Thứ Sáu, 27/12/2024
Kinh tế
Thứ Bảy, 28/3/2009 21:9'(GMT+7)

Lãi suất tăng: khó cho cả ngân hàng lẫn người vay

Lãi suất huy động có khả năng tiến đến thiết lập một mặt bằng mới.

Lãi suất huy động có khả năng tiến đến thiết lập một mặt bằng mới.

Người vay thấp thỏm

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất huy động bình quân đã lên mức 7,58%/năm cho kỳ hạn 12 tháng ở nhóm NH quốc doanh, còn nhóm NH thương mại cổ phần cao hơn, ở mức 7,74%. Điều này khiến người ta có cảm tưởng như thời kỳ “sốt” của cho vay tiêu dùng năm 2007 đang quay trở lại.

Lãi suất cho vay tiêu dùng của hầu hết NH cũng điều chỉnh tăng theo, dao động từ 15,5%- 17,5%/năm. Thậm chí, đối với vốn vay tiêu dùng tín chấp, có NH áp lãi suất lên đến 24%/năm.

Như vậy, với doanh nghiệp, người dân, bước đi này đánh thêm một dấu nhấn trong mục khó khăn.

Với những người chưa vay, lãi suất thỏa thuận là một rào cản lớn. Như trường hợp của chị Ng. A. Phương (P.11, Q. Bình Thạnh), mất gần tháng trời “xoay” thủ tục để vay tín chấp 50 triệu đồng nhưng câu trả lời mà chị Phương nhận được từ NH vẫn là… chờ.

Tương tự, anh Phạm Huy Đức (Giám đốc Công ty TNHH Phước An) cho biết, khi anh bắt đầu làm thủ tục vay vốn để mua nhà, NH đưa ra mức lãi suất 13,2%/năm. Nhưng khi được chấp nhận vay thì lãi suất đã đội lên mức 14,3%. Lý do NH đưa ra là vốn huy động đang tăng cao, NH phải điều chỉnh cho phù hợp
Còn với người đã vay, tình hình cũng không mấy sáng sủa. Ông Nguyễn Quang Hậu (Q.3) cho biết, trong hợp đồng vay NH đều để ngỏ lãi suất vay sẽ điều chỉnh tăng giảm theo lãi suất huy động, cộng thêm tối thiểu khoản phòng ngừa rủi ro 5%/năm. Với lãi suất liên tục điều chỉnh tăng như hiện tại, món nợ 800 triệu đồng anh vay sẽ đội thêm số lãi khá nhiều.  

Cụ thể, cuối năm 2008, với số tiền 800 triệu đồng, lãi suất 1,37%/tháng, thời gian vay 6 năm, trong vòng 6 tháng đầu số tiền gốc và lãi ông Hậu phải trả hơn 21 triệu đồng/tháng. Từ tháng thứ 7 trở đi, mặc dù đã trừ lùi vào vốn, song số tiền phải trả không giảm đi mà trái lại, lại tăng lên, vì lãi suất huy động đã tăng thêm 1%, NH áp dụng mức lãi suất cho vay mới là 14,5%/tháng, số tiền anh phải trả tăng thêm gần 3 triệu đồng.

Ngân hàng cũng gặp khó

Việc tăng lãi suất huy động của các NH trong thời gian qua đạt được nhiều thành quả. Theo số liệu của Cục Thống kê TP.HCM, tính đến cuối tháng 2/2009, tổng vốn huy động của các NH trên địa bàn ước đạt hơn 587.500 tỉ đồng, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái; còn dư nợ tín dụng đạt gần 501.070 tỉ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ và chỉ tăng khoảng 0,7%/năm so với tháng trước đó.

Không thể phủ nhận cho vay tiêu dùng là một biện pháp kích cầu tốt cho nền kinh tế và giúp NH duy trì lợi nhuận. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cần hạn chế hiện tượng cạnh tranh về lãi suất để thu hút khách hàng tiền gửi, vay tiền… Vì chính điều này sẽ làm giảm hiệu quả chung của hoạt động NH và người phải gánh chịu cuối cùng là các doanh nghiệp và nền kinh tế…

Cạnh tranh lãi suất, lợi ít hại nhiều.   Ảnh: CTV

PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Trưởng khoa Ngân hàng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM nhận định, các chương trình mở rộng cho vay tiêu dùng của NH là điều kiện tốt để người dân thực hiện được các dự định của mình. Song trong bối cảnh thị trường hiện tại, khi nền kinh tế suy giảm, việc làm, thu nhập bị ảnh hưởng thì tín dụng tiêu dùng lại có chiều hướng nghiêng về mua nhà - đất, cho vay mua hàng xa xỉ (ôtô, xe máy đắt tiền). Điều đáng nói là những hàng này phần lớn có nguồn gốc từ nhập khẩu. Điều này không thể kích cầu sản xuất mà chỉ làm tăng hàng ngoại nhập.

Về phía NH, ông Nguyễn Đức Hưởng, Tổng Giám đốc NH Liên Việt cũng cho rằng, nếu không khéo léo trong việc cho vay tiêu dùng, NH chính là người gánh chịu hậu quả nặng nề nhất.

Phần lớn cho vay tiêu dùng đều được NH cấp tín dụng ngắn và trung hạn, trong khi nguồn vốn của NH chủ yếu là kỳ hạn từ 9 tháng trở xuống. Điều này nếu bị lạm dụng thái quá sẽ tăng thêm rủi ro kỳ hạn cho các NH, đặc biệt là các NH vừa và nhỏ.

  • Quỳnh Chi
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất