Vừa qua, tại Hà Nội, Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội và Bộ TT&TT đã phối hợp tổ chức Hội thảo về dự án Luật Bưu chính với sự tham dự của Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội Nghiêm Vũ Khải, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng.
Tờ trình dự án Luật Bưu chính nhấn mạnh: “Pháp lệnh Bưu chính Viễn thông năm 2002 và các văn bản pháp luật khác đã thể chế hoá một phần những đường lối của Đảng thành các quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động bưu chính nhưng vẫn còn những hạn chế nhất định. Do vậy, để giải phóng và phát huy tốt hơn các nguồn lực, thực hiện triệt để hơn các nguyên tắc của nền kinh tế thị trường, đẩy mạnh việc hội nhập quốc tế và đảm bảo việc thực hiện công bằng xã hội trong bối cảnh hiện nay của nền kinh tế Việt Nam thông qua cải cách hành chính, đơn giản hoá thủ tục hành chính trong lĩnh vực bưu chính nhằm tạo cơ hội thuận lợi cho các doanh nghiệp mới tiếp cận thị trường với chi phí ít tốn kém hơn trước đây thì việc ban hành Luật Bưu chính là cần thiết”.
Ông Nghiêm Vũ Khải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội-đơn vị chịu trách nhiệm chủ trì thẩm tra dự án Luật Bưu chính cũng cho rằng: “Thời điểm này, sự ra đời của Luật Bưu chính là rất cấp thiết. Bởi lẽ, đến nay, qua hơn 7 năm triển khai thực hiện, Pháp lệnh Bưu chính Viễn thông - văn bản pháp luật cơ bản điều chỉnh lĩnh vực bưu chính, viễn thông đã xuất hiện những điểm bất cập mà chúng ta cần phải khắc phục”.
Dự thảo Luật Bưu chính gồm 6 chương, 48 điều. Theo bà Nguyễn Bội Lan, Vụ trưởng Vụ Bưu chính (Bộ TT&TT), so với Pháp lệnh Bưu chính Viễn thông dự thảo Luật Bưu chính có những điểm mới cơ bản, bao gồm: điều chỉnh hoạt động bưu chính được hiểu bao gồm cả các hoạt động trước đây được gọi là chuyển phát; bổ sung hành vi cạnh tranh không lành mạnh và hạn chế cạnh tranh bị nghiêm cấm trong hoạt động bưu chính; phân loại dịch vụ bưu chính thành 2 loại là dịch vụ thư và dịch vụ gói, kiện; quy định riêng về hình thức chuyển tiếp, chuyển hoàn bưu gửi; quy định rõ hơn về khiếu nại, điều chỉnh lại thời điểm khiếu nại và thời hạn giải quyết khiếu nại theo hướng có lợi hơn cho người sử dụng và linh hoạt hơn đối với doanh nghiệp; bổ sung quy định quản lý đối với hình thức làm đại diện cho doanh nghiệp nhượng quyền thương mại, chi nhánh và văn phòng đại diện của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính nước ngoài; bỏ giấy phép thử nghiệm và hình thức đăng ký làm đại lý cho tổ chức chuyển phát nước ngoài; quy định rõ về điều kiện cung ứng dịch vụ bưu chính; quy định rõ nguyên tắc, điều kiện cấp phép, sửa đổi, bổ sung, cấp lại giấy phép bưu chính; điều chỉnh lại một số quy định về giá cước dịch vụ bưu chính theo hướng đảm bảo phù hợp với yêu cầu quản lý của Nhà nước, đồng thời có tính linh hoạt cho doanh nghiệp và phù hợp với tình hình thực tế; quy định rõ nguyên tắc cung ứng dịch vụ bưu chính công ích; quy định về việc bảo vệ công trình bưu chính công cộng; quy định rõ hơn về quyền và nghĩa vụ của Tổng công ty bưu chính Việt Nam là doanh nghiệp được giao nhiệm vụ cung ứng dịch vụ bưu chính công ích.
Tại hội thảo, mặc dù cho rằng dự thảo Luật Bưu chính vẫn còn có một số vấn đề, nội dung cần được bổ sung, được xem xét kỹ lưỡng hơn; tuy nhiên, đa số đại biểu đánh giá dự thảo luật Bưu chính đã được soạn thảo công phu, đạt chất lượng cao, tuân thủ theo đúng quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, phù hợp với pháp luật Việt Nam và cơ bản phù hợp với luật pháp, quy định của các tổ chức quốc tế mà ta đã ra nhập.
Dự án Luật Bưu chính đã được Chính phủ thông qua với sự nhất trí cao tại phiên họp thường kỳ tháng 4/2009. Theo chương trình xây dựng văn bản pháp luật, dự án Luật bưu chính sẽ được trình lên Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá 12 diễn ra tháng 10-11/2009 và dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá 12, tổ chức vào giữa năm 2010./.
Theo ICTnews