Qua những câu chuyện đầu năm trên báo chí, nhiều chuyên gia kinh tế đã đưa ra những nhận định tương đối lạc quan về triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm Canh Dần.
Tuy nhiên tại cuộc trao đổi với chúng tôi, nhân vật được ví như một “cá mập lớn” trên thị trường, ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) lại có cái nhìn tương đối thận trọng.
Thưa ông, theo thông lệ vào dịp đầu xuân mọi người thường có thói quen gieo quẻ đoán thời vận. Vậy ông có thể đưa ra nhận định về thời vận của thị trường trong năm con hổ?
Theo tôi, thông tin trên thị trường đang có tính hai mặt. Tin tốt là Chính phủ đang nỗ lực duy trì tốc độ tăng trưởng lành mạnh. Những tin xấu kèm theo là khả năng lạm phát của năm nay rất là cao, bội chi ngân sách vẫn tiếp tục, gói kích cầu thứ nhất dừng lại cũng ảnh hưởng nhiều đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp.
Trong một môi trường, cả tin xấu và tin tốt đan xen như thế mà đưa ra dự đoán một chiều là không thể nói được. Tôi nhìn nhận, thị trường năm tới vẫn sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều từ các chính sách tiền tệ, những động thái của Chính phủ có tính quyết định đến thị trường.
Nếu chính sách tiền tệ tiếp tục bị thắt chặt, tôi nghĩ thị trường sẽ xấu. Nhưng nếu chính sách vẫn tiếp tục bơm tiền ra để duy trì tăng trưởng thì xu hướng thị trường sẽ tốt.
Vậy dưới góc độ phân tích kinh tế vĩ mô, ông dự đoán xu hướng cụ thể thị trường trong thời điểm nửa đầu của năm sẽ ra sao?
Thị trường tiền tệ sẽ không có điều chỉnh lớn. Bởi cả hai yếu tố tăng trưởng và kiềm chế lạm phát đều rất quan trọng. Câu chuyện sẽ rộng hơn, có nhiều khả năng vẫn phải tiếp tục duy trì tăng trưởng nhưng chỉ tập trung vào các lĩnh vực hiệu quả, nhằm giảm bớt ICOR (Hệ số sinh lời từ đồng vốn đầu tư - PV). Như vậy, vẫn có thể siết chính sách tiền tệ một chút để chống lạm phát nhưng vẫn không ảnh hưởng đến tăng trưởng.
Vậy nên quý 1/2010, chính sách tiền tệ chưa thay đổi nhiều nên tôi cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ không có biến động lớn. Một điểm khác của năm nay, thị trường sẽ khó có sự tăng trưởng 40%-50% như năm ngoái. Bởi hiện tại, xuất phát điểm đã không còn thấp như năm qua, mức tăng trưởng của thị trường khoảng 20% là hợp lý.
Khi tỷ suất tăng trưởng của thị trường trong năm không còn cao nữa thì việc“ôm chứng” trong trung và dài hạn sẽ kém hấp dẫn, vậy chiến thuật đầu tư lướt sóng có “thịnh” hay không?
Tôi nhắc lại, nếu ai cũng lướt sóng được thì ai sẽ là người thua. Bản thân lướt sóng không mang lại của cải vật chất, nếu người này lãi 5 tỷ đồng thì sẽ có những người khác mất 5 tỷ đồng. Việc đầu tư lướt sóng phụ thuộc rất nhiều vào “cảm định” của nhà đầu tư về thị trường lên hay xuống trong phiên, trong tuần hay trong tháng và mang yếu tố may rủi.
Trường phái của tôi vẫn là đầu tư ổn định, trên thị trường vẫn có những cổ phiếu có thể đầu tư dài hạn khi các chỉ số tài chính rất tốt, có tăng trưởng ổn định, ngành nghề cơ bản.
Trong năm, những cổ phiếu ngành xuất khẩu thủy sản, cao su vẫn có tính hấp dẫn. Bởi tiền đồng khó có thể đắt hơn đồng đô la theo xu hướng mất giá, do vậy xuất khẩu sẽ thu được lượng tiền đồng lớn hơn hiện tại. Còn ngành bất động sản trở thành câu chuyện trái chiều, bất động sản là kênh người Việt Nam ưa thích đầu tư nhất nhưng giá bất động sản đang quá cao, nếu đi vay tiền mua bất động sản thì bài toán kinh doanh sẽ nghiêng về phần lỗ.
Hơn nữa, khi thị trường đã tăng trưởng ở mức giá rất cao thì sẽ không tăng trưởng được nữa. Vấn đề của thị trường bất động sản, đâu đấy cũng có những rủi ro tiềm ẩn, tuy nhiên là bao giờ cũng không thể trả lời được. Nhưng trong ngắn hạn vẫn chưa thể xảy ra vì Việt Nam không có nhiều sản phẩm đầu tư khác.
Theo TTXVN