Mục đích của Mỹ tiếp tục duy trì quân đội tại Syria là tiêu diệt tận gốc
các phần tử thánh chiến cực đoan cũng như góp phần đảm bảo ổn định tại
quốc gia Trung Đông này.
Trong bài phát biểu ngày 17/1 tại Đại học Stanford (Mỹ) về chiến lược
của Mỹ giúp kết thúc cuộc nội chiến kéo dài 7 năm của Syria, Ngoại
trưởng Rex Tillerson nhấn mạnh nhiệm vụ của quân đội Mỹ tại Syria là
nhằm tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và quan trọng hơn
là ngăn chặn sự trỗi dậy trở lại của lực lượng khủng bố cực đoan này.
Ông Tillerson khẳng định Mỹ không thể lặp lại "sai lầm" của nước này tại
Iraq hồi năm 2011, khi việc rút quân quá sớm đã tạo điều kiện để
al-Qaeda tại Iraq tái hợp lực lượng và sau đó phát triển thành IS.
Ngoại trưởng Mỹ nêu rõ mục tiêu của Washington không phải là dùng vũ lực
để thay đổi chế độ tại Syria hay can thiệp dài hạn vào tình hình quốc
gia này. Tuy nhiên, ông tái khẳng định lập trường của Washington rằng "một Syria
độc lập, thống nhất và ổn định cần sự ra đi của chính quyền Tổng thống
Bashar al-Assad và đồng minh Iran".
Theo như lời quan chức ngoại giao này, sự hiện diện quân sự của Mỹ tại
đây nhằm thúc đẩy ổn định tình hình, qua đó cho phép nối lại tiến trình
hòa bình do Liên hợp quốc dẫn đầu.
Mỹ hiện có khoảng 2.000 lính bộ binh tại Syria và triển khai các máy bay
chiến đấu tuần tra khu vực miền Đông nước này nhằm truy lùng những phần
tử còn sót lại của IS.
Hồi cuối tháng 12/2017, trong vòng đàm phán lần thứ 8 về Syria ở Astana
(Kazakhstan), Trưởng phái đoàn đàm phán của Chính phủ Syria, tiến sỹ
Bashar al-Jaafari, đã tuyên bố chính phủ nước này coi sự hiện diện của
quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ trên lãnh thổ Syria là một hành động xâm lược
và yêu cầu các lực lượng nước ngoài ngay lập tức rút quân khỏi nước này
một cách vô điều kiện.
Trước đó, đầu tháng 12/2017, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra chỉ thị
cho các lực lượng Nga tại Syria bắt đầu rút quân khỏi quốc gia Trung
Đông này, tuy nhiên khẳng định Moskva sẽ vẫn duy trì lâu dài căn cứ
Hmeymim ở tỉnh Latakia cũng như quân cảng Tartous./.
(TTXVN)