Ngày 19/12, Bangladesh và Myanmar đã thành lập một nhóm công tác chung
giám sát việc hồi hương những người tị nạn Rohingya, tuy nhiên việc
triển khai kế hoạch hồi hương có khả năng bị trì hoãn.
Theo thỏa thuận được hai nước ký ngày 23/11 vừa qua tại Dhaka, nhóm công
tác gồm 30 thành viên có nhiệm vụ đề ra các thủ tục để bắt đầu hồi
hương tự nguyện, tái định cư cũng như tái hòa nhập người tị nạn
Rohingya.
Việc hồi hương cho người Rohingya dự kiến sẽ bắt đầu vào khoảng
21/1/2018. Tuy nhiên, một quan chức ngoại giao của Bangladesh tham dự
cuộc họp nói trên cho biết việc triển khai kế hoạch này có thể bị trì
hoãn vài tuần.
Theo thỏa thuận trên, Myanmar sẽ tiếp nhận trở lại người Rohingya sau
khi Bangladesh gửi cho phía Myanmar các thông tin cá nhân của người hồi
hương.
Trong thỏa thuận, phía Myanmar cam kết áp dụng các biện pháp ngăn chặn
dòng người Rohingya chạy nạn sang Bangladesh, khôi phục lại tình trạng
bình thường ở bang Rakhine và khuyến khích người tị nạn tình nguyện trở
về nơi trước đây họ từng sinh sống hoặc một nơi an toàn mà họ chọn.
Myanmar không công nhận người Rohingya là một trong các dân tộc thiểu số
của nước mình, và gọi họ là người Bengalis - hay người nhập cư bất hợp
pháp từ nước Bangladesh láng giềng - dù nhiều người đã sống tại Myanmar
qua nhiều thế hệ.
Hơn 630.000 người Rohingya đã chạy nạn đến Bangladesh kể từ khi quân đội
Myanmar mở chiến dịch an ninh hồi tháng Tám sau vụ tấn công 24 đồn cảnh
sát và đột nhập một căn cứ quân sự tại bang này. Một nhóm vũ trang
người Rohingya bị cáo buộc tiến hành vụ tấn công này.
Việc người Rohingya, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, ồ ạt vượt biên giới
sang Bangladesh có nguy cơ bùng nổ thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo
quy mô lớn, đòi hỏi các nỗ lực và hành động quốc tế nhằm đáp ứng những
nhu cầu cứu trợ ngày càng tăng, nhất là về lương thực, nước uống, dịch
vụ vệ sinh, chăm sóc y tế và chỗ ở.
Hiện chưa rõ có bao nhiêu người được chấp nhận trở lại Myanmar, cũng như tiến trình hồi hương sẽ kéo dài trong bao lâu./.
(TTXVN)