Thứ Sáu, 11/10/2024
Thế giới
Thứ Năm, 13/10/2011 20:50'(GMT+7)

Mỹ khẳng định trọng tâm đối ngoại ở châu Á

Hai con tàu USS George Washington và USS Chung-hoon của Mỹ trên vùng biển tây Thái Bình Dương, một phần trong sự hiện diện của Mỹ tại khu vực.

Hai con tàu USS George Washington và USS Chung-hoon của Mỹ trên vùng biển tây Thái Bình Dương, một phần trong sự hiện diện của Mỹ tại khu vực.

Định hướng chiến lược ngoại giao này được nhà ngoại giao cao cấp nhất của Mỹ vạch ra rõ ràng trong bài viết đăng trên tạp chí Foreign Policy số tháng 11, trước khi Mỹ chủ trì Hội nghị thượng đỉnh APEC tháng 11 tại Hawaii. Cụ thể, chiến lược đó bao gồm các điểm đáng chú ý sau.

Rút dần khỏi Iraq và Afghanistan, chuyển sang châu Á

“Khi cuộc chiến ở Iraq giảm thiểu và Mỹ bắt đầu rút các lực lượng khỏi Afghanistan, nước Mỹ đứng trước một cột mốc quan trọng. Trong 10 năm qua, Mỹ đã dành các nguồn lực to lớn cho hai chiến trường này. Trong 10 năm tới, chúng ta cần phải thông minh và cân nhắc một cách có hệ thống về nơi chúng ta sẽ đầu tư thời gian và sức lực, để đặt mình vào vị trí tốt nhất nhằm duy trì sự lãnh đạo, đảm bảo lợi ích và thúc đẩy các giá trị của chúng ta.

Do đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của vai trò lãnh đạo của Mỹ trong thập kỷ tới sẽ là đầu tư vào ngoại giao, kinh tế, chiến lược và các lĩnh vực khác ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương", bà Clinton mở đầu bài viết dài 8 trang.

Châu Á Thái Bình Dương đã trở thành một động lực của chính trị thế giới với những cỗ máy kinh tế trọng yếu của nền kinh tế toàn cầu, đồng thời cũng có nhiều nước phát thải khí lớn nhất. Ở đó có các đồng minh chủ chốt của Mỹ và có các cường quốc đang nổi như Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia.

Vào thời điểm khu vực này đang xây dựng một kiến trúc an ninh và kinh tế chin muồi hơn để thúc đẩy ổn định và thịnh vượng, cam kết của Mỹ ở đó là thiết yếu. Đã đến lúc Mỹ giúp xây dựng các cấu trúc và thể chế như từng làm ở châu Âu sau thế chiến II, cấu trúc đã và đang đem lại vô vàn lợi ích cho Mỹ. Và giờ đây, Mỹ cần làm như vậy ở châu Á, với tư cách là một quốc gia châu Á Thái Bình dương.

Ở các nước, nhiều người đang phân vân về ý định của Mỹ - liệu Mỹ có sẵn sàng duy trì hiện diện và lãnh đạo hay không. Ở châu Á, người ta đang hỏi liệu Mỹ có thực sự muốn ở đó, hay là sẽ bị phân tán bởi các sự kiện ở những nơi khác, liệu Mỹ có thể đưa ra và thực hiện các cam kết đang tin cậy về kinh tế và chiến lược, liệu Mỹ có hậu thuẫn các cam kết đó bằng hành động cụ thể hay không. Câu trả lời đây: Có, chúng tôi sẽ làm được.

Nắm bắt được sự tăng trưởng và năng động của châu Á là điều thiết yếu đối với lợi ích kinh tế và chiến lược của Mỹ và là một ưu tiên quan trọng cho Tổng thống Obama. Thị trường mở ở châu Á đem lại cho nước Mỹ những cơ hội to lớn về đầu tư, thương mại, và tiếp cận với công nghệ tiên tiến. Về mặt chiến lược, duy trì hòa bình và an ninh trong toàn bộ khu vực châu Á Thái Bình Dương ngày càng trở nên quan trọng đối với tiến bộ thế giới, dù đó là việc bảo đảm tự do hàng hải trong khu vực Biển Đông, chống phổ biến vũ khí của Bắc Triều Tiên hay bảo đảm sự minh bạch trong các hoạt động quân sự của các cường quốc trong khu vực.

Châu Á rất quan trọng đối với tương lai của Mỹ, và sự can dự của Mỹ cũng quan trọng với tương lai châu Á.

Thực hiện chiến lược châu Á Thái Bình dương

Bà Clinton khẳng định Mỹ đã và đang tiếp tục trở lại châu Á với giải thích: “Trước hết, điều này đòi hỏi có sự cam kết bền vững với điều tôi gọi là ngoại giao “đi đầu”, mang tất cả các nguồn lực ngoại giao của chúng ta đến tất cả các nước và ngóc ngách của khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Chiến lược của chúng ta phải tiếp tục tính đến và phù hợp với những chuyển biến nhanh chóng và năng động đang diễn ra khắp châu Á.

Công việc của chúng ta sẽ tiến triển theo 6 đường hướng hoạt động chính: tăng cường các liên minh an ninh song phương; làm sâu sắc quan hệ với các cường quốc đang nổi lên, kể cả Trung Quốc; gắn kết với các cơ chế đa phương ở khu vực; mở rộng thương mại và đầu tư; xây dựng một sự hiện diện quân sự rộng rãi; và thúc đẩy dân chủ và nhân quyền.”

Clinton đánh giá cao mối quan hệ với các đồng minh quan trọng trong khu vực gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, cũng như Thái Lan, Philippines.

Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp cận và xây dựng quan hệ đối tác tốt với các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Singapore, New Zealand, Malaysia, Mông cổ, Việt Nam, Brunei và các nước hải đảo ở Thái Bình Dương, bởi đó là một phần của nỗ lực lớn nhằm bảo đảm chiến lược và sự can dự của Mỹ trong khu vực.

Quan hệ với Trung Quốc chiếm phần quan trọng của bài viết khi bà Clinton nhấn mạnh: “Trong hai năm rưỡi qua một trong những ưu tiên trong chính sách đồi ngoại của Mỹ là xác định và mở rộng lợi ích chung, cùng làm việc với Trung Quốc để xây dựng độ tin tưởng lẫn nhau và khuyến khích các nỗ lực tích cực của Trung Quốc trong công việc gải quyết khó khăn toàn cầu. Hai bên đã phát động Đối thoại chiến lược và Kinh tế để trao đổi rộng rãi về những vấn đề bức thiết nhất trong quan hệ hai bên, từ những vấn đề an ninh đến nhân quyền.

“Trên mặt trận kinh tế, Mỹ và Trung Quốc cần phải cùng nhau làm việc để đảm bảo cho sự tăng trưởng kinh tế thế giới mạnh mẽ, bền vững và cân đối. Sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, Mỹ và Trung Quốc đã làm việc một cách hiệu quả trong G-20 để kéo kinh tế thế giới khỏi bờ vực thẳm". Ngoại trưởng cũng nhắc đến những khác biệt quan điểm giữa hai nước trong các vấn đề dân chủ và nhân quyền. Tuy nhiên, "lẽ tất nhiên không có một cuốn sách hướng dẫn có sẵn nào, nhưng mối quan hệ này là rất quan trọng", Clinton kết luận về quan hệ với đối tác Trung Quốc.

Các quốc gia quan trọng khác trong chính sách của Mỹ phải kể đến Ấn Độ, Indonesia, hai trong số các cường quốc dân chủ năng động và quan trọng nhất ở châu Á.

"Tuyến đường biển từ Ấn Độ Dương qua eo Malacca đến Thái Bình Dương có các tuyến hàng hải năng lượng và thương mại sống động nhất thế giới. Hai nước Ấn Độ và Indonesia với tổng số dân chiếm ¼ dân số thế giới. Hai nước là những động lực chính của nền kinh tế thế giới, là những đối tác quan trọng đối với Mỹ, và ngày càng trở thành những nước đóng góp quan trọng cho hòa bình và an ninh ở khu vực. Tầm quan trọng của hai nước này sẽ ngày càng mở rộng trong những năm tới".

Xác định rõ tầm quan trọng của các mối quan hệ đa phương, bà Clinton giải thích vì sao Mỹ coi trọng sự can dự qua các cơ chế như ASEAN, APEC, và đó cũng là lý do Tổng thống Obama đã thiết lập phái bộ Mỹ tại Jakarta cũng như sẽ tham gia Hội nghị thượng đỉnh Đông Á.

“Những thách thức của khu vực này đang thay đổi nhanh chóng – từ các cuộc tranh chấp lãnh thổ và biển đến các mối đe dọa mới đối với tự do hàng hải đến tác động cao của thiên tai – đòi hỏi Mỹ phải theo đuổi một tư thế sức mạnh bền vững về chính trị, linh hoạt về ứng phó và phân bổ đều về địa lý", Clinton viết.

“Mỹ đang hiện đại hóa các hiệp định về căn cứ với các đồng minh truyền thống ở Đông Bắc Á trong khi tăng cường sự có mặt tại Đông Nam Á và vào Ấn Độ Dương. Ví dụ, Mỹ sẽ triển khai các tầu chiến duyên hải đến Singapore, và nghiên cứu các cách thức để tăng cơ hội để quân đội hai nước cùng huấn luyện và hoạt động".

Đẩy mạnh đầu tư và thương mại, qua đó góp phần thúc đẩy kinh tế Mỹ - một trong những nhiệm vụ của ngoại giao - cũng được bà Clinton dành nhiều sự chú ý. Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TTP) cũng như các cơ chế hợp tác kinh tế trong Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á Thái bình dương (APEC) được nhắc đến như là những công cụ để Mỹ có thể can dự về mặt kinh tế, mang lại lợi ích chung cho các bên tham gia.

Sáng tạo trong đối ngoại

Để đi đến một kết luận cho bài biết của mình, ngoại trưởng Mỹ khẳng định điều quan trọng là Mỹ phải đổi mới tư duy về chính sách đối ngoại.

“Trong thập kỷ qua, chính sách đối ngoại của Mỹ đã chuyển biến từ các nỗ lực trong bối cảnh hòa bình hậu Chiến tranh Lạnh sang những nhiệm vụ cấp bách phát sinh bởi chiến tranh Iraq và Afghanistan. Khi các cuộc chiến này đi đến hồi kết, Mỹ cần phải tăng tốc để tiếp cận với thực tế mới trên toàn cầu", Clinton chỉ rõ.

Ngoại trưởng Mỹ không quên nhấn mạnh ý nghĩa sống còn giữa Mỹ với châu Âu, nơi Mỹ có các đồng minh truyền thống, các đối tác hàng đầu luôn sát cánh cùng Mỹ đối phó với các thách thức toàn cầu. Bà cũng nhắc đến phong trào của người dân ở Bắc Phi và Trung Đông. "Họ đang vạch ra một lộ trình mới mang ý nghĩa toàn cầu sâu sắc. Châu Phi chứa đựng những tiềm năng khổng lồ chưa được khai thác về phát triển kinh tế và chính trị trong những năm tới".

Mỹ Latin, các nước ở tây bán cầu không chỉ là những thị trường xuất khẩu lớn của Mỹ mà còn đang đóng vai trò to lớn trong chính trị và kinh tế thế giới, Clinton bình luận.

"Mỗi khu vực đều đòi hỏi sự can dự và lãnh đạo của Mỹ. Và Mỹ sẵn sàng lãnh đạo", bà khẳng định.

Clinton chỉ ra rằng thực tế mới trên thế giới đòi hỏi Mỹ phải đổi mới, phải cạnh tranh và phải dẫn đầu theo những cách thức mới. Thay vì níu kéo thế giới, Mỹ cần tiến lên và đổi mới sự lãnh đạo. Trong lúc nguồn lực hiếm hoi, rõ ràng là Mỹ cần phải đầu tư một cách thông minh vào những nơi mang lại lợi ích lớn nhất.

"Đó chính là lý do tại sao châu Á là một cơ hội thực sự cho chúng ta trong thế kỷ 21", ngoại trưởng Mỹ kết luận./.

(Theo: VnExpress)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất