Thứ Bảy, 21/9/2024
Kinh tế
Thứ Bảy, 28/3/2009 21:37'(GMT+7)

Năm nay dự báo thiên tai sẽ khốc liệt hơn

Thiệt hại do lũ bão năm 2008 hơn 13.000 tỷ đồng

Cục quản lý đê điều và PCLB (Bộ Nông nghiệp& PTNT) cho biết, năm 2008 thiệt hại do thiên tai gây nên đã làm 473 người chết, 64 người mất tích, hơn 400 người bị thương (năm 2007 có 391 người chết, 31 mất tích), cùng với hơn 4.000 ngôi nhà bị sập đổ và gần 500.000 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại do lũ cuốn trôi. Ước tính tổng thiệt hại do lũ bão gây ra trong năm 2008 là 13.301 tỷ đồng. Trong đó, trận mưa lũ lịch sử diễn ra ở Bắc bộ hồi cuối tháng 10 đầu tháng 11 đã làm 101 người chết, tổng thiệt hại lên tới 8.590 tỷ đồng.

 Trong năm 2008, Chính phủ đã hỗ trợ 1.421 tỷ đồng cùng 12.150 tấn gạo cho các địa phương khắc phục lũ bão. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp& PTNT Đào Xuân Học đánh giá, thiên tai năm 2008 diễn ra khốc liệt và bất thường hơn so với các năm trước đó. Mưa lũ lịch sử trong vòng 100 năm trở lại đây xảy ra ở các tỉnh Bắc bộ, lũ cuối mùa tháng 12 lịch sử tại các tỉnh miền Trung, triều cường lớn với tần suất 50-70 năm tại các tỉnh Nam bộ…

Trong khi đó, theo dự báo, tình hình thời tiết, thiên tai năm nay sẽ có những diễn biến phức tạp hơn năm 2008. Ngay trong tháng 2-2009, nền nhiệt độ tại miền Bắc đã vượt xa trung bình nhiều năm từ 2-5 độ C, nhiều nơi ở Bắc bộ nhiệt độ trung bình tháng 2-2009 cao chưa từng có, đạt cực đại trong chuỗi số liệu nhiều năm gần đây: Hà Nội 22,5 độ C, cao nhất cùng kỳ từ năm 1927 tới nay. Tuy nhiên, bước sang nửa đầu tháng 3-2009, nhiệt độ lại có xu hướng thấp hơn trung bình nhiều năm từ 1,5-3 độ C. Bên cạnh đó, các tỉnh Nam bộ thường xuyên phải hứng chịu những đợt mưa trái mùa gây thiệt hại lớn cho sản xuất.

Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn Trung ương nhận định: “Năm 2009, bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) có khả năng hoạt động trên khu vực biển Đông và ảnh hưởng đến Việt Nam nhiều và sớm hơn các năm. Số cơn bão và ATNĐ ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam có khả năng ở mức nhiều hơn so với trung bình nhiều năm là 5-6 cơn, nhiều hơn so với cả năm 2008. Bên cạnh đó, mùa mưa năm 2009 có thể diễn biến phức tạp, mưa lớn có khả năng xảy ra trên diện rộng và thành các đợt kế tiếp nhau rất khó lường”. Theo ông Tăng, khoảng tháng 5-6 sẽ bắt đầu xuất hiện bão. Lũ trên sông Hồng cũng sẽ ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, ở mức báo động III. “Năm 2008, thiên tai đã khốc liệt, song năm 2009, dự bá o còn gay gắt hơn nữa, mưa bão đến sớm hơn với lượng mưa lớn hơn nhiều năm và vượt cả năm 2008, điều này đồng nghĩa lũ quét cũng sẽ nhiều và khốc liệt hơn”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp& PTNT Cao Đức Phát đánh giá.

Đợt ngập úng lịch sử cuối tháng 10, đầu tháng 11 trên địa bàn Hà Nội gây ra nhiều thiệt hại

Không nên chỉ trông chờ ở Trung ương

Trước những dự báo về tình hình thiên tai năm nay, hầu hết các địa phương đều cho rằng, công tác PCLB ở các địa phương còn lơ là, một bộ phận người dân còn chủ quan, nhiều khi bão đến phải tổ chức cưỡng chế mới sơ tán. Bên cạnh đó, các tỉnh cũng đề nghị Chính phủ, Bộ Nông nghiệp& PTNT cùng các Bộ, ngành liên quan cấp kinh phí cho vấn đề tu bổ đê điều, duy tu hệ thống thủy lợi, hồ chứa.

Tuy nhiên, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh: “Năm 2009 Chính phủ đã có chủ trương tăng ngân sách cho công tác PCLB. Song cũng cần nhấn mạnh, trách nhiệm an toàn đê điều, hồ chứa để PCLB trước hết thuộc về các địa phương, không nên trông chờ Trung ương. Chính phủ chỉ có thể hỗ trợ một phần, và ưu tiên những địa phương còn khó khăn, nghèo”.

Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc đầu tư đê kè, đê bối và di dân khỏi vùng trũng, thấp cần một khoản kinh phí quá lớn, qua tổng hợp sơ bộ số vốn đã lên trên 10 nghìn tỷ đồng. Do vậy, các địa phương cần cân nhắc đầu tư những công trình quan trọng, những chỗ nào có thể di dân được thì nên di dời…

Đánh giá về công tác PCLB năm 2008, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải nhận định: “Năm 2008 là năm thiên tai rất đặc biệt, với 6 kỷ lục về mưa, bão và lũ. Hậu quả của mưa bão gây ra đối với một số lĩnh vực như giao thông đến nay vẫn chưa khắc phục xong. Năm 2008, Chính phủ cũng dành kinh phí rất lớn cho PCLB. Công tác dự báo, cứu hộ cứu nạn lũ bão cũng đã có bước cải tiến... Mặc dù đã cố gắng, song công tác PCLB năm 2008 vẫn còn tồn tại nhiều thiếu sót, công tác 4 tại chỗ chưa thực đủ, cứu hộ khắc phục giao thông sau lũ, bão còn chậm...”.

Bởi vậy, để hạn chế tối đa thiệt hại trong mùa mưa bão năm nay, Phó Thủ tướng yêu cầu cần khắc phục những tồn tại của năm 2008, nâng cao chất lượng dự báo. Các địa phương phải ráo riết kiểm tra với phương châm PCLB 4 tại chỗ cho mùa bão lũ 2009. Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư bảo đảm dự trữ quốc gia về lương thực để hỗ trợ kịp thời cho người dân sau khi bão lũ xảy ra, không để hộ dân nào bị đói sau bão, lũ...

Đức Hải (HNM)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất