Thứ Ba, 24/9/2024
Hướng dẫn - chỉ đạo
Thứ Tư, 3/6/2009 20:44'(GMT+7)

Nâng cao bản lĩnh chính trị, xây dựng nền xuất bản hiện đại đáp ứng yêu cầu cách mạng giai đoạn mới

Thưa các đồng chí !

Qua một buổi sáng làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Hội nghị của chúng ta đã hoàn thành chương trình, nội dung đã đề ra. Những ý kiến của các đồng chí đã phản ánh trung thực, khách quan và tâm huyết những vấn đề quan trọng, cấp thiết đang đặt ra cho hoạt động xuất bản, chỉ ra được mặt mạnh, mặt yếu của các mô hình nhà xuất bản hiện có, nêu được một số bài học kinh nghiệm quý, đề xuất các giải pháp thiết thực cho công tác chỉ đạo, quản lý và cho hoạt động của chính các nhà xuất bản. Thay mặt Ban Bí thư và Lãnh đạo Ban tuyên giáo Trung ương, tôi đánh giá cao kết quả Hội nghị và xin nhẫn mạnh một số vấn đề sau đây.

Sau khi Chỉ thị 42 CT/TW của Ban Bí thư về "Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản" cùng Luật Xuất bản 2004 được ban hành và triển khai thực hiện, hoạt động xuất bản đã có những chuyển biến tích cực. Số lượng xuất bản phẩm tăng mạnh, chất lượng xuất bản phẩm từng bước được nâng lên, đáp ứng tốt hơn nhu cầu văn hoá đọc của nhân dân, góp phần tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Hoạt động xuất bản ngày càng thích ứng với cơ chế thị trường, định hướng XHCN, đã xuất hiện một số mô hình xuất bản làm ăn hiệu quả. Cơ sở vật chất, năng lực của ngành xuất bản được tăng cường và phát triển theo hướng hiện đại.

Bên cạnh thành tựu đó đạt được, hoạt động xuất bản cũng bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém, tập trung ở quy mô, năng lực và mô hình hoạt động. Chỉ thị 42-CT/TW của Ban Bí thư đã chỉ rõ những yếu kém, khuyết điểm của hoạt động xuất bản hiện nay là: "Quy mô, năng lực hoạt động xuất bản ở nước ta vẫn còn chưa đủ đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn và đa dạng của xã hội về cung cấp thông tin, tri thức và thưởng thức văn học, nghệ thuật trong thời kỳ đổi mới, CNH, HĐH, mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế".

Để khắc phục mặt hạn chế, yếu kém, tháo gỡ khó khăn, đưa hoạt động xuất bản phát triển vững chắc và đúng định hướng, vấn đề cấp thiết hiện nay là xây dựng mô hình các nhà xuất bản phù hợp với chức năng, nhiệm vụ trong giai đoạn mới, theo yêu cầu của Đảng và đòi hỏi của sự nghiệp CNH, HĐH đất nước và hội nhập.

Xây dựng mô hình nhà xuất bản phù hợp với yêu cầu mới, theo tôi, cần tập trung giải quyết 3 mối quan hệ: quan hệ giữa nhà xuất bản với cơ quan chỉ đạo, quản lý, cơ quan chủ quản; quan hệ giữa các bộ phận kết thành bộ máy trong nhà xuất bản và quan hệ giữa các nhà xuất bản

Tuy nhiên, để giải quyết tốt 3 mối quan hệ vừa nêu, cần nhận rõ hơn nguyên nhân những hạn chế, yếu kém của mô hình nhà xuất bản hiện nay. Trước hết là sự hạn chế, bất cập trong quan điểm, trong nhận thức về vị trí, tính chất và mục đích của hoạt động xuất bản. Vẫn còn tình trạng một số cấp uỷ đảng, chính quyền, nhất là cơ quan chủ quản chưa thấy rõ hoạt động xuất bản là hoạt động thuộc lĩnh vực tư tưởng, văn hoá, thậm chí coi nhà xuất bản như là cơ sở làm kinh tế đơn thuần, thiếu quan tâm lãnh đạo công tác chính trị, tư tưởng; đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật công nghệ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thiếu cơ chế chính sách ưu đãi đối với hoạt động xuất bản. Nhiều vấn đề trong đó có vấn đề liên quan đến xây dựng và hoàn thiện mô hình xuất bản mới được đặt ra nhưng chưa được nhìn nhận nghiêm túc và có giải pháp thoả đáng. Đó là giải quyết mối quan hệ giữa chức năng tư­ tư­ởng văn hoá và chức năng kinh doanh trong cơ chế thị trường định hướng XHCN; là công tác chỉ đạo, quản lý hoạt động xuất bản trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế và mở rộng giao lưu văn hoá; mức độ tham gia và cơ chế kiểm soát các thành phần kinh tế khác trong liên doanh, liên kết xuất bản trong yêu cầu xã hội hoá hoạt động xuất bản.

Việc thể chế hoá các chủ trương, định hướng của Đảng thành những qui định pháp lý, chế độ, chính sách còn chậm, có mặt lúng túng, chưa đáp ứng đòi hỏi của hoạt động xuất bản vốn sôi động và phức tạp. Hệ thống văn bản quản lý nhà nước về xuất bản để thực hiện Chỉ thị 42- CT/TW của Ban Bí thư chưa đồng bộ, nhất là việc xây dựng và hoàn thiện mô hình xuất bản đã không được cụ thể hoá thành các qui định pháp luật. Nhiều cơ chế, chính sách về thuế, đầu tư, đất đai, nhân lực…chưa được quan tâm đúng mức, gây khó khăn cho việc xây dựng và vận hành các mô hình xuất bản mới...

Việc tổ chức và triển khai xây dựng mô hình xuất bản mới còn lúng túng, bất cập, thậm chí có biểu hiện xa rời nhiệm vụ chính trị. Các cơ quan chỉ đạo, quản lý, cơ quan chủ quản nhà xuất bản chưa chủ động, tích cực cho nhiệm vụ này. Cùng với vai trò, trách nhiệm của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, còn có trách nhiệm của các cơ quan liên quan như Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch-Đầu tư, Tổng cục Thuế ..., đặc biệt là trách nhiệm của cơ quan chủ quản. Thực tiễn cho thấy nhà xuất bản nào được cơ quan chủ quản quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thì dù chưa có được mô hình thật sự hợp lý, nhà xuất bản đó vẫn có bước phát triển, ngược lại, nhà xuất bản nào ít được cơ quan chủ quản quan tâm thì gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Về phía các nhà xuất bản, bên cạnh những đơn vị năng động, sáng tạo, mạnh dạn tìm lối đi, thí điểm xây dựng mô hình mới thì vẫn có những đơn vị thụ động, hoặc có đơn vị bung ra liên doanh, liên kết, buông lỏng quản lý, xa rời chức năng nhiệm vụ, dẫn đến những sai phạm đáng tiếc.

Qúa trình đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế đó đưa đến cho ngành xuất bản nước ta những thời cơ, thuận lợi và cả những khó khăn, thách thức không nhỏ. Để xây dựng và vận hành mô hình nhà xuất bản phù hợp, cần coi trọng những nguyên tắc cơ bản sau:

Thứ nhất, cần chú ý đúng mức tính đặc thù của hoạt động xuất bản. Chỉ thị 42 đã khẳng định: “Xuất bản là một lĩnh vực hoạt động tư tưởng sắc bén của Đảng, Nhà nước và nhân dân, là một bộ phận quan trọng của nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, có nhiệm vụ tích luỹ và truyền bá các giá trị tinh thần, góp phần nâng cao dân trí, phát triển văn hoá, xây dựng nền tảng tư tưởng, thế giới quan, nhân sinh quan cách mạng và khoa học của xã hội; xây dựng đạo đức, lối sống và phát triển toàn diện nhân cách con người Việt Nam; góp phần đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, hình thành xã hội học tập”. Vì thế, dù đi theo mô hình doanh nghiệp hay đơn vị sự nghiệp có thu, chuyên ngành hay tổng hợp... mục đích cuối cùng của các nhà xuất bản không chỉ là lợi nhuận, chạy theo lợi nhuận đơn thuần sẽ xa rời chức năng tư tưởng, văn hoá và nhất định sẽ mắc sai lầm, yếu kém.

Thứ hai, bảo đảm tính kế thừa và tính phát triển trong quá trình xây dựng và hoàn thiện các mô hình nhà xuất bản.

Sự phân chia về mô hình, loại hình, chức năng...của các nhà xuất bản hiện nay là kết quả của một quá trình phát triển lâu dài, có tính lịch sử, mang nhiều đặc trưng của quản lý hành chính và kinh tế thời kỳ kinh tế theo cơ chế kế hoạch hoá tập trung trước đây. Đến nay, những mô hình xuất bản đó không còn phù hợp. Tuy nhiên, không vì thế mà vội vã xóa bỏ các mô hình đã có. Việc xây dựng các mô hình xuất bản mới phải tính đến điều kiện kinh tế, xã hội của đất nước, của mỗi ngành, địa phương. Mặt khác phải biết kế thừa những nhân tố hợp lý, tích cực của những mô hình đã có.

Thứ ba, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, đồng thời phát huy tính chủ động, năng động của nhà xuất bản.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong quá trình xây dựng mô hình nhà xuất bản được cụ thể hoá ở các khâu: định hướng và xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển chung cho toàn ngành xuất bản. Chăm lo công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ, phát huy vai trò tổ chức Đảng và Đảng viên tại các cơ quan chủ quản, các nhà xuất bản.

Nâng cao năng lực quản lý của Nhà nước, trong đó chú ý đến các khâu thực hiện quy hoạch hệ thống xuất bản cả nước; sửa đổi, bổ sung các chính sách về thuế, đầu tư, đất đai, nhân lực, thực hiện có hiệu quả việc cải cách hành chính trên lĩnh vực quản lý xuất bản để vừa bảo đảm sự thống nhất quản lý của Nhà nước, vừa phát huy tính năng động, chủ động, sáng tạo trong hoạt động của các nhà xuất bản. Thực hiện nghiêm pháp luật của Nhà nước và quy định của Đảng trong các cơ quan xuất bản, in, phát hành.

Nói tóm lại, việc chúng ta không xây dựng một mô hình xuất bản duy nhất cho mọi nhà xuất bản. Việc lựa chọn mô hình nào phải xuất phát từ tính chất, đặc điểm, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chủ quản và nhà xuất bản. Tuy nhiên, trong sự phát triển đa dạng của các mô hình đó, mỗi mô hình phải đáp ứng 3 nguyên tắc cơ bản trên, đảm bảo cho nhà xuất bản thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước mà trước hết là nhiệm vụ chính trị của cơ quan chủ quản. Và để thực hiện các nguyên tắc này, thời gian tới, chúng ta cần làm tốt các nhiệm vụ sau:

Trước hết, cần tiếp tục nâng cao nhận thức của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chủ quản của chính mỗi nhà xuất bản về vai trò, vị trí của hoạt động xuất bản. Từ nhận thức đúng và đủ đó phải chuyển biến thành hành động, góp công sức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ xây dựng mô hình và cơ cấu mới phù hợp với sự phát triển của công nghiệp xuất bản hiện đại đã được nêu trong Chỉ thị 42 và kết luận 122.

Đối với các cơ quan nhà nước như các bộ, ngành cần phối hợp, rà soát, điều chỉnh các cơ chế, chính sách như thuế, vốn đầu tư, đất đai, nhân lực… tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các đơn vị tham gia hoạt động xuất bản. Bộ Thông tin - Truyền thông, Bộ Tài chính và các Bộ ban ngành hữu quan nghiên cứu tiếp tục đề nghị Chính phủ, Quốc hội sửa đổi một số điều khoản để phù hợp với đòi hỏi của hoạt động xuất bản trong tình hình mới. Hoàn chỉnh quy hoạch tổng thể ngành xuất bản, gắn xây dựng mô hình xuất bản với xây dựng tiềm lực và năng lực hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh tế của hoạt động xuất bản; xây dựng quy hoạch đội ngũ hoạt động trên lĩnh vực xuất bản đảm bảo tính chuyên nghiệp phù hợp với yêu cầu của mô hình xuất bản hiện đại.

Đối với các cơ quan chủ quản, cần xác định vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, tạo các điều kiện về vốn, trụ sở làm việc, quy hoạch cán bộ, kiểm tra giám sát hoạt động… để tăng tiềm lực cho các nhà xuất bản.

Đối với các nhà xuất bản: Cần bồi dưỡng, nâng cao ý thức,  trách nhiệm, bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, nhân viên. Đặc biệt là trình độ, nhận thức, trách nhiệm của giám đốc, tổng biên tập, biên tập viên trong các nhà xuất bản đối với nội dung xuất bản phẩm.

Thưa các đồng chí !

Xuất bản là thành tố quan trọng của nền tảng tinh thần xã hội, là vũ khí tư tưởng sắc bén của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Toàn ngành xuất bản đã và đang đóng vai trò quan trọng xây dựng nguồn nhân lực trước đòi hỏi mới của đất nước trong thời kỳ CNH, HĐH và hội nhập quốc tế. Việc xây dựng một nền xuất bản phù hợp với thực tiễn đất nước, phát triển theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, cần phải xây dựng và hoàn thiện mô hình nhà xuất bản trở thành yêu cầu khách quan và cấp thiết.

Từ những kết quả trong Hội nghị này, tôi mong các đồng chí có mặt hôm nay hiểu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng mô hình nhà xuất bản hiện đại và là những người tiên phong trong việc góp công sức cùng với ngành xuất bản trong cả nước thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đã được chỉ thị 42 đề ra, giúp cho hoạt động xuất bản có những chuyển biến mạnh mẽ, đáp ứng lòng mong mỏi của Đảng, Nhà nước và các tầng lớp nhân dân./.


(*) Tiêu đề do Tạp chí Tuyên giáo đặt

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất