật IS
ra khỏi các thành trì tại Syria./.
(TTXVN)