Thứ Tư, 25/9/2024
Kinh tế
Thứ Ba, 21/10/2008 21:5'(GMT+7)

Năm 2009: Tăng giá điện, nước tuỳ thuộc vào tình hình cụ thể

 Bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh đã trao đổi với phóng viên báo chí về chủ trương tăng giá một số mặt hàng từ năm 2009, trong đó có cả 2 loại mặt hàng thiết yếu điện và nước

PV: Thưa Bộ trưởng, đã có phương án cụ thể cho việc tăng giá 2 mặt hàng trên chưa?

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh: Giá nước phải tuỳ thuộc vào điều kiện cụ thể của từng địa phương. Nhà nước chỉ quy định khung. Có nơi sử dụng khung cao, có nơi sử dụng khung thấp. Mức bình quân ở mỗi nơi một khác. Tuy nhiên, về cơ bản, chúng ta đang dần tiến tới thực hiện kinh doanh. Ví dụ ở Hà Nội đang sử dụng mức giá luỹ tiến, nơi nào sử dụng nhiều tất phải trả nhiều tiền. Tuy nhiên, Hà Nội cũng đưa ra những mức quy định khác nhau với các đối tượng khác nhau. Người lao động có mức thu khác, cơ sở sản xuất kinh doanh có mức thu khác. Đối với cơ sở kinh doanh mức thu phải đảm bảo mức kinh doanh, còn với người lao động hiện vẫn đang được bao cấp. Nhưng tính bình quân, nếu đảm bảo được hạch toán của Công ty kinh doanh nước thì tôi cho rằng không nhất thiết phải điều chỉnh. Vừa rồi báo chí cũng nêu ra ở một vài nơi, giá nước rất thấp. Do vậy chúng tôi còn phải xem xét, chứ không thể trả lời chung rằng tất cả đều phải điều chỉnh là không chính xác.

PV: Thưa Bộ trưởng, tại sao lại có hiện tượng hạch toán giá nước có nơi là 4.300 đồng/m3, có nơi chỉ có 2.100 đồng/m3?

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh: Như tôi đã nói ở trên, đó là tuỳ thuộc vào tình hình sản xuất kinh doanh của từng khu vực. Khi đào giếng, giếng sâu khác với giếng nông; khai thác nước mặt khác với nước ngầm, do đó dẫn đến chi phí hình thành khác nhau, không thể có mức giá thành như nhau được. Việc sản xuất của bất cứ doanh nghiệp nào cũng vậy, cũng phải phụ thuộc từ nguồn cung ứng vật liệu và nhiều đầu vào khác mới hình thành nên mức chi phí.

PV: Ngành điện cho rằng lạm phát tăng từ 5% trở lên là có thể tăng giá điện, nếu nói như vậy thì năm nào giá điện cũng phải tăng lên bởi lạm phát của nước ta không thể thấp hơn mức này?

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh: Đây không phải là một căn cứ. Tăng giá căn cứ vào nhiều yếu tố. Rõ ràng nhiều lúc lạm phát tăng nhưng giá một số mặt hàng vẫn thấp, đó là tuỳ thuộc vào tình hình sản xuất kinh doanh, kết quả, chi phí kinh doanh ra sao có hợp lý hay không… xét tất cả các yếu tố đó để hình thành nên giá chứ không phải cứ lạm phát tăng là giá tăng theo mức tỷ lệ thuận. Nhiều mặt hàng mặc dù mức lạm phát lên cao nhưng Nhà nước vẫn giữ giá ổn định.

PV: Vậy từ năm 2009, giá một số mặt hàng chắc chắn sẽ tăng, trong đó sẽ có cả điện và nước?

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh: Tôi không thể không nói như vậy, nhưng về cơ bản vẫn phải phụ thuộc vào tình hình cụ thể. Trong khi chúng ta đang chống lạm phát, Nhà nước bảo không tăng thì sẽ khác. Còn nếu hoạt động bình thường thì tuỳ vào tình hình sản xuất, kinh doanh.

PV: Nhưng có một thực tế là hiện ngành nào cũng muốn tăng giá, vậy vấn đề an sinh xã hội sẽ được giải quyết thế nào, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh: Nhà nước có quy định những mặt hàng nào Nhà nước quản lý thì Nhà nước sẽ có ý kiến. Những mặt hàng mà Nhà nước không quản lý nhưng yêu cầu giám sát thì doanh nghiệp phải đăng ký. Nhà nước sẽ xem xét những đăng ký đó, nếu hợp lý thì thực hiện, không hợp lý phải dừng lại.

PV: Chính sách của Nhà nước ta là người giàu thì phải đóng góp cao, còn người nghèo thì được hỗ trợ. Vậy nên chăng tính đến giải pháp không tăng đối với các đối tượng có mức tiêu thụ thấp, bởi hiện nay đối tượng này chiếm số lượng lớn?

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh: Đợt điều chỉnh giá điện vừa rồi chúng ta đã thực hiện đúng như vậy. Tôi đảm bảo đợt điều chỉnh vừa rồi, với những đối tượng tiêu thụ ở mức thấp là chi phí không tăng./.

TG (Theo VOVNews)

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất