Thứ Năm, 19/12/2024
Cuộc sống số
Thứ Năm, 16/7/2009 16:36'(GMT+7)

Ngành CNTT Việt Nam “khiêm tốn” đi lên

Ông Chu Tiến Dũng, Giám đốc Công viên phần mềm Quang Trung "Chỉ có 10% doanh nghiệp CNTT là làm ăn được".

Ông Chu Tiến Dũng, Giám đốc Công viên phần mềm Quang Trung "Chỉ có 10% doanh nghiệp CNTT là làm ăn được".

Còn khiêm tốn

Hội tin học TP.HCM cũng đưa ra các số liệu cho thấy mức độ đóng góp của CNTT đối với GDP quốc gia còn quá khiêm tốn. Cụ thể, GDP năm 2005 là 839 nghìn tỉ VND nhưng mức đóng góp của CNTT chỉ vỏn vẹn 1,85 nghìn tỉ - chiếm 0,22% GDP quốc gia. Tương tự, mức đóng góp của CNTT đối với GDP năm 2006 cũng chỉ tăng đôi chút (2,3 nghìn tỉ VND) – 0,24%. Và con số đóng góp của ngành CNTT trong các năm 2007 và 2008 tiếp theo lần lượt là: 3,3 nghìn tỉ đồng – chiếm 0,3% GDP (1144 nghìn tỉ đồng); và 6,3 nghìn tỉ đồng – chiếm 0,51% GDP (1250 nghìn tỉ đồng).


Mức độ đóng góp của ngành CNTT đối với GDP quốc gia năm 2007 cũng chỉ dừng lại ở mức 0,5%. Đây được xem là con số rất khiêm tốn trong bối cảnh CNTT được xác định là mũi nhọn của nền kinh tế quốc gia. Trong khi đó, mức độ đóng góp của ngành tài chính và tín dụng đối với GDP quốc gia vào khoảng 1,8%. Theo các chuyên gia, vai trò của ngành CNTT vẫn còn rất thấp trong cán cân kinh tế đất nước. Quy mô vốn, nhân lực và mức độ đóng góp của CNTT cho GDP còn quá khiêm tốn. Nếu tính riêng quy mô nhân lực thì ngành CNTT cũng chỉ tương đương với các ngành khác như thương mại, xe cộ, nhà cửa…

Trong khi đó, theo ông Chu Tiến Dũng, Giám đốc Công viên phần mềm Quang Trung, hiện chỉ có khoảng 5% doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực CNTT là làm ăn được, và 5% khác là làm ăn... tàm tạm. Và như vậy nếu tính gộp vào thì chỉ có 10% doanh nghiệp có cơ hội trong bối cảnh suy thoái kinh tế hiện nay. Ông Dũng cũng cho rằng các doanh nghiệp mới thành lập đang gặp rất nhiều khó khăn vì vốn ít, nhân lực hạn chế, và quan trọng nhất là đơn hàng giảm trong khi lại phải cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn hơn.

Cơ hội trong suy thoái

 Ảnh minh họa

 Ông Nguyễn Trọng – Nguyên Chủ tịch Hội tin học TP.HCM "Chính phủ nên đầu tư cho ngành công nghiệp CNTT".

Theo ông Nguyễn Trọng – Nguyên Chủ tịch Hội tin học TP.HCM, mặc dù suy thoái kinh tế có ảnh hưởng nhiều tới ngành CNTT Việt Nam nhưng tình hình không đến nỗi quá bi quan như nhiều nhận định trước đây. Sau nhiều nỗ lực, thương hiệu công nghiệp phần mềm và CNTT Việt Nam đã được thế giới biết đến, tuy vẫn chưa thực sự ấn tượng.

Bắt đầu từ năm 2008, ngành CNTT thế giới đã chịu tác động sâu sắc từ khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Nhiều doanh nghiệp buộc phải cắt giảm nhân công, chi phí dành cho CNTT, nhưng điều đáng nói là chi phí dành cho outsourcing lại không giảm. Các chuyên gia nhận định rằng đây chính là cơ hội của Việt Nam, nhưng với điều kiện các doanh nghiệp outsourcing phải có khả năng cạnh tranh cao, lực lượng nhân sự không tổn thất, và nhà nước phải có sự hỗ trợ.

Năm 2007, Gartner đưa Việt Nam vào danh sách 30 quốc gia có triển vọng nhất về outsourcing; và năm 2008, VN vẫn đứng trong danh sách này. Đây là sự khẳng định vô cùng quan trọng; tuy nhiên, vị trí của Việt Nam trong danh sách này vẫn khá thấp và chưa đứng vào hàng TOP đầu. Cụ thể, VN chỉ đạt 9 điểm trong thang điểm 40, xếp cuối danh sách với các quốc gia như Sri Lanka và Ukraine. Trong khi đó, một số quốc gia trong khu vực như Philippines và Malaysia lại xếp hạng khá cao với số điểm lần lượt là 21 và 19 điểm. Trong danh sách này, Canada đứng vị trí thứ nhất với 33 điểm; tiếp sau là Australia với 31 điểm, và Singapore với 30 điểm.

Theo các chuyên gia, cơ hội của ngành CNTT Việt Nam còn rất nhiều, tiềm năng và nội lực không thua kém các nước khu vực nhưng vẫn chưa được quan tâm đầu tư một cách xứng đáng. Ông Trọng cho rằng thay vì đầu tư vào các dự án khai thác khoáng sản tốn kém như hiện nay, thì hiệu quả đầu tư cho CNTT sẽ cao hơn rất nhiều. Cụ thể, nếu trong 10 -15 năm tới Việt Nam đầu tư 10-12 tỉ USD cho đào tạo 1 triệu kỹ sư phần mềm có trình độ quốc tế thì hiệu quả chắc chắn sẽ tăng gấp bội.

Cần phải “vượt rào”

Có một thực tế đáng buồn là sau bao nhiêu năm, một trong những điểm yếu không thể khắc phục của giới kỹ sư CNTT Việt Nam là trình độ tiếng Anh. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế như hiện nay, thì ngoài trình độ chuyên môn kỹ thuật, tiếng Anh cũng đóng một vai trò rất quan trọng. Than phiền về điều này, ông Trọng cho rằng trình độ tiếng Anh của đội ngũ kỹ sư CNTT nói chung vẫn còn rất thấp, và thực tế này cần phải có một sự nhận thức đúng đắn của cả các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp, và đội ngũ kỹ sư.

 Ảnh minh họa

 Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân (trái)
 "Doanh nghiệp CNTT phải quảng bá hình ảnh của mình".


Ngoài ra, tuy có chút ít thương hiệu nhưng thực tế những đánh giá của thế giới đối với ngành CNTT vẫn còn khá khiêm tốn. Cụ thể, trong các bảng xếp hạng hàng năm, tuy Việt Nam đã có nhiều cố gắng nhưng vẫn chưa thực sự bứt phá và thường vẫn đứng ở những Top dưới, ngay cả khi so với các quốc gia trong khu vực. Về điều này, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng bản thân các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn về CNTT cần phải chung sức quảng bá hình ảnh của mình với thế giới. Biện pháp chủ yếu là thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, giao lưu, gặp gỡ, trao đổi với các doanh nghiệp nước ngoài, vừa là để tìm kiếm cơ hội làm ăn, vừa để quảng bá doanh nghiệp ra bên ngoài.

Trong khi đó, ông Trọng cho rằng 10-15 năm nữa cần xác định CNTT là ngành kinh tế mũi nhọn và không có ngành nào có thể thay thế được. CNTT sẽ giúp đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, để đạt được điều này, các chuyên gia cho rằng cần phải có sự đồng lòng từ cấp hoạch định chính sách tới doanh nghiệp, kỹ sư và người dân./.

Theo VnMedia


 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất