Ủy ban Kinh tế-Xã hội khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của Liên hợp quốc (UNESCAP) dự báo tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay sẽ giảm xuống mức 4%, thấp nhất kể từ 1990 do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Tại buổi họp báo công bố báo cáo Điều tra về tình hình kinh tế-xã hội khu vực châu Á-Thái Bình Dương 2009 ngày 26/3 tại Hà Nội, bà Mia Mikic, đại diện Phòng chính sách thương mại thuộc UNESCAP tại Bangkok cho biết dự báo trên dựa vào những phân tích về kim ngạch xuất khẩu và giá trên thị trường thế giới của hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là lương thực và nhiên liệu.
Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam quý 2 và 3 năm 2008 tăng 45% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do giá gạo tăng 150% chỉ từ tháng 1 đến tháng 5. Tuy nhiên, khi giá gạo giảm đi và tình trạng suy thoái ở các thị trường nhập khẩu truyền thống của Việt Nam trở nên nghiêm trọng hơn, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đã giảm xuống chỉ còn 6,5% trong quý 4 và –3,7% trong 2 tháng đầu năm 2009.
Trong khi đó, giá dầu thô trên thị trường thế giới cũng đang rớt giá thê thảm, từ mức cao kỷ lục trong lịch sử 147 USD/thùng vào tháng 7 xuống còn 36 USD vào cuối năm 2008.
Báo cáo của UNESCAP nhận định Việt Nam cũng như khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ vẫn là “nguồn tăng trưởng của nền kinh tế thế giới” cho dù có được dự báo là ở mức thấp. Việt Nam cũng đã có những chính sách ứng phó kịp thời với khủng hoảng để trụ vững trước sức ép của khủng hoảng.
Đại diện UNESCAP đánh giá cao chính sách tài chính, tiền tệ của chính phủ Việt Nam vì đã hạ được tỷ lệ lạm phát từ 29% tháng 10 năm ngoái xuống còn 14,8% vào tháng 2/2009.
Hơn nữa, tháng 12/2008, Chính phủ Việt Nam đã công bố gói kích cầu trị giá 17.000 tỷ đồng (1 tỷ USD) nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế và đầu tháng 3 năm nay, quyết định đưa ra gói kích cầu thứ hai lớn hơn nhiều với trị giá 300.000 tỷ đồng cho cơ sở hạ tầng, chế tạo, xuất khẩu và an sinh xã hội. Việt Nam cũng đã tăng dự trữ ngoại hối lên 24,1 tỷ USD vào cuối quý 3/2008 từ 22,8 tỷ USD năm trước đó.
Bà Mia Mikic khuyến nghị Việt Nam nên thận trọng trong sử dụng các gói kích cầu do ngân sách còn hạn hẹp và thâm hụt ngân sách đang gia tăng. “Bên cạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng cơ bản, chính phủ cũng nên đầu tư vào giáo dục và y tế để đảm bảo tăng trưởng bền vững và xây dựng nguồn nhân lực,” bà Mikic nói.
Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã giảm từ 8,5% năm 2007 xuống còn 6,2% năm 2008, mức thấp nhất kể từ năm 2000.
Theo Báo Dân Trí