Thứ Bảy, 5/10/2024
Sức khỏe
Thứ Bảy, 21/3/2009 19:1'(GMT+7)

Năm 2008: Gần 412.000 đơn vị máu từ hiến máu tình nguyện

Tuôỉ trẻ tình nguyện hiến máu.

Tuôỉ trẻ tình nguyện hiến máu.

Thông tin trên được Tiến sĩ Trần Ngọc Tăng, Chủ tịch Hội chữ thập đỏ Việt Nam đưa ra tại Hội nghị triển khai công tác vận động hiến máu tình nguyện (HMTN) năm 2009 do Ban chỉ đạo quốc gia vận động HMTN, Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương… vừa tổ chức tại Hà Nội.

Theo ông Tăng, đến nay cả nước đã có 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thành lập Ban chỉ đạo vận động HMTN cấp tỉnh, thành phố. Năm 2008, tổng số máu thu được (tính từ 30-10-2007 đến 30-10-2008) trên toàn quốc là 564.401 đơn vị (= 155.859 lít). Trong đó, ngoài 411.817 đơn vị máu thu được từ người HMTN còn có 114.040 đơn vị máu thu được từ người cho máu chuyên nghiệp; 36.270 đơn vị máu do người nhà hiến và 2.275 đơn vị do những người hiến máu tự thân. Tuy nhiên, lượng máu thu được mới chỉ đáp ứng được 35% nhu cầu cho cấp cứu và điều trị người bệnh mỗi năm tại Việt Nam. Ông Tăng cũng cho biết, năm 2009, Ban chỉ đạo vận động quốc gia HMTN đề ra chỉ tiêu phải thu được từ 610.000 đến 620.000 đơn vị máu, phải đạt 75% người hiến máu tình nguyện và 0,7% tỷ lệ dân số hiến máu.

Tại hội nghị, các đại biểu từ TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đà Nẵng… đã có tham luận về kinh nghiệm công tác tuyên truyền vận động HMTN, công tác tổ chức, quản lý thông tin người cho máu và tôn vinh khen thưởng phù hợp… PGS. TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện huyết học-Truyền máu Trung ương cho rằng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền vận động người HMTN sao cho trở thành một phong trào xã hội hóa. Ông Trí đã nhấn mạnh thực trạng thiếu người hiến máu vào dịp hè, dịp Tết (vì lực lượng hiến máu chủ yếu là học sinh, sinh viên) nên cần mở rộng hơn tới thanh niên ngoài học sinh, sinh viên; mở rộng cả đối tượng là trung niên. “Cần đẩy mạnh hơn nữa tuyên truyền vận động hiến máu nhân đạo trong các cơ quan, xí nghiệp, công ty, đơn vị, địa phương, lực lượng công an, quân đội để xây dựng lực lượng hiến máu dự bị thực chất và hiệu quả”, ông Trí nói.

Vấn đề kinh phí cho công tác tuyên truyền vận động cũng được nhiều đại biểu dự hội nghị quan tâm. Theo thông tư 40/2007/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định: Kinh phí để tuyên truyền vận động là 30.000đồng/đơn vị máu thu gom được; Chỉ khi thu gom được máu mới được tính để thanh toán và dùng xong mới có tiền trả lại để thanh toán cho công tác tuyên truyền vận động; Các địa phương, đơn vị phải bố trí thêm kinh phí để tuyên truyền vận động hiến máu nhân đạo. Theo ông Trí, với kinh phí quá ít này, công tác tuyên truyền vận động sẽ rất khó khăn vì “rất bị động cho các Ban chỉ đạo làm tuyên truyền vận động (vì phải xin từ các đơn vị thu gom); dòng vốn lưu chuyển rất chậm và bất hợp lý; thủ tục rườm rà, phức tạp và làm đội giá của một đơn vị máu lên cao hơn”. Ông Trí cũng đưa ra một số giải pháp và kiến nghị cho vấn đề này, đó là: kinh phí cho hoạt động tuyên truyền vận động hiến máu nhân đạo phải dựa vào tổng lượng máu thu gom được và với mức khoảng 100.000đồng/đơn vị; kinh phí phải do Nhà nước đầu tư, cấp thẳng cho Ban chỉ đạo Quốc gia (hoặc Chữ thập đỏ) để từ đó phân bổ cho Ban chỉ đạo các tỉnh (không nên cấp thẳng về các Trung tâm truyền máu như hiện nay); kinh phí cần tính đúng, tính đủ; không nên tính vào bảng giá máu và chế phẩm máu…

Hội nghị cũng đã đưa ra dự thảo kế hoạch tổ chức “Chiến dịch mùa hè đỏ” năm 2009. Chương trình nhằm kêu gọi, động viên các lực lượng xã hội tham gia vận động hiến máu tình nguyện, góp phần khắc phục tình trạng thiếu máu trong dịp hè. Chiến dịch có quy mô toàn quốc và kéo dài trong 3 tháng từ 1-6 đến 30-8-2009 do Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Bộ Y tế, Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương và Hội Thanh niên tình nguyện vận động hiến máu nhân đạo phối hợp tổ chức phát động. Dự kiến Chiến dịch mùa hè đỏ sẽ được duy trì và phát triển trong những năm tiếp theo.

(QĐND Online)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất