Ngày 1/8, Nga đã chính thức cho phép cựu điệp viên CIA Edward Snowden
được tị nạn tại nước này với thời hạn một năm, khiến phía Mỹ phản ứng
gay gắt, các quan chức Mỹ thậm chí còn tính đến việc hủy kế hoạch gặp
thượng đỉnh Obama-Putin tại Moscow vào tháng 9 tới.
Quan hệ Nga-Mỹ là một trong những mối quan hệ quan trọng mà sự thăng
trầm của nó có thế ảnh hưởng đến những vấn đề toàn cầu, khiến dư luận
quốc tế đặc biệt quan tâm.
Chưa kịp thăng…
Ngày 7/5, một động thái làm nhiều nhà quan sát thái bất ngờ khi Robert
Mueller, Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ tới thăm Moscow thảo luận về
việc xây dựng lại mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan an ninh
hai nước.
Có vẻ sau vụ khủng bố ở Boston, Mỹ đã nhận ra sự phối hợp chân thành và hiệu quả của ngành tình báo Nga.
Trước đó, Nga đã cảnh báo nguy cơ khủng bố liên quan đến hai anh em nhà
Tsarnaev người gốc Chechnya (Nga). Nhưng tình báo Mỹ đã bỏ qua cảnh báo
đó cho đến khi vụ đánh bom kép nổ ra... Các nhà phân tích cho rằng,
thảm kịch Boston có thể là chất xúc tác giúp ông Obama và ông Putin có
cơ hội làm những gì họ đã rất muốn thực hiện nhằm cải thiện mối quan hệ
đôi bên theo chiều hướng tốt đẹp hơn.
Phát biểu trong cuộc gặp Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nhân chuyến thăm
Nga (7 và 8/5), Tổng thống Nga Putin nói: “Thật phấn khởi vì liên hệ của
chúng tôi với các đồng nghiệp Mỹ được ủng hộ ở tất cả các cấp và trên
cơ sở thường xuyên”. Ông cũng cho biết đã hai lần nói chuyện với nhà
lãnh đạo Mỹ trên điện thoại: “Chúng tôi đã có cơ hội nói về nhiều khía
cạnh trong mối quan hệ và sẽ có nhiều dịp gặp gỡ trong năm nay”.
Cũng tại Moscow ngày 7/5, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov và
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã cùng đồng thuận tổ chức hội nghị quốc tế
về vấn đề Syria. Kế hoạch Geneva mà Nga và Mỹ cùng đề xuất cũng đã được
ghi nhận tại Hội nghị G8 và hiện đang xúc tiến.
Đó là những dấu hiệu tích cực trong quan hệ hai nước.
…Đã lại trầm
Tuy nhiên, ngay sau đó (14/5) Nga đã cho công bố vụ bắt giữ điệp viên
Mỹ tại Moscow, diễn ra chỉ sau 7 ngày khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tới
Moscow và dường như đã đạt một bước đột phá ngoại giao quan trọng với
một sáng kiến chung Nga - Mỹ trong nỗ lực đưa các bên cả chính phủ Syria
và phe đối lập vào bàn đàm phán.
Theo công bố của Nga, điệp viên Mỹ bị bắt là một quan chức Mỹ mang theo
dụng cụ hành nghề gián điệp và tiền mặt để dụ dỗ các điệp viên “hai
mang” tiềm ẩn của Nga, với lời hứa họ sẽ còn nhận được nhiều tiền hơn
thế nếu làm việc có hiệu quả.
Theo giới phân tích, với động thái bắt điệp viên Mỹ vào thời điểm này,
Cơ quan An ninh Nga có thể đang cố gắng làm gia tăng căng thẳng giữa ông
Kerry và CIA, vì CIA trước đây đã tùy tiện mở một cuộc tấn công bằng
máy bay không người lái ở Pakistan, khiến ông John Kerry mất mặt. Hoặc
rất có thể, Cơ quan An ninh Nga đã tìm kiếm một cách đáp trả cho vụ điệp
viên Nga bị phát hiện tại Mỹ năm 2010.
Chỉ sau hơn hai tháng quan hệ Nga-Mỹ lại càng “nóng hơn” trước việc
Edward Snowden được Nga cấp phép tỵ nạn tạm thời tại, khiến Mỹ tỏ ra
“rất thất vọng”. Washington nhiều lần nhấn mạnh rằng Snowden vi phạm
luật pháp Mỹ và nên được dẫn độ không kèm theo bất cứ điều kiện gì.
Đích thân tổng thống Mỹ Obama từng điện đàm với Tổng thống Putin về vấn
đề này. Song Điện Kremlin khẳng định nước Nga “chưa từng, không và sẽ
không dẫn độ bất kỳ ai”, nhưng cũng nỗ lực đề cao mối quan hệ với Mỹ, và
nói rằng vụ Snowden không nên và không thể ảnh hưởng đến mối quan hệ
này.
“Tái khởi động” khó diễn ra
Mặc dù chiến tranh lạnh đã qua đi hơn 20 năm, nhưng mối quan hệ mang
tính đối kháng còn “tồn đọng”. Sự ám ảnh của tính khác biệt về ý thức hệ
và chế độ chính trị, sự cân bằng chiến lược và thực lực quân sự giữa
hai cường quốc... Vì thế, cho dù hai bên đều thể hiện mong muốn tăng
cường hợp tác, nhưng hành động thực tế vẫn còn có khoảng cách khá lớn.
Nước Mỹ dưới thời Tổng thống Obama, tuy đã tuyên bố chấp nhận một thế
giới đa cực, nhưng trên thực tế vẫn theo đuổi mục tiêu nắm quyền “lãnh
đạo” thế giới, và Mỹ vẫn chưa thật sự chấp nhận sự trỗi dậy của Nga với
không gian hậu Xô Viết - SNG nằm trong phạm vi ảnh hưởng của nước này.
Giới phân tích cho rằng, “mong muốn” của Mỹ về xây dựng mối quan hệ hợp
tác chiến lược với Nga mới chỉ là sự tuyên bố, còn trên thực tế lại
chưa đưa ra nhượng bộ nào đáng kể về cắt giảm kho vũ khí chiến lược, hệ
thống NMD châu Âu, kế hoạch mở rộng NATO về phía đông, không can thiệp
từ bên ngoài vào Iran, chấp nhận quyền của Iran đối với chương trình hạt
nhân vì mục đích hòa bình... khiến quan hệ Nga-Mỹ không thể có được
những bước tiến triển thực chất, vì thể việc “tái khởi động” khó có thể
diễn ra trong bối cảnh hiện nay.
Các chuyên gia cũng nhận định, nếu như quan hệ Nga-Mỹ rơi vào trạng
thái “đóng băng” hoặc “ngầm đối đầu” mới, hợp tác song phương về vấn đề
Afghanistan, vấn đề hạt nhân Iran… sẽ ngừng lại, điều này sẽ bất lợi cho
cả hai bên, đặc biệt là với Mỹ. Dư luận cho rằng, Mỹ và Nga cần phải
gia tăng độ tin cậy lẫn nhau, và hành động nhiều hơn nữa, nhất là từ
phía Mỹ, như ông Putin từng nhấn mạnh, “điều mấu chốt vẫn là Mỹ thực
hiện cam kết như thế nào”.
Như vậy, từ những động thái hợp tác mới về tình báo chống khủng bố, về
quan điểm và giải pháp giải quyết khủng hoảng ở Syria và những vấn đề
theo kế hoạch hai nước đã đề ra, khiến dư luận kỳ vọng vào quan hệ mới
của hai cường quốc Nga-Mỹ có thể có đóng góp tích cực vào giải quyết
những vấn đề quốc tế quan trọng.
Tuy nhiên, việc “tái khởi động” xem ra lại khó hơn, nhất là sau việc Nga cho Snowden tỵ nạn chính trị tại đây.
Như vậy, sự tác động tiêu cực đến kế hoạch gặp thượng đỉnh hai nước Nga-Mỹ tại Moscow vào tháng 9 tới là viễn cảnh khó tránh./.
Nguyễn Nhâm (Nhân dân)