Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, tính đến ngày 3/6, hệ
thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia đã quản lý gần 3,8 triệu trẻ
em trong độ tuổi tiêm chủng.
Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng là một công cụ đặc hiệu giúp
ngành y tế, chính quyền các địa phương có thể quản lý chặt chẽ, chính
xác các đối tượng tiêm chủng nhằm theo dõi, quản lý lịch sử tiêm chủng
của trẻ suốt đời.
Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia đã được khai trương vào
ngày 24/3/2017 và được triển khai trên cả nước từ ngày 1/6/2017.
Tại buổi lễ hưởng ứng Tuần lễ tiêm chủng do Tổ chức Y tế thế giới phát
động với chủ đề "Hiệu quả của vaccine" tổ chức ngày 3/6 tại Quảng Ngãi,
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết Tiêm chủng là một trong
những can thiệp y tế thành công và hiệu quả nhất trên thế giới, giúp
ngăn ngừa từ 2 đến 3 triệu ca tử vong mỗi năm. Nhờ tiêm chủng mà nhiều
bệnh truyền nhiễm nguy hiểm được thanh toán, loại trừ hoặc khống chế,
Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết.
Tại Việt Nam, sau hơn 30 năm triển khai công tác tiêm chủng, hơn 600
trăm triệu liều vaccine đã được tiêm chủng miễn phí cho trẻ em và phụ
nữ. Nhiều loại vaccine mới với công nghệ kỹ thuật hiện đại đã được đưa
vào sử dụng trong tiêm chủng cho cả trẻ em và người lớn, giúp giảm tỷ lệ
mắc và tử vong của các bệnh truyền nhiễm.
Cũng theo lãnh đạo Bộ Y tế, ở nước ta hiện nay, vẫn có hơn 600.000 trẻ
sinh ra hằng năm không được tiêm chủng kịp thời vaccine viêm gan B, đặc
biệt trong tình hình tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B trong cộng đồng còn ở
mức cao. Tỷ lệ tiêm chủng tại một số huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa,
vùng khó khăn chưa đạt 90%.
Chính vì vậy, Tuần lễ tiêm chủng năm nay được tổ chức trong những ngày
đầu của Tháng hành động vì trẻ em năm 2017, để khẳng định sự quan tâm
tới sức khoẻ trẻ em và dành cho trẻ em những gì tốt đẹp nhất. Thứ trưởng
Nguyễn Thanh Long khuyến cáo, tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch sẽ tạo cơ
hội cho trẻ được chăm sóc sức khoẻ ngay từ những ngày đầu đời và giúp
trẻ có điều kiện sống khỏe mạnh.
Lãnh đạo Bộ Y tế kêu gọi các bậc cha mẹ đưa trẻ đi tiêm chủng đầy
đủ các loại vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng, để trẻ em và
cộng đồng được bảo vệ phòng bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và phổ biến.
Đề nghị các địa phương chỉ đạo sát sao, bố trí kinh phí đầy đủ đối với
y tế và tiêm chủng tại địa phương để chung tay chủ động với ngành Y tế
phòng chống bệnh cho người dân. Các cơ sở tiêm chủng phải nghiêm túc
triển khai thực hiện Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia tại
địa phương phù hợp với kế hoạch chung của Bộ Y tế để hệ thống đi vào
hoạt động một cách đồng bộ trên phạm vi cả nước.
Các bệnh viện cần tham gia tích cực hơn nữa trong công tác triển khai
vaccine viêm gan B liều sơ sinh trong vòng 24 giờ đầu để trẻ em sớm được
phòng bệnh viêm gan B./.
Theo chinhphu.vn