Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 03/NQ-CP Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12 năm 2021.
Chính phủ thống nhất đánh giá năm 2021 là năm có ý nghĩa đặc biệt
quan trọng, diễn ra nhiều sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, năm
đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát
triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và các kế hoạch 5 năm 2021-2025,
là năm đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 trong bối cảnh đất nước
ta gặp nhiều khó khăn, thách thức gay gắt hơn so với dự báo. Trên thế
giới, đại dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp với những biến chủng
mới; kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề và tăng trưởng thiếu vững
chắc.
Ở trong nước, đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ tư với sự xuất hiện của biến chủng Delta lây lan nhanh và nguy
hiểm đã xảy ra tại nhiều địa phương, đặc biệt là các trung tâm kinh tế,
đô thị lớn, vùng kinh tế trọng điểm và ảnh hưởng nghiêm trọng đến các
lĩnh vực kinh tế-xã hội, sản xuất kinh doanh, sinh kế và đời sống nhân
dân.
Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo thống nhất của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị,
Ban Bí thư, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; sự ủng hộ, đồng hành
và giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; sự chia sẻ, ủng hộ
và tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp,
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành,
các địa phương đoàn kết, thống nhất, nỗ lực, quyết liệt triển khai các
nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội
và các nghị quyết, chương trình, kế hoạch hành động của Chính phủ.
Chính phủ đã phối hợp chặt chẽ, linh hoạt các chính sách, có những
quyết sách kịp thời, linh hoạt, hiệu quả, kể cả biện pháp chưa có tiền
lệ để phòng, chống dịch với phương châm đặt sức khỏe, tính mạng của nhân
dân lên trước hết, trên hết; kịp thời chuyển đổi chiến lược từ "không
có COVID" sang "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch
COVID-19" theo tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP và được đánh giá là
đúng hướng, kịp thời, hiệu quả; thực hiện thành công chiến lược vaccine
và chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay.
Đồng thời, các khó khăn, vướng mắc được tập trung giải quyết, tháo
gỡ, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân, thúc đẩy phục hồi
và phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ đó, năm 2021, mặc dù gặp khó khăn,
thách thức nhiều hơn các năm trước nhưng nước ta đã đạt được những kết
quả tích cực, đáng ghi nhận trên các lĩnh vực.
Bên cạnh kết quả đạt được, các lĩnh vực kinh tế - xã hội vẫn còn những
tồn tại, hạn chế, đạt kết quả chưa cao. Công tác phòng, chống dịch có
lúc, có nơi còn bị động, lúng túng; năng lực hệ thống y tế, nhất là ở
cấp cơ sở còn nhiều hạn chế. Còn 5/12 chỉ tiêu kinh tế-xã hội chủ yếu
chưa đạt mục tiêu, sức ép lạm phát gia tăng; kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn
rủi ro; chi phí đầu vào tăng cao; tỷ lệ nợ xấu có xu hướng tăng...
Bước sang năm 2022, năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện
các mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch 5 năm 2021-2025, dự báo tình hình
quốc tế, trong nước có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức
đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn.
Đại dịch COVID-19 còn tiềm ẩn các diễn biến phức tạp, nguy hiểm hơn.
Kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi song còn nhiều rủi ro. Trong nước,
nguy cơ chậm phục hồi kinh tế và suy giảm tăng trưởng hiện hữu nếu chúng
ta không kiểm soát được dịch bệnh và có giải pháp phù hợp thúc đẩy phục
hồi và phát triển kinh tế - xã hội; rủi ro lạm phát gia tăng; thiên tai,
biến đổi khí hậu diễn biến bất thường; sức chống chịu và nguồn lực của
Nhà nước, doanh nghiệp và người dân còn hạn chế.
Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương lĩnh hội đầy đủ, quán triệt sâu
sắc và triển khai nghiêm túc, hiệu quả ý kiến phát biểu chỉ đạo của Tổng
Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với địa
phương ngày 5/1/2022, đặc biệt là 5 định hướng lớn về phát triển kinh
tế-xã hội và bổ sung vào các chương trình, kế hoạch hành động bằng những
nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, thiết thực, hiệu quả trong chỉ đạo, điều
hành và phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.
ĐOÀN KẾT, KỶ CƯƠNG, CHỦ ĐỘNG THÍCH ỨNG AN TOÀN HIỆU QUẢ, PHỤC HỒI PHÁT TRIỂN
Chính phủ thống nhất chủ đề điều hành của năm 2022 là "Đoàn kết, kỷ
cương, chủ động thích ứng an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển"; yêu
cầu từng thành viên Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành
phố, trực thuộc Trung ương tập trung quán triệt và tổ chức triển khai
nghiêm túc, sáng tạo, kịp thời, quyết liệt các kết luận của Trung ương,
nghị quyết của Quốc hội và các nghị quyết của Chính phủ, nhất là các
Nghị quyết số 01/NQ-CP và số 02/NQ-CP.
Theo dõi sát diễn biến tình hình, tập trung chỉ đạo, động viên toàn
thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống hành
chính nhà nước từ trung ương đến địa phương phát huy tinh thần trách
nhiệm, khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế, yếu kém; kế thừa và phát
huy những thành tựu đã đạt được của Chính phủ qua các nhiệm kỳ các năm
trước, tiếp tục đổi mới, sáng tạo, vượt qua khó khăn, thách thức với
quyết tâm cao, nỗ lực lớn, giải pháp mạnh mẽ và hành động quyết liệt,
hiệu quả; phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Thành viên Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ưu
tiên nguồn lực, tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ phương châm
thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19 và
những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh
tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh
doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022.
Tiếp tục tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm,
cục bộ. Đề cao tinh thần đoàn kết, cùng cả hệ thống chính trị và nhân
dân cả nước tiếp tục kiên trì, quyết tâm xây dựng Chính phủ, chính quyền
địa phương liêm chính, trong sạch, vững mạnh toàn diện, phấn đấu thực
hiện thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Quốc hội đề ra trong
năm 2022, tạo nền tảng vững chắc cho những năm tiếp theo.
Các bộ, cơ quan, địa phương tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số
11-CT/TW của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Nhâm Dần 2022 và Chỉ thị số
35/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo
đảm đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết
kiệm.
CHỦ ĐỘNG, QUYẾT LIỆT TRIỂN KHAI CÁC NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CỤ THỂ TẠI NGHỊ QUYẾT SỐ 02/NQ-CP
Về Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện
Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm
2022, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính
phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn
trương xây dựng, ban hành chương trình, kế hoạch hành động cụ thể để
triển khai thực hiện Nghị quyết trước ngày 20/01/2022.
Để tiếp tục triển khai có hiệu quả, tạo đột phá trong cải thiện môi
trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022, Chính
phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nêu cao tinh thần chủ động, quyết
liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể tại Nghị quyết số
02/NQ-CP năm 2022 của Chính phủ ngay sau khi được ban hành.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ triển khai Hệ thống theo
dõi, đánh giá, giám sát việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao
năng lực cạnh tranh quốc gia thông qua dữ liệu số, kịp thời phục vụ chỉ
đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ,
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng cộng đồng doanh nghiệp
tiếp tục thực hiện việc giám sát, đánh giá khách quan và kiến nghị với
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện nghị quyết của các bộ,
ngành, địa phương.
HÀNH ĐỘNG QUYẾT LIỆT, SÂU SÁT, LINH HOẠT, SÁNG TẠO, KỊP THỜI
Về kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng
Chính phủ năm 2021, đây là năm chuyển tiếp nhiệm kỳ Chính phủ, trong bối
cảnh thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn nhiều
hơn, đặc biệt là diễn biến phức tạp, khó lường của thiên tai, thời tiết
và dịch COVID-19, nhưng với quyết tâm, trách nhiệm, đoàn kết, nhất trí
cao, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã thống nhất xác định phương hướng,
nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành năm 2021 và quyết liệt
thực hiện ngay từ đầu năm với chủ đề: "Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng
tạo, khát vọng phát triển".
Sau khi Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 được kiện toàn và Chính phủ
nhiệm kỳ 2021-2026 được phê chuẩn, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng và các
thành viên Chính phủ với tinh thần trách nhiệm cao đã bắt tay ngay vào
công việc, nắm bắt tình hình, các khó khăn, vướng mắc, kịp thời có giải
pháp xử lý với quyết tâm xây dựng Chính phủ đổi mới, liêm chính, hành
động, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ đã chấp
hành nghiêm túc sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của Quốc hội, Mặt trận
Tổ quốc Việt Nam và của nhân dân; tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, thực
hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định; bảo đảm nguyên tắc tập
trung dân chủ, phát huy vai trò tập thể gắn với đề cao trách nhiệm cá
nhân; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Đảng, Quốc hội, các cơ quan
tư pháp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong
thực hiện nhiệm vụ.
Các đồng chí
lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu dự Hội nghị Chính phủ với các
địa phương triển khai kết luận của Trung ương và Nghị quyết của Quốc hội
về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. (Ảnh: TTXVN)
Chính phủ đã khẩn trương quán triệt và cụ thể hóa Nghị quyết của
Trung ương, Quốc hội bằng chương trình, kế hoạch hành động với những
nhiệm vụ, giải pháp cụ thể; chú trọng công tác phối hợp với các cơ quan
của Đảng và Quốc hội trong chỉ đạo, quản lý, điều hành. Thực hiện tốt
Quy chế làm việc của Chính phủ và quy định của pháp luật.
Trong quá trình chỉ đạo, điều hành, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã
hành động quyết liệt, sâu sát, linh hoạt, sáng tạo, kịp thời, phù hợp
thực tiễn trong chỉ đạo, điều hành; trong đó có những quyết sách, chủ
trương lớn đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kịp thời quyết định
trong điều kiện cam go, thời gian cấp bách, đáp ứng yêu cầu thực tế,
"biến nguy thành cơ", phù hợp với điều kiện của nước ta và đã mang lại
hiệu quả cao. Vì vậy, tình hình đất nước năm 2021 tuy gặp rất nhiều khó
khăn hơn những năm trước nhưng kết quả đạt được của năm 2021 trên các
lĩnh vực có những điểm sáng, tích cực, tạo đà cho sự phục hồi và phát
triển của nước ta trong thời gian tới; thể hiện rõ nét tinh thần đoàn
kết, tương thân tương ái, niềm tin mạnh mẽ của nhân dân vào Đảng và Nhà
nước; chứng minh chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước, sự
phối hợp chặt chẽ, sự vào cuộc có hiệu quả của toàn bộ hệ thống chính
trị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân
dân trên mọi miền đất nước; khẳng định tính ưu việt của hệ thống chính
trị và bản chất tốt đẹp của chế độ ta.
Chính phủ cơ bản thống nhất với nội dung báo cáo kiểm điểm công tác
chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2021. Giao Văn
phòng Chính phủ tổng hợp, tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ và
đại biểu dự họp, hoàn thiện, ban hành Báo cáo kiểm điểm công tác chỉ
đạo, điều hành năm 2021, phương hướng, nhiệm vụ năm 2022 để phục vụ công
tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ
quan, địa phương.
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG KỊP THỜI CÁC QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT CÒN CHỒNG CHÉO, MÂU THUẪN
Về Báo cáo công tác cải cách hành chính năm 2021, Chính phủ cơ bản
thống nhất với những nội dung chủ yếu tại Báo cáo tình hình thực hiện
công tác cải cách hành chính năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ trọng
tâm năm 2022 do Bộ Nội vụ trình.
Để tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách
hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030, trong năm 2022, Chính phủ yêu
cầu các bộ, ngành, địa phương bám sát Nghị quyết số 76/NQ-CP của Chính
phủ và Chỉ thị số 23/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, khẩn trương xây
dựng, ban hành Kế hoạch cải cách hành chính năm 2022. Sửa đổi, bổ sung
kịp thời các quy định pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn, chưa thống
nhất, chưa phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn, cản trở các hoạt động
đầu tư, sản xuất, kinh doanh để kịp thời khơi thông, sử dụng có hiệu quả
các nguồn lực, phục hồi, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội. Ban hành
theo thẩm quyền các thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn
của các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân
dân cấp huyện.
Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai có hiệu quả
cơ chế tự chủ tài chính tại cơ quan hành chính và các đơn vị sự nghiệp
công lập. Bộ Tài chính khẩn trương ban hành Thông tư hướng dẫn một số
nội dung về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; xử lý
tài sản, tài chính khi tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập
để tạo điều kiện cho các bộ, ngành, địa phương triển khai có hiệu quả
Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài
chính của đơn vị sự nghiệp công lập.
TĂNG CƯỜNG THANH TRA CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC TRÊN CÁC LĨNH VỰC QUAN TRỌNG
Về Báo cáo công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và đấu
tranh phòng, chống tham nhũng năm 2021, Chính phủ cơ bản thống nhất với
những kết quả chủ yếu của công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết
khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng năm 2021 và phương hướng,
nhiệm vụ chủ yếu năm 2022 do Thanh tra Chính phủ trình, trong đó, yêu
cầu các bộ, cơ quan, địa phương tập trung thực hiện một số nhiệm vụ
trọng tâm: thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Chính phủ, Thủ
tướng Chính phủ liên quan đến hoạt động thanh tra.
Tăng cường thanh tra công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực quan
trọng của các ngành, các cấp và thanh tra việc thực hiện chức trách,
nhiệm vụ được giao của cơ quan, tổ chức, đơn vị, nhất là các ngành, lĩnh
vực, địa phương có dấu hiệu vi phạm, dư luận xã hội phản ánh tiêu cực,
tham nhũng, phát sinh nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo. Sớm triển khai
thanh tra việc mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm
phục vụ phòng, chống dịch. Nâng cao chất lượng kết luận thanh tra, đảm
bảo chặt chẽ, khách quan, kịp thời và khả thi; xử lý nghiêm minh, kịp
thời, đúng pháp luật đối với tập thể, cá nhân vi phạm pháp luật; tập
trung hoàn thiện dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) bảo đảm chất lượng và
tiến độ trình Quốc hội...
KHẨN TRƯƠNG THỰC HIỆN CÁC NHIỆM VỤ GIAO TẠI CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN CHÍNH PHỦ ĐIỆN TỬ HƯỚNG TỚI CHÍNH PHỦ SỐ
Chính phủ cũng cơ bản thống nhất với những nội dung
chủ yếu của Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP trong
năm 2021 do Bộ Thông tin và Truyền thông trình. Chính phủ yêu cầu các
bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ giao tại
Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn
2021-2025, định hướng đến năm 2030 và Chương trình chuyển đổi số quốc
gia. Kiện toàn và đổi tên Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, chính
quyền điện tử thành Ban Chỉ đạo chuyển đổi số do người đứng đầu các bộ,
ngành, địa phương làm Trưởng ban. Duy trì, phát triển các hoạt động trực
tuyến, ứng dụng công nghệ số trên các mặt đời sống, kinh tế - xã hội, đẩy
mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến, nhất là trong bối cảnh dịch
COVID-19 diễn biến phức tạp...
Bộ Công an tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục các
dịch vụ giá trị gia tăng trên nền tảng dữ liệu dân cư, căn cước công
dân, định danh và xác thực điện tử theo quy định tại Nghị định số
60/2021/NĐ-CP, hoàn thành trong tháng 5/2022.
THAM VẤN CÁC ĐỐI TƯỢNG CHỊU SỰ TÁC ĐỘNG ĐỐI VỚI CÁC PHƯƠNG ÁN CẮT GIẢM, ĐƠN GIẢN HÓA QUY ĐỊNH KINH DOANH
Báo cáo về tình hình thực hiện Chương trình cắt
giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh năm
2021, Chính phủ cơ bản thống nhất với báo cáo đánh giá về tình hình, kết
quả thực hiện Chương trình; những khó khăn, vướng mắc và phương hướng,
nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2022 tại Báo cáo số 9475/BC-VPCP ngày
27/12/2021 của Văn phòng Chính phủ. Trong năm 2022, các bộ, ngành, địa
phương cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ giải pháp chủ yếu, trong đó
có việc tập trung chỉ đạo, xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình
cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực thi
phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh đã được phê duyệt
theo nguyên tắc một văn bản sửa nhiều văn bản và theo trình tự, thủ tục
rút gọn; chậm nhất trong 6 tháng đầu năm 2022 phải hoàn thành đối với
các văn bản thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ
trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Đồng thời, tham vấn các hiệp hội,
doanh nghiệp, đối tượng chịu sự tác động đối với các phương án cắt giảm,
đơn giản hóa quy định kinh doanh và quy định dự kiến ban hành trong dự
thảo văn bản quy phạm pháp luật trên cổng tham vấn quy định kinh doanh
tại địa chỉ https://quydinhkinhdoanh.gov.vn;
trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt phương án cắt giảm, đơn
giản hóa quy định kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành trước
ngày 30/9/2022.
Các bộ, ngành, địa phương thực hiện tái cấu trúc quy trình, tích hợp,
cung cấp 100% thủ tục hành chính có đủ điều kiện lên dịch vụ công trực
tuyến mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công quốc gia, rà soát, nâng cấp, hoàn
thiện Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh;
kết nối, tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia hình thành Hệ thống
thông tin thống nhất về giải quyết thủ tục hành chính từ Trung ương đến
địa phương; thiết lập kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân
tại Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh và
số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận Một cửa
cấp bộ, cấp tỉnh từ ngày 1/6/2022, tại Bộ phận một cửa cấp huyện từ
ngày 1/12/2022 theo tiến độ Chính phủ giao tại Nghị định số
107/2021/NĐ-CP..
Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương
thường xuyên theo dõi, rà soát, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các
nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, cơ quan, địa
phương theo đúng Quy chế làm việc của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng
Chính phủ./.
TTXVN