Những năm gần đây, tình trạng người bệnh điều trị nội trú phải nằm ghép
đôi, thậm chí 3-4 người/giường bệnh ở nhiều bệnh viện trung ương, bệnh
viện tuyến cuối của các thành phố lớn thuộc các chuyên khoa ung bướu,
tim mạch, nhi, sản, ngoại-chấn thương, gây khó khăn, bức xúc cho người
bệnh, cán bộ y tế và xã hội, tác động tiêu cực tới chất lượng khám bệnh,
chữa bệnh.
Việc giải quyết tình trạng quá tải này đã trở thành mối quan tâm của
toàn xã hội và là một trong những ưu tiên hàng đầu của ngành y tế.
Phát triển hệ thống bệnh viện vệ tinh
Thực hiện Quyết định số 92/QĐ-TTg ngày 9/1/2013 của Thủ tướng Chính phủ
phê duyệt Đề án giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013-2020, Bộ Y tế xây
dựng Đề án bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013-2020. Đề án đề ra mục tiêu
nâng cao năng lực về khám bệnh, chữa bệnh cho các bệnh viện vệ tinh,
thông qua các hoạt động đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, cải tạo cơ sở vật
chất, nâng cấp trang thiết bị y tế, giúp người dân được khám bệnh, chữa
bệnh chất lượng cao ngay tại địa phương, không phải về thành phố, trước
mắt tập trung ưu tiên năm chuyên khoa ung bướu, ngoại chấn thương, tim
mạch, sản và nhi.
Đề án đã thiết lập được mạng lưới bệnh viện hạt nhân-vệ tinh gồm 14 bệnh
viện hạt nhân là bệnh viện trung ương và tuyến cuối của Thành phố Hồ
Chí Minh có đủ năng lực, được giao nhiệm vụ chuyển giao kỹ thuật cho 46
bệnh viện vệ tinh thuộc 38 tỉnh, thành phố (là bệnh viện tuyến tỉnh tiếp
nhận chuyển giao kỹ thuật của bệnh viện hạt nhân thuộc năm chuyên khoa
tim mạch, ngoại chấn thương, ung bướu, sản, nhi).
Việc chuyển giao kỹ thuật được triển khai thực hiện từng bước, bao gồm
tổ chức đào tạo kíp kỹ thuật từ bệnh viện vệ tinh học tại các bệnh viện
hạt nhân, chuyển giao kỹ thuật chuyên sâu do các chuyên khoa của bệnh
viện hạt nhân cho các bệnh viện vệ tinh, sau quá trình đào tạo, các kíp
kỹ thuật của bệnh viện vệ tinh có thể làm chủ kỹ thuật và có thể tiến
hành thực hiện kỹ thuật tại các bệnh viện vệ tinh, nhờ đó, người bệnh
không phải chuyển lên tuyến trên.
Để việc chuyển giao đạt hiệu quả cao, Đề án còn có các hình thức hỗ trợ
khác như ứng dụng công nghệ thông tin trong việc đào tạo, hội chẩn, khám
chữa bệnh từ xa; ỗ trợ trang thiết bị phục vụ chuyển giao kỹ thuật cho
cả bệnh viện vệ tinh và hạt nhân.
Tỷ lệ chuyển tuyến giảm
Sau hai năm triển khai (2013-2014), bên cạnh xây dựng được các tài liệu
hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, các quy trình kỹ thuật phục vụ hoạt động
đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện vệ tinh, đến hết tháng
12/2014, 14 bệnh viện hạt nhân đã tổ chức được 327 lớp đào tạo cho 3.891
lượt cán bộ bệnh viện vệ tinh; chuyển giao 293 lượt kỹ thuật cho 1.745
cán bộ và chuyển giao hoàn thành 224 kỹ thuật. Một số bệnh viện đã tiến
hành tổ chức các loại hình đào tạo, hội chẩn từ xa, phản hồi công tác
chuyên môn giúp nâng cao năng lực bệnh viện vệ tinh.
Cả nước đã có 39/46 bệnh viện vệ tinh được ủy ban nhân dân tỉnh phê
duyệt dự án bệnh viện vệ tinh; 36/46 bệnh viện có cải thiện cơ sở vật
chất hạ tầng, mua sắm bổ sung trang thiết bị phục vụ chuyển giao kỹ
thuật; 32/46 bệnh viện đã bổ sung nhân lực để tiếp nhận chuyển giao kỹ
thuật tuyển thêm được 874 bác sỹ, điều dưỡng, kỹ thuật viên. Ngoài ra,
46/46 bệnh viện cử cán bộ đi học để chuẩn bị tiếp nhận chuyển giao kỹ
thuật; 46/46 bệnh viện chuẩn bị các điều kiện tiếp nhận đào tạo và
chuyển giao kỹ thuật...
Theo Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), tỷ lệ chuyển người bệnh lên
tuyến trên năm ngoái so với năm 2012 và 2013 đang có xu hướng giảm, đặc
biệt giảm rõ ở những bệnh viện và chuyên khoa trong Đề án bệnh viện vệ
tinh. Đã có 37,5% số bệnh viện vệ tinh giảm được tỷ lệ chuyển tuyến như
Bệnh viện A Thái Nguyên; Bệnh viện Bãi Cháy Quảng Ninh; Bệnh viện Đa
khoa tỉnh Điện Biên; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang; Bệnh viện Đa khoa
tỉnh Ninh Bình; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh; Bệnh viện Phụ sản
Tiền Giang; Bệnh viện Sản Nhi Cà Mau, Bệnh viện Sản nhi Ninh Bình và
Bệnh viện Ung bướu Nghệ An... Bệnh viện Việt-Đức, Bệnh viện Nhi Trung
ương đến nay đã không còn tình trạng nằm ghép một phần là nhờ kết quả
giảm tỷ lệ chuyển tuyến từ các bệnh viện vệ tinh lên tuyến trên.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa đã thực hiện can thiệp tim mạch, mổ tim
hở thường quy; Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa, Bệnh viện Đa khoa Bãi
Cháy (Quảng Ninh) đã làm chủ kỹ thuật can thiệp tim mạch... nhờ đó, cứu
chữa kịp thời nhiều ca bệnh cấp cứu, đặc biệt là nhồi máu cơ tim cấp.
Cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị
Phó giáo sư-tiến sỹ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa
bệnh, cho biết trong quá trình thực hiện Đề án bệnh viện vệ tinh, đánh
giá bước đầu cho thấy, muốn thực hiện có hiệu quả cần sự tham gia quyết
liệt của cả hệ thống chính trị từ các bộ, ban, ngành trung ương đến
chính quyền địa phương và toàn hệ thống y tế. Những kết quả ban đầu của
bệnh viện vệ tinh đã khẳng định mô hình bệnh viện vệ tinh phù hợp trong
điều kiện kinh tế xã hội, là mô hình sáng tạo kết nối giữa khả năng của
tuyến truyên và nhu cầu của tuyến dưới. Thực tế cho thấy, nơi nào có
chính quyền địa phương vào cuộc thì nơi đó Đề án bệnh viện vệ tinh phát
triển như Ninh Bình, Phú Thọ, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Bắc Giang, Khánh
Hòa, Lào Cai...
Trong thời gian tới, để đẩy mạnh triển khai Đề án bệnh viện vệ tinh góp
phần giảm tải bệnh viện, phó giáo sư-tiến sỹ Lương Ngọc Khuê cho rằng,
các đơn vị, cơ sở y tế cần đẩy mạnh việc thực hiện bệnh viện vệ tinh,
khoa vệ tinh, chuyển giao kỹ thuật (không phân biệt bệnh viện nhà nước
và bệnh viện tư nhân); coi đây là một trong những giải pháp căn bản để
đào tạo đội ngũ cán bộ y tế chất lượng cao cho tuyến dưới, đồng thời
phát huy hiệu quả, hiệu suất của các bệnh viện hiện có; tổng kết mô hình
làm tốt nhất để nhân rộng ra toàn tỉnh.
Đối với các tỉnh đã có Đề án bệnh viện vệ tinh, Bộ Y tế phối hợp với các
bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị
để thực hiện Đề án bệnh viện vệ tinh và tăng cường tào tạo đội ngũ cán
bộ tuyến dưới tiếp nhận kỹ thuật. Đối với các bệnh viện các tỉnh, cần
tăng cường đầu tư, chuẩn bị cán bộ có khả năng tiếp nhận, cải tạo cơ sở
vật chất, mua sắm trang thiết bị để hoàn thành Đề án bệnh viện vệ tinh
đã được phê duyệt.
Với những tỉnh chưa có Đề án bệnh viện vệ tinh, cần chỉ đạo khảo sát
đánh giá nhu cầu và đặc biệt quan tâm đến các chuyên khoa quá tải như
ung bướu, ngoại chấn thương, tim mạch, sản và nhi; hồi sức tích cực, nội
tiết, thần kinh, đồng thời xây dựng Đề án bệnh viện vệ tinh trình ủy
ban nhân dân tỉnh và Bộ Y tế phê duyệt.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin đối với các bệnh
viện vệ tinh và quan tâm mở rộng bệnh viện vệ tinh đối với các bệnh viện
không chỉ công lập mà cả bệnh viện tư; tiếp tục thực hiện đào tạo,
chuyển giao kỹ thuật, thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với
người hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và Đề án 1816 của Bộ Y
tế./.
(TTXVN)