Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, năm 2010 sẽ là năm hồi phục khó khăn, và không tránh khỏi có những trả giá đau đớn ở chỗ này chỗ khác. Việt Nam cần hạn chế mức nhập siêu, bội chi ngân sách và chuẩn bị đối mặt với lạm phát có thể tăng cao.
Tiếp tục coi trọng ổn định kinh tế vĩ mô
Ông Doanh cho biết: Tất cả các dự báo đều cho rằng kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng cao hơn, từ mức tăng trưởng âm 1,9% năm 2009 có thể tăng lên dương 4%.Khu vực châu Á – Thái Bình Dương là mạnh nhất, trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ và các nước ASEAN.
Quá trình hồi phục này là một quá trình đau đớn và có lên có xuống nhưng xu thế chung vẫn là lên. Hiện trong tình hình kinh tế thế giới đang có một số vấn đề lớn: Từ trước đến nay mọi người vẫn cho là khủng hoảng chỉ có ở Mỹ. Thực ra khủng hoảng có hai trung tâm là ở Mỹ và châu Âu.
Nhìn vào biểu đồ tăng trưởng của tín dụng từ tháng 2 đến tháng 5-2009 tăng rất cao. Từ tháng 9 đến tháng 12 -2009 suy giảm mạnh. Như vậy khan hiếm thanh khoản không chỉ ở ngân hàng mà đã trở thành khan hiếm thanh khoản của nền kinh tế, của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp không có vốn, không thể mua nguyên liệu sản xuất. Ở Đồng bằng sông Cửu Long, có ông Bí thư Tỉnh ủy đến lắc vai tôi bảo nếu không được bơm tiền cho doanh nghiệp mua thóc, thủy sản cho dân thì nông dân đến đập nhà. Sao có chuyện như vậy? Vì cuối năm, Ngân hàng NN&PTNT rút hết vốn về, không cho vay nữa.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh |
Nhiều nền kinh tế đến nay đã có sự hồi phục nhưng chủ yếu là nhờ sự bơm tiền của Nhà nước. Cho nên cuộc khủng hoảng này dù phục hồi tương đối sớm nhưng chưa thể kết thúc ngay và năm 2010 sẽ là năm hồi phục khó khăn.
Trong bối cảnh như vậy, Việt Nam dự kiến sẽ hồi phục và tăng trưởng mạnh. Tức là Việt Nam không bị suy thoái, tăng trưởng âm mà chỉ bị suy giảm. Dự kiến năm 2010 sẽ tăng trưởng 6,5%.
Để làm được điều này, Việt Nam có thể trông mong vào xuất khẩu, đầu tư nước ngoài, trông chờ vào cải cách. Có cải cách mới phát huy được khu vực kinh tế tư nhân và nông nghiệp.
Bài toán của Việt Nam năm 2010 là không thể chỉ coi trọng tăng trưởng mà trước hết phải ổn định kinh tế vĩ mô. Tình hình kinh tế của Việt Nam hiện nay nếu cứ tiếp tục tăng trưởng để gây mất ổn định kinh tế vĩ mô thì có thể sẽ trả giá đắt.
Hiện mức nhập siêu, mất cán cân thanh toán, bội chi ngân sách ở mức đáng cảnh báo, đó là chưa kể lạm phát có thể tăng cao.
Vì vậy, Chính phủ phải coi trọng việc ổn định kinh tế vĩ mô và chú ý đến một số điểm: Hiện Chính phủ đang sử dụng mạnh công cụ tiền tệ, điều chỉnh tỉ giá, hạ lãi suất đồng USD xuống 1% để người dân bán USD ra. Vấn đề là cân đối vĩ mô về mặt ngoại tệ có đảm bảo không. Nếu làm được mọi chuyện sẽ tốt hơn.
Ở đây có vấn đề nhập siêu từ Trung Quốc quá lớn và có dấu hiệu “tay phải không biết tay trái làm gì”. Đây là điều rất nguy hiểm.
Cũng cần chú ý đến việc lạm phát có thể quay trở lại. Năm ngoái, chúng ta tăng tín dụng 38% để đạt được mức tăng trưởng GDP 5,3%. Mức tăng tín dụng đã cao gấp 7 lần mức tăng GDP.
Năm nay để đạt mục tiêu 6,5% tăng trưởng thì tăng trưởng tín dụng phải là 44%. Tuy nhiên, mức tăng trưởng tín dụng lại bị khống chế ở mức 25%. Vậy giải quyết vấn đề này như thế nào?
Chỉ có một cách là nâng cao hiệu quả của tín dụng lên. Mà điều này đòi hỏi phải điều chỉnh cơ cấu đầu tư, cơ cấu lại nền kinh tế cũng như không thể đầu tư tất cả các dự án đang triển khai.
Ngoài ra, cần cải cách doanh nghiệp Nhà nước, “đụng” đến những “ông” đang có nhiều ý kiến như Vinashin, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển, Tập đoàn công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, … Ngay cả “ông” EVN cũng cần xem xét lại tại sao các dự án đầu tư chậm như vậy mà lại dốc vốn sang lĩnh vực du lịch, khách sạn…
Tôi cho rằng nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao hơn năm 2009 khả năng là có. Nhưng không phải tự nhiên đạt được điều đó cũng như cứ làm y hệt như năm 2009 là sẽ đạt được mà cần tạo ra một bước ngoặt mới. Không nên cứ nghĩ với tốc độ tăng trưởng thế này là ta sẽ tăng trưởng mãi trong tương lai.
Không thể tiếp tục tăng trưởng bằng cho thuê đất
Vậy theo ông cần điều chỉnh lại kế hoạch tăng trưởng?
Theo tôi, cần điều chỉnh lại cả mô hình tăng trưởng. Không thể tiếp tục tăng trưởng bằng cách cho thuê đất, kêu gọi đầu tư nước ngoài làm những dự án chiếm nhiều đất, làm sân golf. Cũng không thể đẩy xuất khẩu gạo lên tới 7 triệu tấn, tiếp tục xuất khẩu thủy sản mãi được.
Cần tìm cách thay đổi, phải chế biến nhiều hơn, sản xuất, chế tác sâu hơn. Xuất khẩu gạo có thể ít đi nhưng gạo xuất khẩu phải chất lượng cao hơn. Xuất khẩu các sản phẩm có chế biến, có sử dụng kinh nghiệm của người lao động Việt Nam.
Ông nói khả năng lạm phát có thể quay trở lại trong năm 2010. Xin ông nói rõ hơn vấn đề này?
Với tốc độ tăng tín dụng tới 38% trong năm 2009 thì thường nó có độ trễ từ 4 đến 6 tháng. Khi kinh tế thế giới phục hồi thì giá dầu sẽ tăng cao, kéo theo xăng, phân bón, thuốc trừ sâu tăng…
Khi đó, chúng ta sẽ phải đối mặt với lạm phát từ thế giới. Việc tỉ giá điều chỉnh, giá điện theo cơ chế thị trường, giá than, nước tăng sẽ ảnh hưởng đến tiêu dùng. Các yếu tố này sẽ dồn vào chỉ số giá.
Hiện Chính phủ mạnh tay sử dụng chính sách tín dụng và tiền tệ trong khi chính sách tài khóa lại không sử dụng. Nhẽ ra trong tình hình này phải cắt giảm các món chi tiêu không cần thiết.
Xin cảm ơn ông.
Bá Kiên - Phạm Tuyên - TienPhongOnline