Thứ Ba, 15/10/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Tư, 10/8/2011 22:1'(GMT+7)

Nạn nhân chất độc da cam không đơn độc

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam...  tại buổi mít tinh. Ảnh: Chinhphu.vn

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam... tại buổi mít tinh. Ảnh: Chinhphu.vn

Ngày 10/8, Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam tổ chức mít tinh kỷ niệm 50 năm thảm họa chất độc da cam/dioxin (10/8/1961- 10/8/2011).

Cách đây tròn 50 năm, ngày 10/8/1961, trong cuộc chiến tranh Việt Nam, quân đội Mỹ dùng máy bay rải chất độc da cam xuống miền Nam Việt Nam.

50 năm qua, không chỉ môi trường và hệ sinh thái của Việt Nam bị hủy hoại nghiêm trọng mà hàng triệu người dân Việt Nam trở thành nạn nhân của chất độc da cam/dioxin. Trong đó nhiều người đã chết, nhưng nhiều người đang sống trong bệnh tật hiểm nghèo với di chứng đã nhiễm tới đời con, cháu.

Trong nỗ lực khắc phục hậu quả của chất độc da cam với con người và môi trường nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách để giúp đỡ gia đình nạn nhân chất độc da cam bớt đi những khó khăn trong cuộc sống. Số tiền trợ cấp cho các nạn nhân da cam mỗi năm lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Trên 50% hộ gia đình có người tàn tật và nạn nhân da cam được hưởng chế độ bảo hiểm y tế hoặc khám chữa bệnh miễn phí. Cả nước hiện có 17 làng Hòa Bình, Hữu Nghị, làng Cam, nhiều cơ sở và trung tâm dưới hình thức tập trung hoặc bán trú nuôi dưỡng hàng nghìn nạn nhân chủ yếu là trẻ em dị dạng, dị tật do ảnh hưởng của chất độc dioxin….

50 năm qua, không chỉ Đảng, Nhà nước và nhân dân ta mà nhiều cá nhân, tổ chức và bạn bè tiến bộ thế giới đã cùng sát cánh với các nạn nhân chất độc da cam để cùng sẻ chia những khó khăn, mất mát, cùng chung tay xoa dịu nỗi đau da cam.

Khoảng 5.000 nhà khoa học, trong đó có 17 người đoạt giải Nobel và 129 thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học Hoa Kỳ đã ký tên yêu cầu đòi công lý cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin.

Tháng 5/2009, Tòa án Lương tâm nhân dân quốc tế tại Paris ra phán quyết, khẳng định Chính phủ Hoa Kỳ (thời kỳ John Kenedy và Nixon làm Tổng thống) phải chịu trách nhiệm về thảm họa này. Tòa án yêu cầu Chính phủ và các công ty hóa chất Hoa Kỳ liên quan đến việc cung cấp chất dioxin phải bồi thường toàn bộ cho các nạn nhân da cam và gia đình họ, đồng thời phải có trách nhiệm làm sạch môi trường, tẩy sạch dioxin ra khỏi các vùng đất và nước bị nhiễm độc tại Việt Nam…

Tại buổi mit tinh, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan kêu gọi đồng bào, chiến sỹ cả nước hãy tiếp tục chung tay góp sức, làm tất cả những gì có thể, góp phần xoa dịu nỗi đau da cam, giúp đỡ các nạn nhân cải thiện điều kiện sống.

Phó Chủ tịch nước cũng kêu gọi Chính phủ Hoa Kỳ có trách nhiệm với những thiệt hại đã gây ra cho con người, môi trường và sức khỏe nhân dân Việt Nam.

Kêu gọi sự ủng hộ của nhân dân thế giới, Phó Chủ tịch nước khẳng định sự giúp đỡ, ủng hộ của bạn bè quốc tế không chỉ vì cuộc sống của các nạn nhân da cam Việt Nam mà còn vì nạn nhân da cam ở nhiều nước khác trên thế giới. Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh vì một nền hòa bình, công lý trường tồn, chúng ta hãy đoàn kết, cùng lên tiếng chống lại chất độc da cam/dioxin, chống mọi loại vũ khí hóa học, sinh học.

Nhân kỷ niệm 50 năm thảm họa da cam ở Việt Nam, đồng bào trong nước và nước ngoài, bạn bè quốc tế đã tích cực quyên góp, ủng hộ các nạn nhân bằng nhiều hoạt động thiết thực như đi bộ đồng hành, gây quỹ từ thiện, trao học bổng cho con em các nạn nhân, dạy nghề, tặng nhà tình nghĩa, cho vay vốn ưu đãi phát triển sinh kế, đảm bảo đời sống, khám chữa bệnh miễn phí…/.

(Theo: chinhphu.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất