Ngày 22/3, Trung tâm Kiểm soát và phòng
ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) đã khuyến cáo các nhân viên y tế sử dụng các
thiết bị bảo hộ y khoa đạt tiêu chuẩn trong quá trình đỡ đẻ và chăm sóc
trẻ sơ sinh nhằm ngăn ngừa và phòng chống nguy cơ lây nhiễm virus Zika
sang trẻ em sơ sinh.
Theo CDC, vì những người nhiễm virus Zika không có bất cứ biểu hiện gì
nên các nhân viên y tế luôn luôn phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa
sự lây nhiễm virus này như rửa tay, sử dụng thiết bị bảo hộ cá nhân như
khẩu trang và găng tay, đảm bảo an toàn khi tiêm cho trẻ em và xử lý
diệt khuẩn các thiết bị có khả năng mang virus.
Cũng theo CDC, nhiều nghiên cứu cho thấy các nhân viên y tế làm việc
trong lĩnh vực nhi khoa và sản khoa có xu hướng không tuân theo các qui
định về đồ dùng cá nhân như trang phục, khẩu trang, găng tay y tế . Điều
này đã gây lo ngại về nguy cơ lây nhiễm các loại bệnh do virus trong
quá trình điều trị.
Cùng ngày, Bộ Y tế Brazil cho biết số trường hợp trẻ sơ sinh bị nghi ngờ
và được xác nhận mắc bệnh đầu nhỏ ở nước này đã tăng tới 5.200 trường
hợp trong tuần tính đến hết ngày 19/3. Trong đa phần các trường hợp đã
được khẳng định bị bệnh đầu nhỏ, các nghiên cứu cho thấy có sự liên quan
với virus Zika. Trước đó, trung bình mỗi năm Brazil chỉ có khoảng 150
trẻ em bi bệnh đầu nhỏ.
Virus Zika bắt đầu bùng phát tại các nước Nam Mỹ từ năm 2015 trở thành
đợt bùng phát dịch mạnh nhất từ trước tới nay. Brazil là quốc gia bị ảnh
hưởng nặng nề nhất với khoảng 1,5 triệu ca nhiễm trong khi Colombia là
đứng thứ hai.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu về
virus Zika do tốc độ lan truyền nhanh chóng. Theo WHO, quy mô lây lan
virus Zika có thể rộng hơn, bởi muỗi Aedis aegypti - vật trung gian lây
truyền virus Zika - đã xuất hiện tại 130 quốc gia trên thế giới. Hiện
gần 50 quốc gia và vùng lãnh thổ đã ghi nhận các trường hợp lây nhiễm.
Cho đến nay, chưa có vắcxin hay thuốc đặc trị virus Zika. Triệu chứng
phổ biến nhất khi nhiễm virus là sốt, viêm kết mạc, nhức đầu, đau cơ và
khớp, phát ban./.
Theo TTXVN