Chủ Nhật, 6/10/2024
Sức khỏe
Thứ Bảy, 6/6/2015 16:25'(GMT+7)

Cuộc chiến với khói thuốc

Bà Lai-xơ Blai (Lise Blais), người có chồng nghiện thuốc lá và qua đời vì ung thư phổi, phát biểu hoan nghênh phán quyết của tòa án Tối cao Kê-bếch. Ảnh: AP

Bà Lai-xơ Blai (Lise Blais), người có chồng nghiện thuốc lá và qua đời vì ung thư phổi, phát biểu hoan nghênh phán quyết của tòa án Tối cao Kê-bếch. Ảnh: AP

Phán quyết của Tòa án Tối cao Kê-bếch ngày 2-6 cuối cùng đã khép lại vụ việc kéo dài suốt 17 năm qua liên quan đến 3 tập đoàn thuốc lá đa quốc gia gồm British American Tobacco PLC, Phillips Morris International Inc. và Japan Tobacco Inc. Ba công ty con hoạt động ở Ca-na-đa của các tập đoàn này gồm Imperial Tobacco, Rothmans Benson & Hedges và JTI phải chịu phạt.

Trước đó, năm 1998, những người hút thuốc ở Kê-bếch đã đâm đơn kiện ba công ty trên vì không thông tin và cảnh báo đủ tới người tiêu dùng về tác hại của thuốc lá. Tuy nhiên, phải 14 năm sau, tòa án mới chấp thuận thụ lý vụ án. 

Theo Reuters, đơn kiện đầu tiên của 90.000 người đã và đang hút thuốc ở Kê-bếch cho biết, sau khi hút thuốc, họ bị mắc các bệnh liên quan tới thuốc lá như khó thở và ung thư cổ họng, thanh quản. Vì vậy, họ yêu cầu được bồi thường 105.000USD/người. Đơn kiện thứ hai của gần một triệu người đang hút thuốc lá. Những người này khẳng định không thể bỏ thói quen hút thuốc và yêu cầu được bồi thường 10.000USD/người. Đơn của bên nguyên cáo buộc các công ty thuốc lá che giấu những nghiên cứu cho thấy có mối liên hệ giữa thuốc lá và các bệnh nguy hiểm như ung thư. Các công ty thuốc lá này cũng bị cáo buộc thay đổi nồng độ nicotine trong thuốc lá, tăng lượng hắc ín nguy hiểm, thêm các chất liệu độc hại vào thuốc lá.

Sau nhiều năm thu thập chứng cứ, ngày 2-6 vừa qua, Tòa án Tối cao Kê-bếch đã ra phán quyết, theo đó những người hút thuốc và bị ung thư từ trước tháng 1-1976 sẽ được bồi thường 100.000USD. Người hút thuốc sau thời điểm này và bị ung thư được nhận 90.000USD. Những người hút thuốc trước tháng 1-1976 và bị bệnh khí phế thũng được bồi thường 30.000USD, người hút sau thời điểm đó và cũng mắc bệnh này được nhận 24.000USD. Và gần một triệu người hút thuốc ở Kê-bếch mà không bỏ được thuốc lá sẽ được bồi thường 130USD/người. Các thẩm phán cũng buộc ba công ty thuốc lá trên phải thanh toán thiệt hại cho những người sử dụng kể cả trong trường hợp những công ty này quyết định kháng cáo. Ông Ma-ri-ô Bu-giôn (Mario Bujold), Giám đốc Hội đồng Thuốc lá và sức khỏe thành phố Kê-bếch mô tả, đây là một chiến thắng lớn đối với các nạn nhân của thuốc lá ở Kê-bếch, những người đã phải chờ đợi 17 năm để công lý được thực thi.

Sau khi phán quyết được đưa ra, đại diện Công ty Imperial Tobacco chi nhánh Ca-na-đa cho rằng, cả người tiêu dùng và chính phủ đều nhận thức được những rủi ro mà hút thuốc lá mang lại từ nhiều thập kỷ nay. Do đó trách nhiệm không chỉ đơn thuần thuộc về nhà sản xuất.  Được biết, trong số tiền bồi thường lên đến 12 tỷ USD thì công ty Imperial Tobacco phải chi đến 8 tỷ USD. Rất có thể, vụ việc trên sẽ còn kéo dài thêm vài năm nữa bởi theo tiết lộ mới nhất thì Imperial Tobacco đang có ý định kháng cáo.

Đây không phải là lần đầu tiên một vụ kiện liên quan tới các công ty thuốc lá xảy ra ở Ca-na-đa. Năm 2009, chính quyền tỉnh Ôn-ta-ri-ô ở nước này đã kiện một nhóm các công ty sản xuất thuốc lá, đòi bồi thường 50 tỷ đô-la Ca-na-đa (khoảng 38,7 tỷ USD) để bù đắp những chi phí về chăm sóc y tế liên quan đến những căn bệnh do hành vi hút thuốc lá gây ra. Tuy nhiên, vụ kiện trên gặp trở ngại vì chính quyền tỉnh Ôn-ta-ri-ô gặp khó khăn khi tìm ra các bằng chứng chứng minh mức thiệt hại nói trên. Người đứng đầu lĩnh vực Tư pháp tỉnh Ôn-ta-ri-ô Chrít Ben-lây (Chis Benley) cho biết, đây là một vụ kiện phức tạp và dự kiến sẽ còn kéo dài.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm trên thế giới có gần 6 triệu người bị chết vì những bệnh liên quan tới việc sử dụng thuốc lá, và trung bình, cứ 6 phút trên thế giới lại có một người chết do nghiện thuốc lá. WHO cho rằng, nếu mọi người không sớm ý thức được đầy đủ tác hại của thuốc lá, chủ động từ bỏ thói quen rất có hại khi sử dụng thuốc lá, đến năm 2030, mỗi năm trên thế giới sẽ có thêm 2 triệu nạn nhân nữa liên quan tới thuốc lá.

Trước thực trạng đáng báo động kể trên, WHO kêu gọi mọi người chủ động nói không với thói quen hút thuốc lá, và các quốc gia phải có chiến lược tuyên truyền, giáo dục sâu rộng về tác hại của thuốc lá, áp dụng biện pháp đánh thuế cao đối với sản phẩm thuốc lá, cấm quảng cáo thuốc lá dưới bất cứ hình thức nào và mở rộng các vị trí cấm hút thuốc lá...

PHƯƠNG LINH/QĐND

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất