Ngày 8-1, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức Hội nghị cơ quan chủ quản nhà xuất bản năm 2015. Đồng chí Nguyễn Thế Kỷ, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, đồng chí Trương Minh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông tới dự và phát biểu tại Hội nghị.
Hoạt động xuất bản có những bước phát triển mới, phục vụ kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước
Báo cáo về công tác chủ quản nhà xuất bản năm 2015, đồng chí Nguyễn An Tiêm, Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí – Xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương) nêu rõ, năm 2015, ngành xuất bản đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận. Hoạt động xuất bản của cả nước tiếp tục có những bước phát triển mới, phục vụ kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước và đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần ngày càng cao của công chúng và xã hội. Đóng góp vào kết quả này, ngoài sự nỗ lực, tìm tòi, đổi mới, sáng tạo không ngừng của các nhà xuất bản, của mỗi cán bộ, biên tập viên các nhà xuất bản, là vai trò quyết định của các cơ quan chủ quản nhà xuất bản.
Về công tác định hướng thông tin và chỉ đạo thực hiện tôn chỉ mục đích, nhiều cơ quan chủ quản đã làm tốt công tác này với một số kết quả nổi bật như: Khắc phục những lúng túng khi chuyển từ cơ chế xét duyệt kế hoạch xuất bản thường xuyên sang định hướng kế hoạch cả năm, công tác định hướng thông tin, chỉ đạo thực hiện tôn chỉ, mục đích của các cơ quan chủ quản đã dần đi vào nền nếp, chất lượng định hướng thông tin được nâng lên một bước. Nhiều cơ quan chủ quản đã tổ chức tốt công tác định hướng kế hoạch xuất bản từ đầu năm đồng thời thường xuyên chỉ đạo, định hướng thông tin giúp các nhà xuất bản chủ động nghiên cứu, tiếp cận các mảng đề tài theo đúng chức năng, nhiệm vụ và tôn chỉ mục đích.
Nhờ có sự quan tâm và chỉ đạo kịp thời của các cơ quan chủ quản, một số nhà xuất bản đã đẩy mạnh rà soát, chấn chỉnh quy trình biên tập, quy trình xuất bản; chú trọng công tác biên tập, đọc duyệt nội dung và quy trình liên kết xuất bản. Nhờ đó, số lượng các xuất bản phẩm có chất lượng tặng lên; số lượng, tính chất, mức độ sai phạm trong nội dung xuất bản phẩm giảm xuống, xất hiện một số xuất bản phẩm là công trình lý luận chính trị, khoa học có giá trị cao, tác phẩm văn học mang tinh thần nhân văn sâu sắc, có sức lan tỏa mạnh mẽ, tạo hiệu ứng tích cực trong xã hội.
Bám sát sự chỉ đạo nhiệm vụ từ đầu năm, các nhà xuất bản đã xuất bản nhiều đầu sách có chất lượng, thực hiện hiệu quả nội dung tuyên truyền của năm có nhiều sự kiện trọng đại, kỷ niệm ngày lễ lớn. Điển hình là các bộ sách gồm 22 cuốn các tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh của nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, bộ sách Bác Hồ kính yêu của nhà xuất bản Thuận Hóa, sách kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 của nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông..
Sách về chủ quyền biển đảo, thông tin đối ngoại tiếp tục được quan tâm với nhiều đầu sách có chất lượng tốt như: Sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 và tham vọng của Trung Quốc độc chiếm Biển Đông; Hoàng Sa và Trường Sa là máu thịt của Việt Nam (NXB, Thông tin và Truyền thông); Ngược sóng (NXB Thời đại…).
Nhiều nhà xuất bản đã xây dựng thành công một số bộ sách, tủ sách có giá trị được bạn đọc hoan nghênh, đón nhận như bộ sách Thiên nhiên đất nước ta (NXB Kim Đồng); Tủ sách Cánh cửa mở rộng (NXB Trẻ),…
Một số cơ quan chủ quản thực hiện tốt công tác chỉ đạo, định hướng thông tin này gồm: Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tư Pháp, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh…
Công tác chỉ đạo nhà xuất bản xây dựng chiến lược phát triển trung hạn, dài hạn được quan tâm hơn. Một số cơ quan chủ quản đã xây dựng cơ chế giám sát, phân công một đồng chí lãnh đạo thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc tổ chức thực hiện định hướng kế hoạch của nhà xuất bản; giải quyết kịp thời những khó khăn bức xúc của đơn vị.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn cũng cho rằng, xuyên suốt quá trình phát triển của mình, hoạt động xuất bản năm 2015 đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, vượt qua những khó khăn, thách thức chung của đất nước cũng như những khó khăn đặc thù riêng của Ngành, để tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Đặc biệt, trong hơn 02 năm qua, từ khi Luật Xuất bản có hiệu lực thi hành và triển khai áp dụng vào đời sống thực tiễn, hoạt động xuất bản đã có những bước chuyển biến ngày càng tích cựcvà tiến bộ hơn. Chất lượng nội dung và hình thức xuất bản phẩm không ngừng được nâng lên, cung cấp cho xã hội khối lượng lớn thông tin, kiến thức trên nhiều lĩnh vực, góp phần giữ vững ổn định chính trị, nâng cao dân trí, làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, đóng góp tích cực vào công cuộc đổi mới đất nước.
Bên cạnh đó, hoạt động trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với sự cạnh tranh khốc liệt, toàn Ngành đã có nhiều cố gắng thích ứng và có bước phát triển đáng kể trong đổi mới công nghệ. Song song với đó, công tác quản lý Nhà nước cũng đã có sự kiện toàn, đổi mới theo quy định của Luật Xuất bản, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu phát triển của toàn Ngành.
Trong điều kiện khó khăn, bị ràng buộc bởi các qui định về sử dụng ngân sách, một số cơ quan chủ quản đã có nhận thức đúng về vị trí, vai trò của Nhà xuất bản trong đơn vị mình, từ đó tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho đơn vị (trụ sở, trang thiết bị làm việc, ứng dụng công nghệ thông tin...), đẩy mạnh triển khai các nguồn sách đặt hàng, sắp xếp, ổn định tổ chức, kiện toàn bộ máy, bổ sung nguồn nhân lực có chất lượng, tạo điều kiện cho nhà xuất phát triển.
Bên cạnh đó, các cơ quan chủ quản cũng đã chú trọng hơn trong công tác quy hoạch, kiện toàn bộ máy tổ chức và bổ nhiệm đội ngũ cán bộ lãnh đạo nhà xuất bản. Đây chính là lực lượng nòng cốt để chỉ đạo, điều hành, xây dựng định hướng phát triển cho nhà xuất bản. Đến nay, 56 nhà xuất bản có đầy đủ chức danh lãnh đạo theo quy định của Luật Xuất bản. Trong năm 2015, 19 nhà xuất bản được cơ quan chủ quản bổ nhiệm chức danh lãnh đạo mới, 970 biên tập viên của 62 nhà xuất bản được cấp Chứng chỉ hành nghề biên tập theo quy định pháp luật về xuất bản, trong đó có 48 biên tập viên là lãnh đạo nhà xuất bản.
Nâng cao chất lượng công tác chỉ đạo, quản lý, công tác chủ quản nhà xuất bản
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tham luận, phát biểu ý kiến để khắc phục những hạn chế còn tồn tại; đề xuất các giải pháp thực hiện nhiệm vụ chung của toàn ngành trong năm 2016.
Các ý kiến đã chỉ ra rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác chỉ đạo, định hướng thực hiện tôn chỉ, mục đích của cơ quan chủ quản còn không ít hạn chế. Công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động của nhà xuất bản trong liên kết xuất bản chưa thực hiện thường xuyên, có nơi bị buông lỏng, dẫn đến những sai phạm đáng tiếc. Số sách có sai phạm về nội dung chính trị chiếm tỷ lệ nhỏ, phần lớn là các sai phạm về kỹ thuật về các sai sót về thời gian, hoàn cảnh, nhân vật lịch sử, lỗi morat… Một số ít có nội dung không phù hợp với đối tượng, lứa tuổi, truyền thống văn hóa… Các cơ quan chỉ đạo quản lý, cơ quan chủ quản cùng các nhà xuất bản đã chủ động các biện pháp xử lý.
Trên cơ sở đó, các đại biểu cũng đề xuất một số giải pháp khắc phục những hạn chế còn tồn tại như:
Bám sát nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2016, các cơ quan chủ quản tập trung chỉ đạo, định hướng nhà xuất bản đẩy mạnh tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; tuyên truyền học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; đi sâu vào khai thác những mảng sách về nhân tố mới, mô hình mới trong các phong trào thi đua yêu nước, tích cực đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, góp phần ngăn chặn đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện tự chuyển hóa, tự diễn biến; tập trung vào các đề tài tuyên truyền chủ quyền biển, đảo, thông tin đối ngoại, biến đổi khí hậu và môi trường…
Tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu sách. Tổ chức hiệu quả các hội chợ sách hằng năm, đặc biệt là các triển lãm – hội chợ sách quốc tế năm 2016; tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng các hoạt động quảng bá văn hóa đọc tôn vinh sách và những người làm sách trong Ngày Sách Việt Nam; đổi mới theo hướng mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả các hoạt động tham gia Hội chợ sách quốc tế trong và ngoài nước. Mở rộng giao lưu, hợp tác xuất bản với các nước thông qua việc trao đổi, tặng bản quyền sách và dịch sách, xây dựng và triển khai đề án sách phục vụ thông tin đối ngoại.
Tập trung tăng cường nguồn lực cho các nhà xuất bản; giải quyết dứt điểm vấn đề mô hình nhà xuất bản, vấn đề bảo đảm điều kiện hoạt động cho các nhà xuất bản; tiếp tục đầu tư, cải thiện cơ sở vật chất kỹ thuật, đặc biệt là các trang thiết bị tác nghiệp, tạo điều kiện cho nhà xuất bản chủ động tiếp cận và phát triển xuất bản điện tử.
Tăng cường hơn nữa công tác bồi dưỡng, nâng cao nhận thức chính trị, nghiệp vụ chuyên môn cho lãnh đạo, biên tập viên nhà xuất bản.
Tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, cụ thể hóa và thực hiện tốt Chỉ thị 42-CT/TW của Ban Bí thư về Nâng cao toàn diện chất lượng hoạt động xuất bản, các quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X về chỉ đạo, quản lý xuất bản; gắn với thực hiện Luật Xuất bản và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thế Kỷ lưu ý, năm 2016, dự báo tình hình thế giới và trong nước tiếp tục có những diễn biến nhanh, phức tạp, thời cơ và thách thức đan xen. Đồng chí cũng đề nghị, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất là, đổi mới nội dung, phương pháp, nâng cao chất lượng công tác chỉ đạo, quản lý, công tác chủ quản nhà xuất bản; giải quyết cơ bản, triệt để việc xác định mô hình nhà xuất bản theo chức năng, nhiệm vụ phân công; tập trung tìm cách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc hoàn thiện các điều kiện hoạt động của nhà xuất bản theo Luật Xuất bản và các văn bản hướng dẫn thi hành. Các nhà xuất bản không thể chỉ là nơi cấp giấy phép cho các nhà sách, để nhà sách chi phối hoạt động của nhà xuất bản. Cần tạo dựng vị thế cho nhà xuất bản trong mối quan hệ với các đơn vị chức năng trong Ban, ngành địa phương tương xứng với vị trí, chức năng của hoạt động xuất bản.
Thứ hai là, tăng cường phối hợp nắm bắt thông tin, định hướng nhà xuất bản, xây dựng kế hoạch, lựa chọn đề tài thông tin tuyên truyền các nhiệm vụ, sự kiện chính trị, kinh tế - xã hội, các ngày lễ lớn trong năm sát với nhiệm vụ chính trị. Ngay sau khi Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng kết thúc, cơ quan chủ quản và các nhà xuất bản cần chuẩn bị nguồn nhân lực, vật lực sẵn sàng phục vụ tuyên truyền Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII với các xuất bản phẩm có nội dung phong phú, sinh động, thiết thực. Các cơ quan chủ quản và nhà xuất bản cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan liên quan trong chỉ đạo, định hướng nội dung các xuất bản phẩm, nhất là các nội dung quan trọng, phức tạp, nhạy cảm, các vấn đề chủ quyền biển, đảo; tạo điều kiện để nhà xuất bản đi sâu khai thác mảng đề tài đấu tranh, phản bác những thông tin, luận điệu xấu, độc của các thế lực thù địch; tăng cường thông tin đối ngoại đưa hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế; chú trọng tuyên truyền về thời cơ, thách thức khi Việt Nam tham gia vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; tuyên truyền về biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường…
Thứ ba là, cơ quan chủ quản cần tiếp tục quan tâm đầu tư, bổ sung, tăng cường cơ sở vật chất cho nhà xuất bản, vận dụng các giải pháp linh hoạt để tạo nguồn vốn, trụ sở cho đơn vị, bảo đảm để đơn vị có thể hoạt động và phát triển. Đối với một số nhà xuất bản có tiềm lực, cơ quan chủ quản cần mạnh dạn tạo cơ chế thông thoáng, đẩy mạnh đầu tư về công nghệ, hiện đại hóa hoạt động xuất bản, đặc biệt là công nghệ cho xuất bản điện tử, xu hướng phát triển chủ đạo của xuất bản trong thời gian tới.
Thứ tư là, cơ quan chủ quản cần đặc biệt quan tâm đến công tác qui hoạch và đào tạo cán bộ, xác định biên chế, đội ngũ cán bộ phù hợp; tạo điều kiện để nhà xuất bản tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ biên tập viên, mạnh về chuyên môn, vững về nghiệp vụ, hoàn thiện bằng cấp, chứng chỉ theo qui định, bảo đảm quyền lợi mọi mặt để cán bộ gắn bó, tâm huyết với nghề. Cơ quan chủ quản cũng cần hết sức quan tâm đến việc bồi dưỡng lớp cán bộ lãnh đạo, quản lý, đáp ứng yêu cầu trong từng giai đoạn, khắc phục tình trạng bị động, khủng hoảng về nhân lực của nhiều nhà xuất bản.
Đồng chí Nguyễn Thế Kỷ cũng cho biết, về phía các cơ quan chỉ đạo, quản lý, Ban Tuyên giáo Trung ương sẽ tiếp tục cùng các cơ quan liên quan tích cực nghiên cứu, tham mưu Đảng, Nhà nước ban hành chủ trương, chính sách phù hợp; thực hiện theo Quy hoạch phát triển xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Chính phủ phê duyệt; tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng đề xuất điều chỉnh chính sách thuế nhà đất cho các nhà xuất bản; xây dựng cơ chế đặt hàng xuất bản phẩm bằng ngân sách Nhà nước hiệu quả.
Thu Hằng